V.I.Lê-nin với vấn đề giáo dục, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên

Những quan điểm của V.I. Lê-nin về giáo dục, rèn luyện, sàng lọc đội ngũ đảng viên vẫn là những bài học quý báu cho Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

V.I. Lênin là người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân; để có thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) thì vai trò của đội ngũ đảng viên là hết sức quan trọng. Những quan điểm của V.I. Lê-nin về giáo dục, rèn luyện, sàng lọc đội ngũ đảng viên vẫn là những bài học quý báu cho Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn kiên định quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đó chính là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi như ngày hôm nay.

Từ ngày đầu chuẩn bị thành lập một chính đảng vô sản thực sự cách mạng, chính đảng vô sản kiểu mới của giai cấp công nhân khác với các Đảng xã hội - dân chủ Tây Âu thuộc Quốc tế II đã biến chất sau khi  Ăngghen mất, V.I. Lê-nin đã kiên quyết đấu tranh chống lại những phần tử cơ hội chủ nghĩa không chỉ trên lĩnh vực lý luận, những vấn đề về Cương lĩnh, đường lối của Đảng mà còn là những vấn đề hết sức cơ bản về giáo dục, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên.

 

Mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức Đảng và quần chúng ngoài Đảng

V.I.Lê-nin với vấn đề giáo dục, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên - 1

 Lê-nin tại Đại hội 3 Quốc tế Cộng sản tiến hành vào tháng 6 năm 1921. Ảnh: TƯ LIỆU

Theo V.I.Lê-nin, đường lối chính trị quyết định đường lối tổ chức vì: “Cơ cấu tổ chức của bất kỳ một cơ quan nào cũng do nội dung hoạt động của nó quyết định một cách tự nhiên và tất nhiên” (1). Mục đích của phái kinh tế là đấu tranh chống bọn chủ để tạo ra điều kiện có lợi trong việc bán sức lao động được giá cao hơn chứ không phải là để thủ tiêu trật tự xã hội cũ, lật đổ chế độ chuyên chế, thiết lập chế độ mới - chế độ Cộng sản chủ nghĩa, xoá bỏ hoàn toàn mọi ách áp bức, bóc lột, xoá bỏ giai cấp và nguồn gốc sinh ra mọi bất công trong xã hội. Những người theo phái kinh tế cho rằng: “đấu tranh kinh tế là phương pháp cổ động chính trị có thể áp dụng một cách rộng rãi nhất, rằng nhiệm vụ của chúng ta ngày nay là đem lại cho cuộc đấu tranh hoàn toàn kinh tế một tính chất chính trị..vv...” (2). Quan điểm này của phái kinh tế đã bị V.I.Lê-nin phê phán là: “- phản ánh một quan niệm chật hẹp về nhiệm vụ của chúng ta, không những về mặt chính trị mà còn về mặt tổ chức nữa.” (3). Về thực chất chúng coi Đảng là người đứng ngoài quan sát phong trào tự phát của quần chúng chứ không phải là tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng. Do đó theo chúng, không cần có một tổ chức Đảng tập trung trong phạm vi toàn quốc, một tổ chức đảng vững mạnh có tính chiến đấu cao. Và tất nhiên, chúng không đòi hỏi người đảng viên cần phải có trình độ cao hơn quần chúng bình thường. V.I.Lê-nin chỉ rõ điều kiện của Đảng cách mạng trong cuộc đấu tranh giành chính quyền phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ vì tính chất của cuộc cách mạng ấy chi phối: “Cuộc đấu tranh chính trị của đảng dân chủ - xã hội thì rộng lớn và phức tạp hơn rất nhiều so với cuộc đấu tranh kinh tế của công nhân chống bọn chủ và chính phủ. Tổ chức của đảng dân chủ - xã hội cách mạng cũng thế (và do đó) nhất thiết phải là một loại khác không giống với tổ chức đấu tranh kinh tế của công nhân.” (4).

Phái kinh tế chủ trương lập ra những tổ chức công nhân có tính chất nghề nghiệp và vừa tầm với người công nhân trung bình. Đối với V.I.Lê-nin thì ngược lại, Người đặc biệt chú ý đến việc lập ra một tổ chức những người cách mạng, một tổ chức vững chắc, tập trung và có tính chiến đấu cao. Chính  lúc này, V.I.Lê-nin đã khẳng định: “hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga lên!” (5). Như vậy, V.I.Lê-nin đã xác định một cách rõ ràng, dứt khoát rằng Đảng là một tổ chức của những người cách mạng tiên phong vì vậy, đảng viên của Đảng phải là những chiến sĩ cách mạng có nhiệt tình cách mạng, có trình độ, năng lực cao hơn những người công nhân bình thường. Họ phải là người có lý luận tiên tiến, ý thức tự giác cao, biết vận động, lôi kéo quần chúng cùng tham gia hành động. Trong điều kiện Đảng còn hoạt động bí mật thì đây càng là yêu cầu cấp bách và càng đòi hỏi sự hy sinh, phấn đấu của những người đảng viên. V.I.Lê-nin chủ trương phải bồi dưỡng đảng viên của Đảng tiến lên ngang trình độ của người trí thức cách mạng. Số này được tuyển lựa từ cuộc đấu tranh của quần chúng: “Chúng ta có đủ sức để làm việc đó, chính là vì quần chúng tự phát đứng lên hành động cũng làm xuất hiện từ trong hàng ngũ họ một số ngày càng đông những “người cách mạng chuyên nghiệp” (nếu chúng ta không định mời bằng mọi cách công nhân đứng giẫm chân tại chỗ)” (6). Vì vậy, theo V.I.Lê-nin chúng ta phải chú ý chủ yếu đến việc nâng công nhân lên trình độ những người cách mạng, chứ không phải là chúng ta tự: “hạ thấp những nhiệm vụ của mình xuống ngang  trình độ hiểu biết của những lớp quần chúng lạc hậu nhất” (7) như ý muốn của báo tự do.

Người cộng sản không phải chỉ tự nâng cao trình độ của bản thân mà còn có trách nhiệm giáo dục, giác ngộ quần chúng: “phổ biến trong quần chúng công nhân cái ý thức ngày càng sáng rõ đã đạt được bằng cách đó” (8). Điều này là hết sức quan trọng vì nếu thiếu sự vận động từ những người cộng sản thì công nhân không thể tự thức tỉnh được: “Như chúng tôi đã nói, công nhân trước đây không thể có ý thức dân chủ - xã hội được. Ý thức này chỉ có thể là từ bên ngoài đưa vào.” (9). Chính vì vậy, đảng viên của Đảng phải có đủ trình độ lý luận cách mạng, có niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng mới có thể giác ngộ công nhân, truyền ý thức tự giác vào phong trào công nhân được.

V.I.Lê-nin kịch liệt phê phán sự sùng bái tính tự phát của phong trào công nhân đang tồn tại trong nước Nga và Người khẳng định: “mọi sự sùng bái tính tự phát của phong trào công nhân, mọi việc coi nhẹ vai trò của “yếu tố tự giác”, coi nhẹ vai trò của đảng dân chủ - xã hội, thì đều có nghĩa - dù người ta muốn hay không muốn - là tăng cường ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản đối với công nhân”. (10). Người yêu cầu những người cách mạng phải đặc biệt chú ý đến vấn đề này vì công việc thực sự của họ: “không phải là biện hộ cho việc hạ thấp người cách mạng xuống ngang hàng người thủ công nghiệp, mà phải nâng người thủ công nghiệp lên ngang hàng những người cách mạng.” (11). V.I.Lê-nin yêu cầu người đảng viên cộng sản phải là người vững vàng, không do dự trong các vấn đề mà lý luận cũng như thực tiễn đặt ra. Họ phải là người nhìn xa, trông rộng, có khả năng đưa ra những kế hoạch có quy mô làm cho kẻ thù cũng phải kính nể chứ không phải giống như người thư ký hội đồng công liên mà phái kinh tế mơ tưởng. Nhiệm vụ trước mắt và cấp thiết của những người cách mạng lúc này là: “lập ra một tổ chức những người cách mạng có khả năng bảo đảm cho cuộc đấu tranh chính trị có được nghị lực, tính triệt để và tính liên tục.” (12). V.I.Lê-nin đã chỉ rõ yêu cầu đối với người đảng viên cộng sản là tính tiên phong về lý luận và hoạt động thực tiễn, biết tổ chức, vận động quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù, thực hiện mục đích, lý tưởng của Đảng và giai cấp công nhân.        

Mối quan hệ giữa tổ chức đảng và đảng viên                     

Sau khi phái kinh tế bị đánh bại, Đại hội II của Đảng công nhân xã hội - dân chủ Nga (1903) được triệu tập. Trong Đại hội này V.I.Lê-nin lại phải đấu tranh với bọn men-sê-vích mà đứng đầu là Mác-tốp, Ác-xen-rốt. Quá trình đấu tranh trong Đại hội thực chất là xoay quanh “Dự thảo Điều lệ Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga” do V.I.Lê-nin và Mác-tốp đưa ra. Nói cách khác, đây là cuộc đấu tranh nhằm xác định tư cách đảng viên của Đảng và mối quan hệ của đảng viên đó với tổ chức đảng. Quan điểm của V.I.Lê-nin về người đảng viên cộng sản, mối quan hệ của đảng viên với tổ chức đảng đưa ra trong bản dự thảo Điều lệ Đảng trình bày trước Đại hội II của Đảng công nhân dân chủ- xã hội Nga là nội dung rất quan trọng, là tiêu điểm trong cuộc đấu tranh tại Đại hội.

Theo V.I.Lê-nin, muốn người đảng viên gắn bó với tổ chức Đảng thì người đó phải “tự mình tham gia” vào một tổ chức, chịu sự quản lý, giám sát và kiểm tra của tổ chức đảng. Có như vậy mới đánh giá được phẩm chất cách mạng, năng lực công tác của đảng viên một cách chính xác. Nói cách khác, đó mới là cơ sở để đảng viên chứng tỏ tính tiên phong, gương mẫu của mình cả về lý luận cũng như hoạt động thực tiễn và thể hiện sự liên hệ chặt chẽ giữa đảng viên và tổ chức đảng. Công thức của Mác-tốp cho thấy bản chất đích thực của những kẻ cơ hội chủ nghĩa. Thực chất là Mác-tốp mưu toan biến Đảng thành một tổ chức lỏng lẻo theo kiểu câu lạc bộ, không có sự đoàn kết. Nếu Đảng chỉ bao gồm những phần tử riêng lẻ tự xưng là đảng viên mà giữa họ không có quan hệ về tổ chức thì Đảng đó sẽ hoạt động như thế nào? Ở đây Mác-tốp đã lẫn lộn về vấn đề đảng viên và người ngoài Đảng, vấn đề quan hệ giữa đảng viên với tổ chức Đảng. Nói đúng hơn là Mác-tốp đã cố tình xoá nhoà ranh giới giữa những người có tổ chức với những phần tử không có tổ chức, những người hoạt động có sự lãnh đạo, chỉ đạo với những người lạc hậu, bất trị không có tổ chức. V.I.Lê-nin đã coi quan điểm đó của Mác-tốp là hạ thấp tư cách người đảng viên: “Mỗi người tham gia bãi công đều phải được quyền tự xưng là đảng viên ư? Do luận điểm đó, đồng chí Mác-tốp đã đẩy sai lầm của mình đến chỗ phi lý, vì đã hạ thấp chủ nghĩa dân chủ- xã hội  xuống ngang với chủ nghĩa bãi công” (13).

Theo V.I.Lê-nin người đảng viên phải gắn với một tổ chức đảng vì đảng viên không chỉ là một cá thể riêng rẽ mà họ còn gắn với tổ chức, có quan hệ chặt chẽ với tổ chức bởi: “chúng ta không thể đưa ra một định nghĩa nào khác về đảng viên, nếu không muốn rời bỏ nguyên tắc của chế độ tập trung” (14). Chừng nào mà người công nhân còn tồn tại theo kiểu một cá nhân riêng lẻ thì chừng đó họ còn bị cô lập và thiếu sức mạnh. Chỉ có tổ chức, chỉ có sự tập trung theo nguyên tắc chặt chẽ thì khi đó họ mới là nguồn sức mạnh vô địch. Lúc này vai trò của tổ chức phải được đặt lên trên vai trò của cá nhân và do vậy, họ tự nguyện phục tùng tổ chức, tạo thành một khối thống nhất trong thực tế. V.I.Lê-nin còn chỉ rõ đối với công nhân, không phải chỉ có Đảng mới là tổ chức duy nhất để họ tham gia hoạt động, tuy nhiên điều cần nhấn mạnh là: “đảng, đội tiên phong của giai cấp, phải hết sức có tổ chức” (15). Đội ngũ đảng viên của Đảng phải là những người gắn bó với tổ chức chứ không phải là những cá nhân đơn lẻ vì như vậy sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn: “vấn đề chính là phải triệt để áp dụng nguyên tắc tổ chức hoặc là thừa nhận tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ” (16). Tổ chức của Đảng càng chặt chẽ, càng mạnh mẽ bao nhiêu thì uy tín sẽ càng cao bấy nhiêu và công tác vận động quần chúng sẽ thực hiện có hiệu quả cao và sự thắng lợi của cách mạng sẽ nhanh trở thành hiện thực: “các tổ chức đảng của chúng ta bao gồm những ngưởi dân chủ - xã hội chân chính mà càng mạnh mẽ bao nhiêu, và trong nội bộ đảng càng ít có tình trạng dao động và không kiên định bao nhiêu, thì ảnh hưởng của đảng đối với những người trong quần chúng công nhân chung quanh đảng và chịu sự lãnh đạo của đảng, sẽ càng rộng rãi, càng nhiều mặt, càng phong phú, càng hiệu quả bấy nhiêu.” (17).

Điều này cho thấy nếu một Đảng không được sự ủng hộ của quần chúng, nếu đảng viên của Đảng không được sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân thì chắc chắn Đảng đó, đảng viên đó không thể là người cộng sản chân chính được. V.I.Lê-nin đã khẳng định: “Muốn trở thành một Đảng dân chủ - xã hội, thì cần phải được sự ủng hộ của chính giai cấp.” (18). Điều này đòi hỏi mỗi đảng viên cộng sản phải luôn hiểu rằng việc xây dựng tổ chức của Đảng mạnh mẽ, chặt chẽ; luôn giữ mối liên hệ với quần chúng là vấn đề hết sức quan trọng và đây là thứ vũ khí sắc bén nhất của chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân mà V.I.Lê-nin hằng mong muốn: “chúng ta phải hết sức giữ lấy mối liên hệ thống nhất trong đảng của tất cả những người dân chủ- xã hội Nga, mối liên hệ đã được thiết lập sau bao nhiêu cố gắng; và bằng cách làm việc ngoan cường và có hệ thống, chúng ta phải làm cho toàn thể đảng viên, và nhất là công nhân, hiểu được đầy đủ, một cách tự giác, những nhiệm vụ của người đảng viên.” (19).

Một số vấn đề về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đội ngũ đảng

Đảng viên là nhân tố cấu thành tổ chức đảng, số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ đảng viên quyết định sự tồn tại của Đảng. Tuy nhiên, cần coi trọng chất lượng hơn là chạy theo số lượng vì: “Chúng ta sẽ chỉ tự lừa dối mình, nhắm mắt trước những nhiệm vụ bao la của chúng ta, thu hẹp những nhiệm vụ đó lại, nếu chúng ta quên mất sự khác nhau giữa đội tiền phong và tất cả số quần chúng hướng theo đội tiền phong đó; nếu chúng ta quên mất rằng đội tiền phong có nghĩa vụ thường xuyên phải nâng các tầng lớp ngày càng đông đảo đó lên trình độ tiên tiến ấy” (20). Điều này được thực tế chứng minh kể cả khi Đảng giành được chính quyền: “phải thừa nhận rằng hiện nay chính sách vô sản của đảng không phải được quyết định bởi số lượng đảng viên, mà bởi uy tín to lớn vô song của bộ phận đảng viên ít ỏi mà người ta có thể gọi là đội cận vệ kỳ cựu của đảng.” (21). Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên của Đảng thường được giao phó những trọng trách cao trong bộ máy Nhà nước. Những kẻ cơ hội tìm mọi cách chui vào Đảng để trục lợi, làm cho bộ máy Đảng cũng như Nhà nước trở nên xa lạ với quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, V.I.Lê-nin càng quan tâm đến chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng. Người viết: “Đảng độc nhất nắm chính quyền trên thế giới quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, đến việc thanh trừ  “bọn luồn lọt vào đảng” ra khỏi hàng ngũ của mình, chứ không quan tâm làm tăng thêm số lượng đảng viên, đó chính là đảng chúng ta, đảng của giai cấp công nhân cách mạng.” (22).

Với chủ trương như vậy, việc kết nạp đảng viên mới phải được thực hiện hết sức nghiêm túc vì: “Chúng ta cần có những đảng viên mới không phải để quảng cáo mà là để làm việc thật sự.” (23). Điều này không có nghĩa là V.I.Lênin coi thường vấn đề số lượng đảng viên mà ở đây Lê-nin muốn nhấn mạnh đến yêu cầu về chất lượng đội ngũ đảng viên. Đội ngũ đảng viên của Đảng không những phải có trình độ cao hơn quần chúng mà còn phải liên hệ mật thiết với quần chúng bởi đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh của Đảng: “Quần chúng lao động ủng hộ chúng ta. Sức mạnh của chúng ta là ở đó.” (24).

V.I.Lê-nin luôn nhắc nhở những người đảng viên cộng sản rằng uy tín của từng đảng viên, uy tín của toàn Đảng có đựơc là quần chúng thừa nhận hay không phụ thuộc rất nhiều vào tấm gương của người đảng viên trong cuộc sống. Họ phải luôn là người đi đầu trong bất cứ nhiệm vụ gì mà Tổ quốc cần: “Không gì có thể làm tăng thêm uy tín của đảng cộng sản ở thành thị, nâng cao lòng kính phục của những người công nhân ngoài đảng đối với những người cộng sản, bằng những ngày thứ bảy cộng sản ấy” (25).

Không những quan tâm đến vấn đề chất lượng đội ngũ đảng viên, Lê-nin còn đặc biệt chú ý đến vấn đề tạo nguồn phát triển đảng và theo Người đây cũng là con đường giữ mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Theo Lê-nin đối tượng chủ yếu để phát triển đảng là quần chúng tích cực trong giai cấp công nhân và nông dân: “Các đồng chí công nhân và nông dân ngoài đảng, các đồng chí hãy gia nhập đảng!” (26). Lời kêu gọi này của Lê-nin thể hiện rõ mối quan tâm của Người đối với công tác phát triển đảng, điều cần chú ý cần phân biệt rõ những người vào Đảng với động cơ trong sáng với những kẻ cơ hội: “Chúng ta chỉ kêu gọi vào đảng, với một số lượng đông đảo, những công nhân bình thường, và nông dân nghèo, nông dân lao động thôi, chứ không kêu gọi những nông dân đầu cơ vào đảng.”  (27).

Người đảng viên phải có trình độ kiến thức cao hơn những quần chúng mà mình lãnh đạo. Đó là đòi hỏi bắt nguồn từ bản chất của Đảng vì Đảng là đội tiên phong của toàn bộ giai cấp. Người đảng viên không có năng lực và lạc hậu về trình độ thì rất bất cập trong công việc. Đứng trước sự vận động của cuộc sống, trước nhiều khả năng mà cuộc sống đặt ra nếu không có trình độ nhất định thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ, không làm tròn cương vị của người lãnh đạo quần chúng. Yêu cầu này càng trở nên cấp bách khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra” (28). Để có được trình độ như vậy cần phải ra sức học tập và điều này lại càng quan trọng đối với thế hệ trẻ: “nhiệm vụ của thanh niên nói chung, và của đoàn thanh niên cộng sản và các tổ chức khác nói riêng, có thể tóm gọn bằng một từ. Nhiệm vụ đó là: học tập” (29).

Người đảng viên cộng sản phải là người gương mẫu đi đầu trong đấu tranh cách mạng, phải nêu gương trước quảng đại quần chúng. Vì vậy, mỗi đảng viên cộng sản phải là một tấm gương về lao động thật sự cộng sản chủ nghĩa, phải là người lao động có kỷ luật và có năng suất cao. V.I.Lê-nin coi việc nêu gương lao động là một trong những vấn đề mấu chốt để làm tăng thêm uy tín của Đảng, tăng thêm sự kính phục của những công nhân ngoài Đảng đối với người đảng viên cộng sản. Đây là con đường ngắn nhất để thu phục quần chúng nhân dân tin theo sự lãnh đạo của Đảng. V.I.Lê-nin đòi hỏi người đảng viên cộng sản phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phải khắc phục tệ quan liêu và các hành vi xâm phạm đến lợi ích của nhân dân. Người đã nhiều lần chỉ rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp chứ không phải là toàn bộ giai cấp. Trong mối quan hệ với giai cấp, đảng viên chỉ là một giọt nước trong đại dương nhân dân. Chính vì vây, nếu không liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân, không được sự ủng hộ của nhân dân thì Đảng không thể lãnh đạo, quản lý được xã hội. Sức mạnh của Đảng chính là việc mỗi đảng viên của Đảng phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Khi đánh giá một Đảng bộ, theo V.I.Lê-nin phải căn cứ vào chỗ Đảng bộ đó có liên hệ chặt chẽ với quần chúng hay không? Có lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia phong trào hay không? Trong điều kiện Đảng cầm quyền, V.I.Lê-nin đã nói rất nhiều lần về vấn đề những người đảng viên cộng sản phải khắc phục tệ quan liêu, bệnh tham nhũng, Người nói: chúng ta đang bị bệnh quan liêu đục khoét và bệnh này rất khó khắc phục. V.I.Lê-nin coi bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhà nước vô sản và đánh giá nó còn nguy hiểm hơn so với bọn phản cách mạng công khai. Theo Người, nếu người cộng sản mắc bệnh quan liêu, xa rời thực tế mà lại đảm nhận một chức vụ nào đó trong bộ máy Đảng, Nhà nước thì sẽ là vô cùng nguy hiểm vì anh ta sẽ khiến quần chúng nhân dân ngày càng xa rời Đảng. Muốn trị bệnh này tận gốc chỉ có thể dựa vào quần chúng, dựa vào mối liên hệ của đảng viên với quần chúng.

Tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân - cơ sở để sàng lọc đội ngũ đảng viên.

Vấn đề duy trì kỷ luật kỷ luật Đảng, sàng lọc đội ngũ đảng viên là vấn đề được V.I.Lê-nin quan tâm và thuật ngữ mà V.I.Lê-nin thường dùng là “thanh đảng”. Theo V.I.Lê-nin dựa vào kinh nghiệm và ý kiến của quần chúng ngoài Đảng là điều quý báu và quan trọng nhất. Đảng là người lãnh đạo quần chúng, quyết định đời sống và mọi mặt sinh hoạt của quần chúng nhân dân thì quần chúng nhân dân có nguyện vọng và có quyền kiểm tra và giám sát mọi hoạt động của Đảng. Hơn nữa quần chúng có đầy đủ năng lực và sự nhiệt tình trong công tác xây dựng Đảng. Chỉ có tham khảo ý kiến của quần chúng thì Đảng mới có thái độ khách quan tiến hành thanh Đảng được đúng đắn, chính xác. Việc dựa vào quần chúng nhân dân để tiến hành thanh Đảng không chỉ tiến hành ở cơ sở mà còn ở cấp lãnh đạo nữa. V.I.Lê-nin rất tin tưởng ở bản năng tài tình về đánh giá, nhận xét đảng viên của quần chúng lao động, Người cho rằng: “đối với việc đánh giá người và gạt bỏ những kẻ “chui vào đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hoá”, thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài đảng và trong nhiều trường hợp thì cả những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài đảng nữa, rất là quý báu” (30). Trong việc vận động quần chúng tham gia xây dựng Đảng, V.I.Lênin luôn tin tưởng vào tính sáng tạo và tinh thần cách mạng của quần chúng nhưng Người không quên nhắc nhở các đảng viên của Đảng hết sức tránh thiên hướng theo đuôi quần chúng. Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhưng không phải hạ thấp trình độ của Đảng xuống ngang với trình độ của quần chúng mà là phải tìm mọi cách nâng trình độ của quần chúng lên. Như vậy, dựa vào ý kiến của quần chúng trong vấn đề thanh đảng chính là lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của quần chúng một cách có phê phán, phân biệt rõ đúng sai: “Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không nghe theo tất cả những ý kiến của quần chúng, vì quần chúng cũng đôi khi - nhất là trong những năm họ bị mệt mỏi phi thường, bị kiệt sức vì những gánh nặng và những nỗi đau khổ quá sức chịu đựng - bị lôi kéo bởi những tư tưởng không có chút gì là tiên tiến cả” (31). Thế nên, V.I.Lê-nin yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải hết sức coi trọng việc học tập và theo Người đó là cách tốt nhất để những người cộng sản làm chủ được công việc của mình là quản lý Nhà nước, quản lý xã hội: “Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa” (32).

Yêu cầu đó của V.I.Lê-nin đối với đội ngũ đảng viên của nước Nga Xô- viết cũng chính là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả chúng ta - những đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin và đó chính là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi như ngày hôm nay. Trong công tác xây dựng Đảng mà cụ thể ở đây là các vấn đề về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và sàng lọc đội ngũ đảng viên, Đảng ta luôn đòi hỏi mỗi đảng viên của Đảng phải là người chiến sĩ tiên phong của cách mạng như Bác đã dạy: “Là những người đày tớ thật trung thành của nhân dân” (33). Đảng viên của Đảng không chỉ là người hoạt động tích cực trong mọi lĩnh vực mà còn phải là người ưu tú nhất trong cơ quan, đơn vị.

Việc nghiên cứu, vận dụng, phát triển những quan điểm của V.I.Lê-nin trong giai đoạn hiện nay khi mà công cuộc đổi mới đang đi vào chiều sâu lại càng vô cùng cấp bách. Đảng đòi hỏi mỗi đảng viên phải xác định rõ nhiệm vụ của mình, biết đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Đảng viên phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, liên hệ chặt chẽ với quần chúng và làm tốt công tác vận động quần chúng. Tuyệt đối không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, không được có thái độ kiêu ngạo cộng sản hoặc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là: “Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng”. (34).

Việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin về giáo dục, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên không những là nhiệm vụ của Đảng ta mà suy rộng ra đó còn là nhiệm vụ của toàn dân ta vì từ lâu Đảng đã được nhân dân thừa nhận với tiếng gọi: Đảng ta - Đảng của chúng ta./.

--------------------------------

1.     (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12) V.I.Lê-nin: Toàn tập, t. 6 Nxb Tiến bộ, M, 1975, tr. 127; 126; 126; 143; 162; 142; 135; 34; 38; 48; 162; 134.

2.     (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (26), (27), (28), (29) V.I.Lê-nin, Toàn tập, t. 8, Nxb Tiến bộ, M, 1979, tr. 290 – 291; 53; 286; 288; 288 – 289; 293; 489 – 490; 298- 290; 24; 255; 256; 257; 256; 362; 354.

3.     (24), (25) V.I.Lê-nin, Toàn tập, t. 39, Nxb Tiến bộ, M, 1979, tr. 257; 428.

4.     (30), (31), V.I.Lê-nin, Toàn tập, t. 44,  Nxb Tiến bộ, M, 1978, tr. 152; 152.

5.     (32), V.I.Lê-nin, Toàn tập, t. 45, Nxb Tiến bộ, M, 1978, tr. 444.

6.     (33), Hồ Chí Minh, Toàn tập, bộ 15 tập, tập 7, tr. 379.

7.     (34), Hồ Chí Minh, Toàn tập, bộ 15 tập, tập 5, tr. 167.

 

Theo PGS,TS Lê Văn Cường

(Viện Xây dựng Đảng,Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Báo điện tử Đảng Cộng  sản Việt Nam