VN đăng cai Asiad 18: Thắng hay thua, chờ quyết toán mới biết
(Dân trí) - Hình như chưa bao giờ “tinh thần thể dục, thể thao” của nhiều người dân ta lại “xuống” thấy rõ như khi hay tin: VN đã dành được quyền đăng cai Asiad 18 vào năm 2019. Thậm chí có người còn gióng chuông cảnh báo: “Lợi thì có lợi nhưng…(e là) răng (sẽ) chẳng còn”?
Vinh dự lớn, trách nhiệm càng nặng
Bàn tiếp về niềm vinh dự khi VN lần đầu tiên dành được quyền đăng cai Asiad, trong khi số bạn đọc này chia sẻ với đánh giá và nhận định của giới chức ngành Thể thao VN, thì số khác nhấn mạnh nỗi lo về trách nhiệm khi hậu quả có lẽ phải sau 7 năm nữa mới biết rõ được là chúng ta có thua ngay trên sân nhà hay không.
“Những ý kiến (phản ứng lại) có vẻ ấu trĩ nhỉ. Được đăng cai Asiad là vinh dự lớn, là cơ hội lớn để quảng bá du lịch không dễ gì có được đâu” - NghiaLB: nghialb174@gmail.com
“Tôi chẳng thấy gì tự hào cả. Nền thể thao nước nhà thì… “không khỏe”, năng lực quản lý của mấy vị ở ngành TDTT thì… “chưa giỏi”… Làm vậy liệu có "cố đấm ăn xôi" chăng?... Rồi 7 năm nữa khi một số vị đã nghỉ hưu, hậu quả ra sao biết ai là người chịu trách nhiệm? Nói thật dân VN chẳng bao giờ tin vào cái kế hoạch tiết kiệm của mấy vị đâu. Chúng ta hãy ngồi xem tiền chảy vào túi riêng hay túi chung của là chính… Tôi lại chỉ thấy buồn khi VN đăng cai Asiad 18” - Hữu Dực: nonghuuduc1978@yahoo.com.vn
“Ông Phạm Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn TT thành tích cao của VN trước đây đã có bài nói về việc không nên đăng cai tổ chức ASIAD 2019 vì rất nhiều lý do, kể cả về kinh phí lẫn chất lượng TT nước nhà. Ngoài ra, một số nước đã từ chối không nhận đăng cai, vậy nên mừng hay lo đây ???” - Nguyễn Thế Thắng: thangnt04@gmail.com
“Đăng cai ASIAD thế nào cũng phải sử dụng tiền ngân sách cũng là tiền thuế của nhân dân (chi phí thực không đội lên 2 đến 3 lần số dự kiến thì tôi cứ... bé bằng con kiến). Cho nên theo tôi nghĩ, muốn đăng cai thì phải trưng cầu ý dân hoặc được Quốc hội đồng ý, chứ không phải cứ tự quyết được. Thắng lợi sẽ là của một số ít người, còn gánh nợ sẽ là thiệt hại của quảng đại nhân dân đấy!” - nick Ai thắng? Ai thua: trandan@gmail.com
“Khá nhiều quốc gia đã từ chối tổ chức đại hội ASIAD do vấn đề về suy thoái kinh tế. Bài học nợ công của Hy Lạp là minh chứng điển hình cho việc đầu tư công kém hiệu quả. Vì vậy, tôi nghĩ việc tổ chức đại hội với kinh phí 150 triệu USD sẽ được dân đồng tình ủng hộ với các điều kiện sau:
+ Đưa ra trách nhiệm của người đứng đầu, các hạng mục đầu tư, xây dựng của công trình phục vụ ASIAD không vượt quá 150 triệu USD. Nếu vượt quá con số trên đề nghị truy trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời Bộ Tài chính cương quyết không chi con số vượt ngân sách ban đầu đã phê duyệt.
+ Không khuyến khích các địa phương xây dựng các công trình phục vụ đại hội. Hiện nay VN còn "nợ" đầu tư rất nhiều công trình, dự án. Vì vậy đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành không “bật đèn xanh” cho các địa phương xây dựng các công trình phục vụ đại hội mà nếu tính hiệu quả đầu tư những công trình đó chắc chắn sẽ thấp hơn đầu tư vào cầu đường, trường học...” - Vũ Tuấn Linh: linh_ly_12@yahoo.com
Khoảng cách lợi ích – gánh nặng kinh tế bao xa
Tất nhiên trước khi quyết một việc lớn như đăng cai Asiad, các nhà chuyên môn cũng đã phải tính toán kỹ về mục tiêu kinh tế rồi. Nhưng đó là trên giấy tờ, còn khi đi vào thực tế thực thi thế nào thì “kiểu VN” xưa nay mấy ai còn lạ? Bài học kinh nghiệm Seagames năm nào còn nóng hổi đó, sao dân có được lòng tin. Thế nên cuộc tranh cãi trên diễn đàn dư luận càng đi vào hồi gay cấn khi động chạm tới chuyện tiền nong, cách huy động vốn đầu tư – triển khai sử dụng – xử lý hậu quả…
“Các bạn cứ nói là lãng phí, không phù hợp trong thời buổi kinh tế hiện nay, nước ta còn nghèo, rồi lại lo trở thành Hy Lạp thứ 2. Tôi lại thấy đây là một cơ hội lớn tạo cú hích về mặt kinh tế. Các bạn còn nhớ trước khi xây khu liên hợp thể thao Mỹ Đình thì khu vực phía Tây Hà Nội còn là những cánh đồng rau muống, vậy mà giờ nó phát triển từng ngày đấy. Nhân dịp Asiad ta nên xây dựng phía Tây Bắc thành phố, bên kia cầu Nhật Tân khu liên hợp thể thao, làng VĐV sẽ kéo theo cơ sở hạ tầng phát triển. Đầu tư xây dựng tạo ra công ăn việc làm, phát triển dịch vụ và nhiều lợi ích khác. Hy Lạp bị nợ là vì nền kinh tế suy thoái chung của thế giới và châu Âu. Còn từ nay đến năm 2019 còn xa, thời thế còn thay đổi. Chúng ta hãy coi đó là cơ hội để đầu tư xây dựng phát triển thành phố Hà Nội đi” - Trần Quốc Việt: viettran1980@gmail.com
“Chỉ thấy ông Giang nói về những cái Được, mà chẳng thấy ông nói đến những cái Chưa Được gì cả nhỉ? Ông là một nhà thể thao, ông không phải là nhà kinh tế, ông có lẽ chẳng quan tâm nhiều đến việc chi tiền? Ông có biết nhiều nước trên thế giới đã lỗ như thế nào sau khi đăng cai sự kiện thể thao lớn không? Tôi nghe nói, ngay cả Trung Quốc sau Thế vận hội cũng có một khối cơ sở vật chất khổng lồ (nhà thi đấu, sân vận động...) bị bỏ hoang, xuống cấp và lãng phí. Còn du lịch ư? nếu làm du lịch như VN vẫn kiểu thế này thì sau ASIAD tôi e là cũng chẳng khá hơn lên được đâu. Nhiều người dân giờ có lẽ chẳng quan tâm đến ASIAD, họ chỉ quan tâm đến đời sống của họ sắp tới sẽ như thế nào thôi” - Nguyễn Toàn: ng_dtoan@yahoo.com
“Tôi thấy phát biểu của ông Giang còn chủ quan và dường như quá tự tin để đăng cai Á vận hội, vì các lý do sau:
+ Kinh tế VN còn nghèo so với ngay trong châu lục và VN còn rất nhiều khó khăn không đủ sức để đầu tư.
+ Thể thao VN nhất là các môn thi truyền thống Olympics còn yếu, chưa có cơ sở nào để tự hào.
+ Sau khi đầu tư xong các công trình thể thao này làm gì, khi mà nhiều môn thi ở VN chưa ai chơi? Hiện các căn hộ còn đang ế ẩm thì Làng Thể thao sử dụng xong liệu sẽ bán được cho ai? Ở các nước người ta thường dùng ký túc xá sinh viên để cho vận động viên ở (thường tổ chức vào dịp nghỉ hè).
Tóm lại, tôi nghĩ Nhà nước cần xem lại, đừng cố quá làm gì” - nick Chưa cần thiết: thanhdinhtn@yahoo.com
“Tôi nghĩ, đây chắc vẫn là ‘bệnh: chưa đá đã… vô địch’ lây sang đây mà. Thắng hay thua khi nào quyết toán mới biết được. Bỏ vài chục tỷ USD ra rồi với thực lực ngành thể thao VN thì chắc chỉ có được vài cái huy chương, vài cái cúp... Thua mấy vị luôn!” - Tuan: tuanlam.fashion@yahoo.com
“Có nhiều người lạ, đây là diễn đàn, ai cũng có quyền phát biểu ý kiến riêng. Tuy ý kiến của tôi đi ngược lại với số đông, nhưng số đông không hẳn là chân lý, okay ?... Nếu các bạn cứ vin vào các yếu kém ở những lĩnh vực khác như cầu đường, bệnh viện, trường học, các cơ sở vật chất khác... của VN còn nghèo và thiếu thốn, thì xin hãy nhìn xa hơn. Tất cả dự thảo phát triển đất nước đều có hướng đi và quota riêng của nó. Cầu đường thì có bộ giao thông và nguồn tiền dành cho nó. Bệnh viện thì thuộc bộ y tế và có nguồn tiền dành cho nó. Các chương trình phúc lợi khác cũng vậy, tất cả đều được quy hoạch và có nguồn tiền riêng cho nó. Không thể dồn hết ngân sách quốc gia cho bất cứ riêng 1 lĩnh vực nào, sự ưu tiên cũng đã được tính toán.
Ở lĩnh vực thể thao, tôi tin rằng nó cũng xứng đáng có ngân sách tương xứng cho mình. Quảng bá hình ảnh đất nước, tạo được sức mạnh mềm là điều cần làm. Làn sóng xâm lấn của showbiz Hàn chính là sức mạnh mềm của Hàn Quốc. Đừng nghĩ rằng đó là ngẫu nhiên, tất cả thành công đó đều được tính toán có chủ đích, được ĐẦU TƯ bài bản và không hề RẺ của chính phủ Hàn. Kéo theo biết bao sản phẩm bán ra, phát triển du lịch, ảnh hưởng sâu rộng, uy tín quốc gia nâng lên rõ rệt…v.v... Nhưng rất may là đề án của họ thành công vì nó sinh ra ở... Hàn Quốc. Nếu giả dụ 1 đề án phát triển kiểu đó được đề xuất ở VN, chắc chắn nó sẽ bị “ném đá” vẫn lại vì lý do: Nước ta còn... nghèo!” - Thanh Tam: thanhtam@yahoo.com
“Xin thưa với bạn là số tiền mình bỏ ra 150 triệu UDS là vô cùng nhỏ. Các nước khác tổ chức Asiad đều bỏ ra không dưới 3 tỉ USD. Thậm thí Quảng Châu (TQ) năm 2010 bỏ ra tới 17,8 tỉ USD để tổ chức Asiad đấy. Các bạn nên nhớ phải có những cú hích như thế này thì cơ sở hạ tầng mới khá lên được, đừng nhìn thiển cận thế!” - Lê Tiến Bình: letienbinhht@gmail.com
“Tôi thấy việc đăng cai Asiad này chẳng phải là tin hay ho gì giữa tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Chỉ e là rồi sẽ có hàng loạt công trình thể thao "vàng mã" chỉ sử dụng một lần rồi để xuống cấp, bị bỏ hoang phế, sử dụng sai mục đích....Lại chỉ lãng phí tiền của của dân, tiền lại chạy vào túi của.. ai đó mà thôi!...” - Dinh Duyet: constella0101@gmail.com
Lại nói về quảng bá hình ảnh
Nói rằng qua các sự kiện ý nghĩa như thế này, hình ảnh của ngành thể thao VN nói riêng cùng đất nước và con người VN nói chung sẽ càng được nâng thêm lên trên trường quốc tế… cũng đúng về mặt lý thuyết. Sự nghi ngờ của người dân chủ yếu ở khâu thực hành mà bao lâu nay chúng ta vẫn chủ yếu được khen thì làm cho nổi hơn lên, chứ bị chê thì…(thôi, về nhà đóng cửa bảo nhau kẻo… mất uy tín chung).
“Đăng cai các sự kiện thế này, nhìn chung có lợi trong việc khẳng định hình ảnh và uy tín của VN với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, việc chuẩn bị cho sự kiện thế này cũng sẽ tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế phát triển trong một số ngành nghề và khu vực có liên quan. Tuy nhiên, làm thế nào đừng để lãng phí, tham nhũng như đã và đang diễn ra tại một số các công trình trọng điểm quốc gia. Nên giám sát và quản lý chặt ngay từ đầu. Đừng để xảy ra rồi mới nhận khuyết điểm, còn sửa sai thì khó vì chi phí đã bỏ ra là rất lớn” - Người Hà Nội: docgia@nguoihanoi.com.vn
“Theo tui nghĩ, việc đăng cai Asiad không hẳn là điều xấu. Quan trọng là do ý thức con người thôi. Hãy xem đây là lợi ich, là cơ hội phát triển của đất nước, nên làm hết mình và đặc biệt cần quản lý chặt chẽ, chống mọi hình thức tham nhũng. Bỏ một số tiền lớn để các nước khác biết đến mình cũng giống như là cách quảng cáo vậy, trong tình hình kinh tế hiện nay điều này là rất cần thiết. Cơ hội đến thì đã khó, nhưng để nắm bắt được nó lại càng khó hơn. Thành hay bại cũng là do ý thức của mỗi công dân VN.....Hãy cố lên VN!” – Phi Long: philong8866@yahoo.com.vn
“Tôi thấy hiện nay đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, không nên lãng phí đăng cai Asiad. Hơn nữa, chắc ông Giang là người hiểu rõ trình độ VĐV VN như thế nào. Tôi sợ đến khi đó trên sân nhà mà ta chỉ giành được 5 - 6 chiếc huy chương vàng thì thật buồn và thật lãng phí, vì như chúng ta đã biết sau khi đăng cai SEA Games 22 chúng ta được những gì. Nếu ta dùng số tiền đó để đầu tư cho các vùng nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn” - Tuan Anh: tuananhdtn@yahoo.com.vn
“Có rất nhiều cách quảng bá hình ảnh đất nước ra quốc tế, được đăng cai tổ chức một ngày hội thể thao lớn như thế này thật là có ý nghĩa. Rất nhiều bài học từ các nước đăng cai, có nước lỗ nặng nhưng cũng có nước lại thu lợi lớn từ những việc này. Những nước thu lại lợi nhuận lớn thường là những nước có tổ chức xã hội rất cao như Anh, Mỹ còn ngoài ra thì thường lỗ và lỗ nặng, điển hình như Hy Lạp, Trung Quốc. Ngoại lệ với Trung Quốc tuy có lỗ nhưng cũng không đáng là bao so với tổng thu nhập quốc dân, nhưng bù lại hình ảnh Trung Quốc cũng được quảng bá một cách mạnh mẽ.
Với VN, trình độ tổ chức xã hội, cơ sở hạ tầng còn rất kém. Nên có tổ chức thì lỗ theo tôi là cái chắc chắn. Kinh phí như công bố là 150 triệu USD, có thể thông tin chưa rõ ràng, nhưng có là vô tư nhất cũng không thể tin nổi… Hãy xem lại đăng cai SEA Games xong, cả Hà Nội vẫn ngổn ngang, các công trình phục vụ gần như đắp chiếu vì chắng biết dùng làm gì nữa, đành phải cho thuê làm quán bia....Vậy mà tốn biết bao tiền, cuộc sống người dân xáo trộn vì cấm đường.... Mà đấy chỉ là phục vụ cho cái cộng đồng bé tý. Nay phục vụ cho Asiad thì chắc còn xáo trộn hơn nữa. Tổ chức Asiad này xong không biết ta lại có thêm… vụ gì nữa chưa biết chừng???” - Minh: npminh@hotmail.com
Tôi còn nhớ mãi câu nhận xét của một nhà báo đàn anh trong làng báo VN: Ngành Thể thao và Giáo dục VN đâu có lớn, thế mà quanh năm báo chí mổ xẻ mãi vẫn không hết đề tài. Thế mới lạ!
Khánh Tùng