Vì sự tiến bộ chung

Tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản gửi các cơ quan quản lý báo chí trung ương báo cáo nạn lợi dụng danh nghĩa báo chí gây phiền hà, dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn và kiến nghị chấn chỉnh tình trạng này.

Tỉnh Vĩnh Phúc phải lên tiếng chính thức như vậy chứng tỏ địa phương đã quá bức xúc vì sự nhũng nhiễu của những người lợi dụng danh nghĩa báo chí.

 

Không chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều địa phương khác vấn nạn này cũng khá phổ biến. Và có thể khẳng định rằng, đa số các vụ gây áp lực, dọa nạt DN để làm quảng cáo hoặc trục lợi là do các nhà báo giả danh. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trong một vài trường hợp có sự tham gia của phóng viên một số cơ quan báo chí.

 

Trên thực tế, nhiều cơ quan, DN bị gọi điện thoại quấy rầy chuyện xin quảng cáo hoặc có những vị khách không mời mà đến tự xưng là nhà báo để xin tài trợ, nhưng không ai biết những người đó có phải nhà báo hay không. Họ tự giới thiệu là đại diện cho tạp chí này, đặc san nọ đến địa phương công tác. Có điều, họ không hoạt động báo chí mà chỉ tìm cách kiếm tiền, kể cả hăm dọa viết bài tố cáo tiêu cực.    

 

Doanh nghiệp vì muốn yên thân làm ăn cho nên cắn răng nhận lời, từ đó vô tình tạo thêm môi trường và điều kiện cho những người này càn quấy.

 

Đưa ra những trường hợp như vậy để đi đến một khẳng định khác, đó là, các nhà báo chân chính không bao giờ lợi dụng nghề nghiệp để làm những việc như vậy. Trong điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay, nhà báo sống được bằng nghề nghiệp của mình. Các tờ báo có uy tín, làm báo chuyên nghiệp có thể trả lương cao để phóng viên yên tâm làm việc, hoạt động báo chí chuyên nghiệp, có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.

 

Vì vậy, trước sự phản ứng của tỉnh Vĩnh Phúc, người làm báo chân chính thực sự bị tổn thương. Rõ ràng, xã hội đang có cái nhìn thiếu thiện cảm với báo chí, hình ảnh của nhà báo ngày càng không đẹp trong mắt cộng đồng. Người cầm bút lương thiện tự răn mình phải giữ cây bút thẳng ngay và làm cao sang nghề nghiệp, nhưng có quá nhiều những nhà báo giả danh quấy nhiễu khắp nơi đã làm ảnh hưởng đến danh dự của nhà báo. Các cơ quan báo chí có thể chấn chỉnh cán bộ, phóng viên của đơn vị mình, nhưng không thể xử lý được những trường hợp giả danh bên ngoài, mà đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

 

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi cơ quan quản lý ra tay dẹp loạn, các DN, đơn vị nên chủ động dẹp loạn trước. Nếu có những kẻ “lạ” tự xưng báo chí đến hoạnh họe, thì xin xem thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí. Trường hợp nào tống tiền thì mời công an đến xử lý. Để cho xã hội tiến bộ, bớt đi những cái xấu, cái ác, mỗi người cần tham gia một tay.  

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động