Phiếm đàm
Vì sao con tôi xuống tóc đi tu
(Dân trí) - Con trai tôi út của tôi quyết định đi tu thì quả là một chuyện lạ đối với cả gia đình. bởi lẽ nó còn quá trẻ, cuộc sống đâu có gì bất đắc chí, lại đang chuẩn bị thi vào đại học, lẽ nào bỗng có tư tưởng lánh đời, không tham gia hoạt động xã hội, đi ở ẩn, xuất thế tu hành?!
Xuống tóc đi tu âu cũng là chuyện bình thường trong xã hội, người em con bà cô tôi 50 tuổi, khỏe mạnh, đẹp trai, bỗng quyết định xuống tóc đi tu, theo phái Tiểu thừa, sang tận Malaysia theo học ở đó 4 năm, về nước với pháp danh đại sư. Trước nữa, con gái ông bạn tôi đang làm viên chức nhà nước, cũng bỗng quyết định xuống tóc, giã từ Hà Nội vào tu trong một chùa ở Sài Gòn.
Nhưng con trai tôi út của tôi quyết định đi tu thì quả là một chuyện lạ đối với cả gia đình. bởi lẽ nó còn quá trẻ, cuộc sống đâu có gì bất đắc chí, lại đang chuẩn bị thi vào đại học, lẽ nào bỗng có tư tưởng lánh đời, không tham gia hoạt động xã hội, đi ở ẩn, xuất thế tu hành?
Hỏi con, nó bảo:
- Ơ kìa, thế bố mẹ không biết Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã báo cáo trên diễn đàn Quốc hội rằng khoảng 200.000 cử nhân ra trường không có việc làm.
Tôi chấn chỉnh nhận thức của nó:
- Con tốt nghiệp đại học, nếu ra trường không tìm được nơi nào nhận con vào làm thì có nghĩa là con chưa có việc làm, đâu phải là không có việc làm mà phải đi tu.
Con tôi ngạc nhiên hỏi lại tôi:
- Ô hay, con đi tu đâu có nghĩa là không có việc làm. Bố ơi, con sẽ đăng ký vào học ở một trường đại học Phật giáo, khi tốt nghiệp cũng là có trình độ cử nhân về lĩnh vực này chứ đâu kém gì thiên hạ để bố phải xấu hổ. Hơn thế nữa, khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo, con lại có việc làm ngay là cái chắc, vì hiện nay nhu cầu xã hội về đội ngũ tu hành là rất lớn, bởi người ta đang đua nhau xây chùa để kinh doanh, chùa chiền xây dựng ngày càng nhiều, cái sau to hơn cái trước, Khu Tràng An đã có sẵn hàng loạt đền miếu chùa chiền, nằm trong cảnh quan non nước, qua bàn tay nhà kinh doanh tâm linh đã biến thành một khu du lịch nhân tạo đặc biệt, đẹp hàng đầu Việt Nam. Rồi Bái Đính đã có sẵn chùa – một ngôi chùa cổ trên núi, nhưng chính quyền sở tại ở đây thu cả trăm ha đất để nhà kinh doanh tâm linh làm cái chùa Bái Đính mới tinh, to nhất Đông Nam Á. Lại nữa, Hà Nam đã cấp ngay khoảnh đất đẹp nhất trong khu du lịch rộng tới 5.000 ha cho nhà kinh doanh tâm linh hối hả xây chùa Tam Chúc to nhất thế giới. Chùa chiền đua nhau mọc lên nhan nhản, lại chùa to nhất nước, chùa to nhất Đông Nam Á, chùa to nhất thể giới, thế thì nhu cầu số lượng sư sãi phục vụ cho các ngôi chùa phải là rất lớn, con tin rằng con tốt nghiệp Học viện Phật giáo, ra trường là có việc làm ngay.
Còn bố lo cho cuộc sống của con ư? Khỏi lo, vì sống trong môi trường này, cuộc sổng sẽ ổn định, không lo gì về cơm áo gạo tiền. Bố thấy đấy, vừa qua, hàng nghìn người tới một ngôi chùa ở Hà Nội dự lễ giải hạn. Do diện tích sân chùa có hạn nên người dân phải ngồi tràn xuống lòng đường. Mỗi người dự lễ giải hạn nộp 200.000 đồng, vậy là mỗi buổi lễ giải hạn, nhà chùa thu tiền tỷ mà không phải nộp thuế thu nhập vì Nhà nước chưa có cơ chế tài chính gì trong lĩnh vực này. Còn ở chùa Tam Chúc được quảng bá là ngôi chùa to nhất thế giới, dù đang xây dựng còn bề bộn ngổn ngang, nhưng đã vội mở cửa cho hàng ngàn khách thập phương hiếu kỳ tìm đến. Cổng chính chùa to cao, đồ sộ gần ngay đường giao thông chính thì đóng kín cửa, bắt vào từ cổng tận tít xa đến 4, 5 km, người dân phải chen chúc nhau đi xe điện mỗi lượt đi về là 60 ngàn /người, đi hội hoa lại thêm 60 ngàn nữa, vé vào hội là 50 ngàn, vé lên tháp 50 ngàn, sơ sơ 1 người đã mất 200 ngàn, nếu đi ngắm cho đủ, mà trẻ con cũng giá vé bằng 2/3 người lớn, kinh doanh tâm linh kiểu ấy thì quả là khủng quá. Bố bảo, với nguồn thu lớn như thế, những sư sãi như con lo gì cuộc sổng không ổn định, lo gì về cơm áo gạo tiền.
Nghe con tôi nói, tôi giật mình nghĩ hóa ra một số không ít trong lớp trẻ bây giờ có đầu óc thực dụng thật.
He . he…
Nguyễn Đoàn