Viễn cảnh trong tầm tay về những cánh rừng biến mất
(Dân trí) - Tin một cán bộ là Phó trưởng Hạt Kiểm lâm và một số cán bộ kiểm lâm thuộc sự quản lý của VQG Ba Bể bị cách chức, vẫn chưa làm hạ được độ sục sôi của dư luận, nhất là từ chính người dân Bắc Kạn, về vụ “chảy máu” nghiêm trọng gỗ nghiến.
Điều ai cũng biết…
Là người địa phương, cũng có những tiếng nói biện minh cho cái sự cực chẳng đã của những người dân vì quá khó khăn buộc lòng phải làm “lâm tặc”, mà thực tế cũng chỉ làm người ‘bắc cầu’ làm giàu cho một bộ phận nào đó theo cách ví von của Hat hoangtruongthanh_vn@yahoo.com:
“Tôi thấy nhiều vị xây nhà lầu, mua xe hơi… Cũng có những sếp KL đâu có thua kém gì, những ngôi nhà của họ cũng bạc tỉ chứ ít gì đâu. Ông thì nhà sàn bằng gỗ quý hiếm, ông thì nhà gạch trong ốp gỗ quý… Làm việc thì chẳng đến đâu, cứ chờ cuối tháng lại lĩnh lương… Chỉ khổ cho những người dân nghèo vì miếng cơm mạnh áo mà “bắc cầu” cho họ làm giàu!”
Nick Xuanlacvip cũng nhấn mạnh thêm 1 thực tế:
“Bây giờ thử hỏi nếu không cho khai thác rừng thì liệu nông dân ở các xã Xuân Lạc, Nam Cường… sẽ lấy gì để sống? Chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng thì có mà… chết đói cả đời. Sao các ban ngành chức năng không tạo công ăn việc làm cho họ? Theo tôi, muốn không còn nạn phá rừng nữa thì cần tìm cho dân địa phương một số công việc khác phù hợp để họ làm. Nhìn từ bên ngoài thì đúng là có những người dân ở đây sai phạm, nhưng thực tế thì khác – họ bắt buộc phải làm vậy vì đối với họ, chỉ có rừng là nguồn đem lại thu nhập chủ yếu cho cuộc sống”
Nhưng hơn ai hết, những người dân địa phương hiểu rất rõ ý nghĩa của 1 lời nguyền có tự cổ xưa "Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt". Và họ cũng thấm nỗi đau từ thực trạng rừng xanh bị “xẻ thịt” đã diễn ra từ lâu, song không biết phải kêu tới đâu và làm cách nào để ngăn chặn vì đã thấy rõ những “cái bắt tay” chặt chẽ trong các phi vụ phá rừng.
“Tôi quê ở Ba Bể, quá biết vì sao rừng bị tàn phá. Tất cả đều phải có sự bao che của chính cán bộ KL (chỉ nhà cán bộ KL và các giới chức mới có nhiều nội thất gỗ, dân nghèo làm gì có????).... Từ Ba Bể nói chung và Chợ Đồn nói riêng muốn ra QL 3 chỉ có con đường độc đạo, mà đến trẻ chăn trâu cũng ngày nào chả đếm được số xe chở gỗ ra ngoài. Vậy mà trong các chốt KL cán bộ thấy toàn ngồi tán chuyện điện thoại, uống rượu, chơi tá lả… Trong VQG mà lâm tặc chặt cây bằng máy cưa lốc, chẳng lẽ không gây ra tiếng động như tiếng nổ? .....Theo tôi nghĩ, muốn triệt được “căn bệnh không biết" này thì phải làm theo đúng tinh thần Nghị quyết TW 4 là kiểm điểm từ cấp cao hơn tới cấp thấp nhất tại đây, chứ còn giải pháp kỷ luật kiểu cách chức cấp phó và KL viên, hoặc luân chuyển cán bộ thì chỉ như “đánh bùn sang ao” mà thôi. Tôi thì chỉ mong “Ba góa” hiện về 1 lần ở thế kỷ 21 này......” – Nguyen Ngoc: dongsongxanh98@gmail.com
“Rừng quê tôi bị chảy máu cũng là do mấy kiểm lâm đó chứ đâu. Rừng mênh mông, nhưng vận chuyển gỗ ra khỏi đó chỉ có 1 con đường bằng xuồng máy rồi chuyển lên xe tải... Mà dù chỉ với 5 kiểm lâm đi tuần thường xuyên thì lâm tặc có mọc cánh cũng không thoát nổi. Nhà cửa của kiểm lâm toàn gỗ quý cả đó, hỏi ai mới là người phá rừng đây? Thật thất vọng quá!” - Lyly: huyenly277@gmail.com
“Tôi là người dân ở Bắc Kạn. Ở quê tôi chỗ nào có trạm kiểm lâm thì rừng ở đó càng bị chặt nhiều hơn ...Nhận trách nhiệm… rồi lại đâu vẫn vào đấy thôi” - Nguyen Cong Linh: conglinhbk@gmail.com
“Tết nào mình về quê cũng mất ngủ vì tiếng cưa lốc cứ ầm ầm vọng từ bên kia núi suốt đêm, cả 30 Tết. Tóm lại là không làm gì được gì đâu vì có sự ... bảo kê hết rồi... Các bên liên quan đều là... bạn bè của nhau hết!” - T.Thanh: thanhtr04@gmail.com
“Tôi hiện đang làm việc tại xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Tôi thấy nạn khai thác gỗ trái phép ở đây xảy ra từ rất lâu rồi, nhưng không có ai can thiệp. Ban ngày có thể nghe thấy rõ tiếng cưa máy đang đốn hạ những cây to. Còn về đêm từng tốp xe máy chạy "hết ga hết số" để chở từng thớt gỗ về nơi tập kết. Không biết các cán bộ kiểm lâm ở đây có nghe và nhìn thấy những gì tôi vừa nêu ở trên không?” – Kenny: di_tim_mot_nua1088_cb@yahoo.com
“Là 1 người dân sống ở khu vực hồ Ba Bể, tôi xin nói vài ý sau:
+ Rừng trong Vườn Quốc gia Ba Bể cơ bản đã bị phá xong, việc phá rừng diễn ra cách đây từ hơn 10 năm rồi kia.
+ "Cục Kiểm lâm cho biết, số liệu báo cáo của VQG Ba Bể qua các cuộc tuần tra truy quét từ đầu năm 2012 đến thời điểm này đã phát hiện 144 cây gỗ nghiến, khối lượng gần 660m3" - Theo tôi, số liệu này là do ... trùm gỗ nghiến TV cung cấp rồi. Cứ nhìn vào tài sản của ông trùm này thì biết: Nhà triệu đô ở Hà Nội, lái siêu xe từ cách đây gần chục năm rồi...
+ Một số sếp KL là người phá rừng chính (cỡ họ đều nhà lầu, xe hơi xịn... hết rồi).
+ Những việc này đến cả trẻ con ở đây còn biết, vậy mà Cục này Cục kia lại báo cáo vậy thì đủ biết số phận của VQG này là: coi như xong” - Lý Văn Bình: nongdinhduc@gmail.com
“Nói chung là kiểm lâm tại đây phải xem lại... Các cán bộ KL lương bao nhiêu mà ông nào cũng nhà lầu, xe hơi? Tôi ở gần khu hồ Ba Bể tôi biết, không thể chỉ nói là giàu mà là Cực Giàu!” - ChuHuy Mân: chuhuyman@gmail.com
“Tôi đã từng đi Ba Bể. Phải thừa nhận rừng nghiến Ba Bể là nguyên sinh, có nhiều cây nghiến hàng trăm năm tuổi. Nếu vào Ba Bể ta cảm nhận được sự hùng vĩ của đại ngàn mênh mông rừng và nước, đem lại cho con người sự thư thái hiếm có để cảm thấy yêu cuộc sống hơn... Nếu để mất hết đại ngàn thì chẳng còn gì là Ba Bể nữa... Lâm tặc ơi, đừng làm chết rừng nữa!!!” - Pham Van Quy: dnquynhungtn@gmail.com
“Tôi vừa có chuyến đi Bắc Kạn, ngay sau khi xảy ra vụ việc chặt phá rừng ở VQG Ba Bể. Theo thông tin tìm hiểu, tôi được biết có một "đại gia" về gỗ nghiến, người mà dân buôn gỗ nghiến toàn miền Bắc khi nhắc đến đều biết, đó là TV. Nghe đâu, những vụ tàn phá rừng này ít nhiều có bàn tay của vị "đại gia" gỗ nghiến này, và đương nhiên có sự bao che của các vị kiểm lâm nào đó. Được biết cứ khoảng 10 xe gỗ lậu của đại gia nọ, đại gia sẽ tự "chỉ chỏ" ra 2 xe để cho kiểm lâm bắt giữ. Nhưng điều đáng nói lại là ở chỗ 2 xe gỗ đó toàn là gỗ tạp, gỗ rẻ tiền. Họ sẵn sàng chi trả gấp 3 lần số tiền thanh lý của 2 xe gỗ nói trên, quan trọng là để lấy được giấy tờ chứng nhận hàng thanh lý của lực lượng kiểm lâm. Sau đó, lại dùng "giấy phép" này để ngang nhiên chở gỗ nghiến đi tiêu thụ. Cách làm này ai cũng biết và nhiều người còn khẳng định: chắc chắn phải có sự bắt tay với những ai đó từ phía kiểm lâm” - Nguyễn Đức Thành: thanhreporter@gmail.com
10 lần "kiểm điểm" nữa là... hết rừng
Mỗi lần nghe tin về các vụ tàn phá rừng, không chỉ trái tim những người yêu rừng quặn thắt, mà người dân ai có thể không lo lắng khi đã phải chứng kiến những cơn thịnh nộ của thiên nhiên sau khi những cánh rừng dần biến mất. Càng đáng sợ hơn trước lời cảnh báo sát sạt của Nguyen Manh Thang phuc_ha2005@yahoo.com: “Chỉ cần khoảng 10 lần họ "kiểm điểm" nữa là... hết rừng quốc gia!!!”
Bởi thế, những tiếng “khóc than” cho số phận rừng xanh cũng ngày càng thống thiết, đầy tính cấp bách hơn:
“VQG Ba Bể giờ còn gì đâu, một hai năm nay VQG Ba Bể đã dần hết cây gỗ nghiến rồi. Sai phạm thì chỉ thấy cán bộ nhỏ bị cách chức, cán bộ cấp cao hơn thì vẫn ung dung để rồi lại tiếp tay cho lâm tặc... VQG Ba Bể dần dần rồi cũng mất theo thời gian mà thôi. Bây giờ chỉ cách chức vài vị nho nhỏ để dư luận im dần, rồi họ lại phá rừng tiếp cho mà xem. Tôi chắc chắn VQG Ba Bể sẽ biến mất trong 1 thời gian tới rất ngắn thôi!” - Dân Ba Bể: taday_taday72@yahoo.com
“Tôi theo dõi thường xuyên các bài viết về rừng ở khu vực hồ Ba Bể trên báo Dân trí. Tôi thấy hầu hết các cánh rừng đã bị chặt phá như vậy mà không thấy một cơ quan kiểm lâm nào phát hiện là sao? Chỉ tới khi báo chí phanh phui ra thì các cơ quan nhu kiểm lâm mới thừa nhận? Tôi dám khẳng định tới 99% kiểm lâm và các đơn vị bảo vệ rừng biết, nhưng họ làm ngơ. Còn tại sao họ làm ngơ thì theo tôi là vì chính họ "bảo kê", tức là họ được giao bảo vệ rừng nhưng lại... phá rừng. Giờ tôi không còn lòng tin vào kiểm lâm nữa...” - Lê Ngọc Hai: hailn@cadisun.com.vn
“Rừng nước ta thực chất còn bao nhiêu, có còn đúng là rừng không hay toàn cây tạp chỉ để lấy lá... Điều này chắc không ai dám chắc, vì như tôi thấy là đi nhiều nơi nghe người ta gọi là rừng, nhưng chỉ còn vài cây để "biểu diễn" gần đường cho các vị giới chức đi qua nhìn thấy còn rừng thôi!? Chứ thật ra với cung cách quản lý của chúng ta như hiện nay, thì tôi thấy là nhiều thứ chỉ còn cái vỏ ngoài thôi. Người ta phá rừng là vì thấy có gỗ, nếu giấu được gỗ thì làm gì có phá rừng?” - Dinh Tuan: daodinh_tuan@yahoo.com.vn
“Hết rừng rồi kiểm điểm, kiểm điểm nhưng vẫn hết rừng, một vòng luẩn quẩn. Tôi nghĩ, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật rằng: rừng bị phá xong rồi cơ quan quản lý mới biết. Vậy thì cả bộ máy kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng ăn lương để làm gì? Phải chăng chính là vì có những người trong lực lượng này đã "bảo kê" cho lâm tặc. Nhưng đến khi người dân phát hiện, dư luận rộ lên thì lực lượng này mới lại "vào cuộc" theo kiểu... để trấn an dư luận. Nhưng rồi vụ phá rừng sau lại càng nghiêm trọng hơn vụ phá rừng trước? Phá rừng như ở vườn quốc gia Ba Bể, Phong Nha - Kẻ Bàng, theo tôi cần xem xét trách nhiệm và có hình thức kỷ luật với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NNPTNT và chi cục Kiểm lâm thì mới đủ độ răn đe. Cứ mạnh dạn làm thử coi nạn phá rừng có giảm không!!!” – Tuan den: tuanden96@yahoo.vn
“Để xảy ra tình trạng vườn quốc gia Ba Bể bị tàn phá nặng nề, không chỉ là gỗ mà còn cả hệ động thực vật bị săn bắt, phá hoại...theo tôi, trách nhiệm này thuộc về kiểm lâm và các các bộ xã trên địa bàn. Rõ ràng họ đã để lâm tặc cấu kết với những kiểm lâm và cán bộ xã nhằm "xẻ thịt" rừng Ba Bể. Nhìn những cảnh tượng như vậy thật là đau lòng, nhất là khi mùa mưa lũ lại đe dọa ngày càng nghiêm trọng hơn đến tính mạng người dân. Còn những người kia thì nhà cao cửa rộng... khi có chuyện họ lại vẫn có thể "hạ cánh an toàn". Cần truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không thể chỉ cách chức, kiểm điểm... Luân chuyển công tác sang nơi khác để họ tiếp tục "xẻ thịt" rừng ư? Không thể làm thế được!” - Nguyễn Văn Giáp: nguyengiapkgb@gmail.com
“Theo tôi nghĩ, rừng mất gỗ quý thì đã mất rồi. Nhận kiểm điểm thì tôi cũng nhận được. Xong cùng lắm là bị đuổi việc hoặc cách chức chứ gì??????? Chuyện nhỏ! Tôi bỏ túi vài tỷ rồi thì tôi "được" cách chức cũng là "rất vinh hạnh" cho tôi... Tôi về ở ẩn, sống an nhàn với nhà cao cửa rộng, vài tỷ bạc sống qua ngày..... Rừng ơi, mất rồi còn đâu nữa!!!” - Tieu Ho: tranthai_7586@yahoo.com
Chọn mặt gửi rừng
Dư luận phê phán, thậm chí nặng lời chỉ trích và cả nhấn mạnh sự mất niềm tin vào những cán bộ kiểm lâm cùng các cơ quan có chức năng bảo vệ rừng lại đi tiếp tay hoặc “đứng đằng sau” các vụ phá rừng. Đó là một thực tế buồn đau không chỉ với ngành Kiểm lâm mà là với cả xã hội.
Tất nhiên, không nói thì mọi người cũng biết những nỗi vất vả, khó khăn cực khổ cùng việc phải chịu bao áp lực kể cả bị đe dọa, bị hành hung, bị sát hại mà đã dấn thân vào nghề Kiểm lâm rồi đều phải gánh chịu. Tâm sự về nghề của các kiểm lâm viên có lẽ vì vậy luôn gắn với chữ "buồn" như bạn đọc có nick Tây Bắc buồn phonglanxanh@yahool.com viết:
“Ai hiểu cho kiểm lâm, chỉ mỗi người trong ngành mới hiểu hết được những nỗi khổ sở, vất vả của người kiểm lâm thôi. Các vị giới chức chỉ ngồi một chỗ để duyệt xem có hợp lý hoá trên giấy tờ, có phù hợp với quy hoạch hay không... Còn các bạn thì chỉ đọc và post những bình luận và đánh giá chung chung, nhưng các bạn có biết một người kiểm lâm ở chỗ chúng tôi một mình phải quản lý bao nhiêu hecta rừng không? Một tuần bao nhiêu ngày chúng tôi phải xa gia đình, nằm ở cơ sở không? Lực lượng kiểm lâm mỏng, quá mỏng. Chính sách đầu tư cho người sống với nghề lâm nghiệp quá nghèo nàn: 113.000đ/ha rừng chi trả DVMTR/1 năm có là bao nhiêu so với 01 chầu nhậu tại thành phố các bạn? Đầu tư phát triển rừng kém so với giá trị của hạt ngô, cây nông nghiệp. Lương cán bộ kiểm lâm thấp đã đành, trực thuộc Sở NN thì chế độ, tư trang quần áo càng kém hơn... Vậy đấy!”
Nick Kiem lam_buon chang_trai_kiem_lam@yahoo.com nêu thêm về cái thế rất không cân sức giữa lực lượng kiểm lâm với lâm tặc vốn có sự "chống lưng" rất mạnh ở phía sau:
“Bao giờ kiểm lâm trở thành Cảnh sát rừng thì lúc đấy rừng mới được bình yên. Giờ mỗi trạm được vài kiểm lâm viên thì làm sao chống lại được lâm tặc, thưa các bạn? Cái gì cũng phải có lý do của nó chứ, nếu các bạn đặt địa vị mình vào làm nghề kiểm lâm thì hãy nói họ như thế!”
BacKan: hieulan@gmail.com kể lại:
“Mình có nói chuyện với 1 nhân viên Kiểm lâm ở Bắc Kạn, anh ấy bảo là thấy phá rừng, vận chuyển gỗ những muốn bắt cũng... không dám vì chúng được "bao bọc" hết rồi (đã "làm luật" với...) Chắc vì vậy cho nên nhà mấy ông kiểm lâm Bắc Kạn nào cũng to, có xe hơi đi, suốt ngày ăn nhậu. Thật thương xót cho tài nguyên của đất nước, con cháu họ sau này sẽ được thừa hưởng cái gì đây?”
Nghề Kiểm lâm là vậy đó, nhưng không thể cứ vin vào những cái khó để biện minh cho sự bất lực trong bảo vệ rừng chứ chưa nói gì tới việc còn tiếp tay, bảo kê… cho lâm tặc.
“Cũng có nhưng cán bộ kiểm lâm rất có tâm với rừng, rất đáng khâm phục. Nhưng cũng có không ít kiểm lâm tha hóa, biến chất và phải nói là chính họ lại trở thành "lâm tặc". Mà loại lâm tặc này có học vấn cao nên còn khó "điều trị" hơn những lâm tặc cầm búa, cầm cưa lốc để trực tiếp phá rừng. Tiền công của những người trực tiếp đi phá rừng thấm vào đâu so với những gì các đối tượng tiếp tay để vận chuyển, tiêu thụ có được. Thật đáng buồn…” - HN: hoainamcty198@gmail.com
“Làm kiểm lâm kêu khổ, rồi lơ là công tác, rồi tiếp tay cho lâm tặc (hay làm lâm tặc) để trục lợi là không thể chấp nhận được. (Đã xin vào, lựa chọn rồi thì đừng nên kêu. Giỏi thì xin vào làm ngân hàng thương mại cho nhàn hơn, lắm tiền hơn). Tôi nghĩ nên giao rừng cho quân đội quản lý là tốt nhất” - Đinh Thăng: thang99x1@yahoo.com một lần nữa nhắc lại đề nghị đã được nhiều người dân nêu ra suốt thời gian dài vừa qua, trước thực trạng rừng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng.
“Tôi thấy tình trạng phá rừng càng ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chính là có không ít người trong lực lượng kiểm lâm bất lực hoặc tiếp tay cho lâm tặc, trong khi Nhà nước hàng năm phải chi bao nhiêu tiền để trả lương cho họ. Theo tôi nên giao lại các khu rừng quốc gia cho Bộ Quốc phòng quản lý, vừa làm nơi đóng quân, huấn luyện vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, kinh phí bảo vệ rừng cũng nên cấp hàng năm cho Bộ Quốc phòng. Tôi tin rằng khi đó lâm tặc sẽ không bao giờ dám xâm phạm vào các khu rừng nữa” - Nguyễn Đức Lượng: luongnguyen@mail.com nhấn mạnh ý kiến đồng tình.
“Tôi đồng quan điểm với bạn Nguyễn Đức Lượng, cứ giao cho bên Quốc phòng thì khỏi lo lâm tặc. Chứ còn cứ để cho bên Kiểm lâm chịu trách nhiệm ư? E là họ lại chỉ "TỰ KIỂM ĐIỂM" thôi… Nhưng cứ mãi vẫn chỉ là cách chức vài cấp phó và kiểm điểm vài cán bộ thôi sao? Cần xem xét xử lý, thậm chí cả ‘cho nhập trại’ rồi ngày ngày lên đồi trồng lại số cây đã bị chặt phá. Chí ít cũng phải đuổi việc vài ông đứng đầu các sở ban ngành liên quan!” - Anh Phong: anhphong.ts@gmail.com gay gắt.
“Hậu quả thì nặng nề mà lúc nào cũng chỉ ‘cách chức’, ‘kiểm điểm’, ‘rút kinh nghiệm’!!! Nghe hoài tôi thấy quá chán, nhiều lúc "chưa nghe nhạc hiệu đã đoán được chương trình". Thực thi pháp luật kiểu nhẹ tay thế này thì làm sao răn đe đây???” - Pham Trung: pham.trung63@yahoo.com cũng nhấn mạnh tới biện pháp cần đủ mạnh mới có sức răn đe và ngăn chặn.
Bi hài hai chữ "rừng vàng"
Thực trạng rừng VN đã ở mức cảnh báo đỏ rồi, vậy mà mỗi lần có vụ việc nghiêm trọng bị phanh phui, cách xử lý “nhẹ hều” theo kiểu “cờ bí thí tốt” sau đó chỉ càng khiến dư luận đã lo lắng càng thêm bất bình.
“Mình thấy VN cần phải học cách quản lý và áp dụng hệ thống luật pháp nghiêm ngặt của các nước bạn... Pháp luật phải có tính răn đe ngay từ đầu, chứ không thể lỏng lẻo để rồi tài sản và tài nguyên quốc gia cứ bị mất mát và thất thoát dần tới lúc nào đó sẽ hết. Lợi ích mang lại quá lớn trong khi hình phạt lại quá nhẹ, thì chắc những địa điểm tiếp theo có lẽ là Cúc Phương, Bến En, U Minh... đấy!!!” – Khánh: khanhkhkdpmc@gmail.com
“Báo chí mà không vào cuộc phanh phui ra sự thật, thì các bác KL ở đây chắc còn ngủ ngon và báo cáo "tốt, tốt..." để rồi cuối năm lại khen thưởng. Vụ nào thì cũng đổ lỗi cho dân nghèo hám lợi, cán bộ kiểm lâm mỏng... Cưa máy thì nổ ầm ầm, gỗ ở dạng này hay dạng khác vẫn là gỗ chứ có phải đậu phụ đâu. Nào là ban QLR, trạm kiểm tra lâm sản..... chốt ở chỗ hiểm yếu, vậy mà gỗ vẫn về xuôi được. Thế mới tài chứ. Bi hài 2 chữ "Rừng vàng" ở đây lại tức là làm cho rừng hết xanh, còn đất màu vàng thôi các bác à” – Khai: dokhaimuongte@yahoo.com.vn
“Mình là một người sống vùng sông nước, không có nhiều rừng nhưng khi đọc những bài báo này, mình rất buồn vì thấy rõ ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên của người Việt Nam mình kém quá. Nhiều người chắc chỉ biết lợi ích bản thân, ngoài ra với họ không còn điều gì là quan trọng nữa. Rồi còn có cả những cán bộ kiểm lâm của ta cứ nhận được ít tiền của kẻ xấu là phớt lờ, là bỏ qua hết... Lại còn những trường hợp kiểm lâm chính là những kẻ phá hoại nữa chứ... Nhưng khi mọi chuyện bị phơi bày thì lại chỉ bị xử lí theo kiểu giơ cao đánh khẽ? Với cách làm như vậy thì không biết đến bao giờ chúng ta mới nhận được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế về khả năng bảo vệ tự nhiên? Sẽ rất buồn đau và nguy hiểm nếu có một ngày nào nào đó Việt Nam chúng ta chẳng còn rừng xanh nữa...” – Võ Hiếu Trung: vohieutrung@ymail.com
“Nhìn rừng nghiến bị phá mình xót ruột quá, phải vài trăm năm mới có được những cây nghiến như vậy. Vấn đề đặt ra là: Tại sao hàng trăm năm nay nó không bị phá mà bây giờ lại bị phá, trách nhiệm này thuộc về ai? Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể để bảo vệ nguồn tài sản quý của quốc gia” - Nguyen Nguyet: nguyenvietnguyet@gmail.com
“Tôi thấy cũng đơn giản thôi, mà sao các ngành chức năng không có biện pháp tích cực để ngăn chặn được nhỉ? Cứ xử tội thật nặng từ người mua bán đến người chặt trộm phá rừng, cả người gác rừng để xảy ra chuyện đó, tôi tin là sẽ chẳng ai dám phá rừng nữa đâu. Ví dụ: Khung hình phạt tối thiểu cho người liên đới trách nhiệm là 10 năm tù giam, phạt tiền tương đương 3 lần số tang vật thu giữ (với người gác rừng chẳng hạn. Tuy nhiên, cần cho họ hưởng mức lương tương xứng với công việc của họ, lấy tiền phạt trả lương cho họ...) Phạt tiền gấp 20 lần với kẻ buôn bán, phạt tù từ 10 năm - 20 năm tùy vào số lượng tang vật thu được. Phạt tù chung thân hoặc tử hình kẻ chặt phá rừng. Rừng là nguồn sống của cả đất nước, cả dân tộc, bao nhiêu người lương thiện đã phải gánh chịu hậu quả do rừng bị phá.... Phải xem tác động tổng thể để quy tội, chứ không chỉ tính riêng hành vi chặt rừng mà kết tội” – Van: feb28_sc@yahoo.com
Cũng đã là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Nếu không chắc chắn viễn cảnh như Triệu Dũng trieudungbk@gmail.com cảnh báo đã trong tầm tay:
“Chắc chỉ khi nào gỗ nghiến cũng như vàng ở Bắc Kạn: một là khai thác tới hết. Hai là, không thành tiền thì sẽ tự hết "lâm tặc", "vàng tặc" và cả những cán bộ tiếp tay cho các loại "tặc" đó nữa”.
Thanh Nguyễn