Góc nhìn chuyên gia:

Về tình trạng trẻ em suy và thiếu dinh dưỡng

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố thống kê 2013 về sức khỏe toàn cầu. Theo đó Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Trên bình diện vĩ mô sẽ cho những hậu quả xấu, dài lâu…

Tình hình suy dinh dưỡng các thể được cập nhật đến tháng 4/2013 (sơ đồ theo: Cẩm Thư)
Tình hình suy dinh dưỡng các thể được cập nhật đến tháng 4/2013 (sơ đồ theo: Cẩm Thư)

 

Cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (tức là = 25% , một tỉ lệ cao vì các nước cuối bảng Burundi, Yémen, Madagascar và Ấn độ cũng chỉ trên dưới 30%). Đây là một tình thế nghiêm trọng : trẻ suy dinh dưỡng ốm còi và thiếu chiều cao, trên bình diện vĩ mô sẽ cho những hậu quả xấu, dài lâu về giáo dục, về phát triển kinh tế và về sức khoẻ cộng đồng.

 

Tình trạng suy và thiếu dinh dưỡng là một vấn đề mãn tính, thầm lặng, thường trực và liên tục. Đó lại là nguyên nhân tử vong quan trọng nhất - dù suy dinh dưỡng không phải là một bệnh - của trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới. Trong trường hợp dù không dẫn tới tử vong thì suy và thiếu dinh dưỡng cũng sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho trẻ suốt đời như: phòng chống bệnh tật kém hơn, khó hay kém phát triển trí tuệ, có thể bị tật nguyền và có khả năng chết sớm...

 

Nhưng cho trẻ ăn no không có nghĩa là nuôi bé đủ chất

 

Nguyên nhân: Trên bình diện vĩ mô, thiếu dinh dưỡng ở các nước đang phát triển là một vấn đề vừa thuộc kinh tế, giáo dục vừa thuộc về y tế.

 

+ Về Kinh tế: Lợi tức của gia đình liên hệ mật thiết đến việc tiếp cận thức ăn. Phân nửa lợi tức của người nghèo được dùng cho thức ăn. Thiếu ăn và nhất là ăn không đủ chất (thịt, cá, sữa... là những món xa xỉ với một số không ít người). Tin tức từ truyền thông thường cho thấy trẻ em ở các vùng cao, vùng xa ở nước ta chẳng hạn, nhiều khi chỉ ăn cơm với rau và muối.

 

Cũng cần giáo dục các bà mẹ trẻ để họ tự săn sóc trong thai kỳ, cho con bú và ăn dặm đúng thời điểm, cho con ăn hợp lý hay theo khoa học chứ không hoàn toàn theo tập quán. Sao cho các bà mẹ này có khả năng theo dõi tiến triển cân nặng và chiều cao của trẻ, nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy dinh dưỡng để có phản ứng sớm...

 

+ Về Y tế cho cả hai vế phòng và trị: Trẻ suy dinh dưỡng không những vì khẩu phần thiếu hay không đủ chất, mà có thể vì chúng sinh thiếu tháng hay bị bệnh đường tiêu hóa, thiếu nước sạch ... Ngành Y tế cần lo săn sóc tốt sức khoẻ cho phụ nữ - những bà mẹ tương lai. Đồng thời có những phương thức tối thiểu để lo cho mọi đứa trẻ ngay từ lúc bé mới chào đời.

 

Điều tối cần thiết nữa là cũng cần giáo dục tốt hơn cho người dân nói chung để có kiến thức về dinh dưỡng và thường thức về vệ sinh..

 

Đi vào cụ thể, để bài trừ tình trạng suy và thiếu dinh dưỡng, những phương thức sau đây đã được dùng ở nhiều nước và đã mang tới nhiều kết quả khả quan. Trong 20 năm gần đây, Thái Lan đã thành công trong lĩnh vực này - từ một nước với khoảng tỉ lệ 20% trẻ ốm còi, hiện Thái Lan đã hoàn toàn khắc phục được tình trạng trên.

 

Chống suy dinh dưỡng và ốm còi

 

Đầu tiên có lẽ ta phải nhất trí, trên phương diện triết lý, về quyền của mọi người được sống đàng hoàng. Cả xã hội phải có trách nhiệm về vấn đề này. Phát triển kinh tế, tạo công bằng xã hội, xây dựng hạ tầng y tế, phát triển giáo dục là trực tiếp góp phần chống suy dinh dưỡng và ốm còi cho trẻ.

 

Một cách cụ thể hơn nữa là:

 

+ Theo dõi thai trình của các bà mẹ tương lai.

 

+ Cổ động các bà mẹ cho con bú, ít nhất là trong sáu tháng đầu đời của trẻ. Nếu có thể thì ngay cả lúc trẻ đã ăn tạp được, vẫn tiếp tục cho bú dặm đến 18 tháng tuổi.

 

+ Dạy các bà mẹ trẻ cách cách nuôi con và theo dõi quá trình tăng trưởng của con.

 

+ Phụ thêm cho trẻ, nếu cần, những vi chất như chất sắt, sinh tố A, iode ...đều dễ làm, không tốn kém mà kết quả rất quan trọng.

 

+ Phòng chống tích cực các bệnh của trẻ con bằng những biện pháp: tiêm chủng, cung cấp nước sạch và một hệ thống y tế vùng miền hữu hiệu.

 

+ Đem giáo dục về sức khoẻ và dưỡng nhi vào trường học – tức là chuẩn bị cho thế hệ cha mẹ của trẻ trong tương lai.

 

Nhưng chống suy dinh dưỡng cần “vũ khí” đầu tiên là: nâng cao mức thu nhập tối thiểu của tất cả các gia đình để tất cả trẻ em đều được tiếp cận thức ăn, ăn đủ chất vì đa phần suy và thiếu dinh dưỡng là tình trạng của người nghèo.

 

Nguyễn Huỳnh Mai

(từ Liège, Bỉ)

 

"Bài này phân tích sự kiện dựa trên các thông tin của OMS (Tổ chức Y tế quốc tế) và UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc): 

https://www.unicef.fr/userfiles/UNICEF_NutritionReport_FR.pdf)