Vị đắng Học và Hành với thế hệ Trẻ

(Dân trí) - Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Vẫn biết thế, nhưng với nhiều sinh viên ra trường đang phải chịu cảnh thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp hiện nay, cái khó xem ra vẫn bó cái khôn nhiều hơn, nhất là khi đụng đâu cũng vấp phải những rào cản vô hình.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Thực tế… tréo ngoe

 

Bởi thế, xu hướng tự trào theo kiểu thơ Tú Xương như gãi đúng chỗ ngứa, khơi gợi lên bao nỗi niềm biết ngỏ cùng ai của khá nhiều bạn trẻ sau khi đọc bài thơ... chế “Thực trạng sinh viên ra trường” được cho là của một tác giả có tên H.M.N. đăng tải trên một Fanpage của Facebook sáng 23/4:

 

Tuổi trẻ dễ vui đấy mà cũng dễ buồn ngay đấy. Dẫu sao có lẽ cũng vì mới đang lưỡng lự tại nấc thang đầu tiên trên con đường công danh sự nghiệp, phía trước vẫn còn là những năm tháng dài của tuổi trẻ với ngọn lửa đam mê học hỏi, chứng tỏ cái tôi của mình và đóng góp, cống hiến…còn rừng rực, nên cái nhìn với cuộc sống vẫn còn nguyên sự trong trẻo, vẫn có được nét lạc quan trong bi quan…Và nhân dịp có bài thơ nói hộ nỗi lòng mình này, tâm hồn thi sĩ càng trở nên lai láng trong tim nhiều người trẻ:

 

“Phải công nhận bài thơ này ý tứ khá giống như của Tú Xương, Nguyễn Khuyến một thời. Bài thơ phản ánh đúng một phần thực trạng xã hội hiện nay theo kiểu trào phúng, đọc xong rồi đọc lại vẫn thích…” - Nông Bá Từ: nongbatu@yahoo.com

 

“Nghề gì mà chẳng là nghề

Miễn là có bạc, ai thuê ta làm

Tôi đây Học viện Ngân hàng

Giờ sang Trung Quốc…buôn hàng nội thất” - N.V.Tường:  vn24h@ymail.com  

 

 “Học hành thi cử làm chi

Ở nhà cuốc đất cày bừa cho xong

Đầu tư tiền bạc làm gì

Học xong để đó, biết làm gì đây

 

Cầm bằng đi hỏi việc làm

Người ta lại hỏi: Có bà con không?

Việc này có chỗ rồi em

Thằng con “quan lớn” nó ngồi rồi đây

 

Hỏi ra mới biết tình hình

Văn hóa lớp 1 mà ngồi chỗ "ngon"

Bằng mình là bằng chính quy

Hóa ra không xịn bằng thằng đi mua

 

Nói đi nói lại hóa xàm

Sinh ra không đúng vào thời của ta

Hỡi ơi giáo dục hết thời

Học làm chi nữa, ở nhà nuôi heo!!!” - Nguyễn Trung Trực: tructrung1977@gmail.com

 

Học và Hành

 

Lửa nhiệt tình đang ngùn ngụt, bỗng chốc lại phải rơi vào tình cảnh hoặc là ngồi chơi xơi nước…lã, hoặc phải kiếm nghề tay trái nuôi mộng sẽ được hành đúng nghề tay phải…ai mà chẳng thất vọng, ủ ê…Nhưng có lẽ tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

 

Thực trạng xã hội hiện nay đúng là còn nhiều rào cản vô hình lắm, cụ thể là tệ “chạy”… các thể loại với yếu tố đầu tiên "tiền đâu?":

 

“Muốn về quê xin việc cũng có được đâu. Em đang ở quê đây, mới nghỉ việc ở 1 trường ĐH ở TPHCM,  nhà có chuyện nên đành bỏ về. Nhưng ở quê muốn có việc họ đòi  những 150 triệu...” - Hung:  hungthuvien3@gmail.com

 

“Về quê thì chỉ có mấy cái cơ quan hành chính sự nghiệp thôi, đợi… mấy chục năm nữa có người về hưu thì mới xin vào thế chân được...he.he.:)” - Nong Kim Tuyen:  miu10vn@yahoo.com

 
“Đây đúng là 1 thực trạng của lớp trẻ VN hiện giờ. Học cho giỏi mà ra trường không có ‘ô dù’ thì… về nhà mà chăn trâu. Chứ muốn có một suất làm việc chí ít cũng phải chi cả trăm triệu, cho nên hãy nhìn vào thực tế mà Học. Nói học đại học thì oai hơn, nhưng nhiều khi còn chẳng bằng người học trung cấp ra trường chẳng biết tí gì!!!???” - Đinh Văn Pháp: Francetttl@yahoo.com.vn
 

Song cũng đã khá rõ một nghịch lý khác, đó là cách tư duy quá coi trọng bằng cấp, học thiếu hành khiến xã hội thừa thầy thiếu thợ, khiến cho cái cần lại thiếu, cái không cần lại quá thừa:

 

“Bài thơ phản ánh quá đúng thực trạng nhiều người VN hiếu học mà tham bằng Đại học quá đó. Thi đỗ ĐH là gia đình mổ heo, giết gà....ăn mừng. Nhưng tới khi ra trường thì lại không biết Hành như thế nào cả, vì Học là phải Hành chứ… Khà khà...bài thơ quả là xuất thần” - Chanthong.facebook:  kateado_2030@yahoo.com

 

“Những người học hành tử tế, thực sự có năng lực vẫn là hàng hiếm của các nhà tuyển dụng đấy” - Nguyễn Chính: chianthi090468@gmail.com

 

“Đó là do nhiều sinh viên còn chưa biết cách chọn ngành nghề. Ai cũng đòi học làm thầy thì ai sẽ làm thợ đây? Trong khi đó thợ lành nghề vẫn đang rất thiếu. Rõ ràng con đường đến thành công đâu nhất thiết phải đi qua cổng trường đại học” - Nguyen Van Lam:  gasmiêntungptro@gmail.com

 

“Mình nghĩ chắc bạn nào đã viết nên những dòng thơ này đều không thể thất nghiệp, chỉ trừ khi không thích làm việc. Các bạn chí ít có trải sự đời, hiểu trời hiểu đất thì lo chi. Chỉ những người học không học, hành không hành mới lo thôi. Sức trẻ là cội nguồn của các bạn, mới đầu đã dám xông pha thì sau này quản ngại chi. Hãy cho bản thân một cơ hội thử thách, 1 năm, 2 năm có thể nhảy việc hai ba lần,  nhưng chính điều đó sẽ giúp ta tích lũy được kinh nghiệm nhiều hơn.

 

Không có gì phải ái ngại! Mình cũng học MĐC, ra trường chỉ hạng dưới, bậc thường thường, chấp nhận thêm 2 năm đi làm để học việc. Đến giờ thì có khá nhiều công ty sẵn sàng tuyển mình. Hồi mới ra trường mình vừa làm công việc đúng chuyên nghành đã học vừa làm xây dựng, nhưng chính điều đó đã giúp mình sau này khi đi xin việc không bị gò bó với chuyên ngành chính. Có những công việc nhà tuyển dụng sẽ không tuyển trực tiếp, mà chỉ cần bạn đảm nhận một thời gian sau đó sẽ là công việc đúng chuyên nghành thông báo tuyển” – Do Tien: dotien@gmail.com
 
Trần Hữu Kiên: Khát vọng là sự thành công, nó lớn hơn cả sự đổi đời (ảnh: Lý Võ Phú Hưng)
Trần Hữu Kiên: Khát vọng là sự thành công, nó lớn hơn cả sự đổi đời (ảnh: Lý Võ Phú Hưng)

 

Trường hợp luật sư tập sự Trần Hữu Kiên vừa đăng quang Quán quân Vietnam’s Got Talent 2013 được khá nhiều bạn đọc dẫn ra như một minh chứng thiết thực và nóng hổi về nghị lực vượt khó vươn lên:

 

“Kiên là con người đầy nghị lực. Có một điều chắc ít ai biết là ngoài công việc luật sư tập sự ban ngày, buổi tối bạn ấy thường đến các quán bia, nhà hàng  thổi sáo, hát ‘dạo’. Bạn này hát được nhiều thể loại: cải lương, chèo, ca trù…và đặc biệt thổi sáo rất hay .... Ủng hộ em Kiên!” - Lê Minh Sơn:  sonleminhpharma@gmail.com

 

“Kiên có nhiệt huyết và người nghe cảm thấy nhiệt huyết ấy lôi cuốn nên Kiên Thắng là xứng đáng. Có điều viên ngọc còn thô, nếu mài giũa thêm sẽ rất có giá…” - Tran Hoi:  test.soft.tl@gmail.com

 

Nghịch lý ở đâu dường như cũng có, cuộc sống muôn màu là như vậy. Nhưng làm cho lớp trẻ của chúng ta phải nếm ngay quá nhiều vị đắng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tới ngay trước ngưỡng cửa bước vào con đường sự nghiệp, thì quả là những người được giao chức trách không thể phủi tay... vô can!
 

Khánh Tùng