Về tình cảnh thủy thủ Vinalines: Vẫn "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"

(Dân trí) - Trả lời của Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines) Nguyễn Đình Thanh có lẽ chỉ mới làm lóe lên được đôi chút hy vọng với rất ít người, trong khi tâm trạng chung vẫn u ám. Vẫn cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong quan điểm giữa đôi bên.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa) 
 
Nói gần nói xa...

 

Cũng có một số ý kiến bày tỏ sự cảm thông với khó khăn thực tế, nhất là việc ban lãnh đạo mới của Vinalines đang phải lo giải quyết hậu quả do người khác để lại, cũng như tình hình khó khăn chung trên thế giới hiện nay như Trần Bình Định  tr_binhdinh62@yahoo.com.vn nêu:

 

“…Nên nhớ, những nước có truyền thống vận tải biển gấp bội lần Vinashinlines cũng đang thở hắt ra khi kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Cái gì cũng phải có thời gian chứ!”

 

Nhưng có lẽ đó mới chỉ là thực tế được nhìn từ… xa xa. Còn thực tế THỰC HƠN cần phải nhìn từ cự ly rất gần, từ chính những “điểm nóng” đang làm dậy sóng dư luận về tình cảnh các thủy thủ Vinashinlines đang bơ vơ nơi biển cả xứ người:

 

1/.  Tâm thư của VNseaman VNseaman@gmail.com:

 

“Kính gửi ngài Phó Tổng Giám đốc! Tôi cũng rất thích câu nói của ngài rằng “anh em thuyền viên kêu hơi quá, chứ thực sự họ chưa bao giờ bị bỏ đói cả”. Thưa ngài, tôi tin rằng nếu nếu tình hình chưa quá bi đát thì Đại sứ quán VN tại đó chẳng khi nào lên tiếng thúc giục cả. Theo như tôi hiểu, các ngài đã gửi tiền từ ngày 26/4 mà tới hôm nay tàu New Horizon vẫn chưa nhận được. Vậy ra đồng tiền các ngài gửi đi đã luân chuyển…quanh thế giới một vòng rồi.

 

Kính thưa ngài Phó Tổng, chúng tôi là tập thể 22 thuyền viên trên tàu Cái Lân 4, bị lưu giữ tại Ấn Độ đã 2 tháng nay (từ ngày 18/3 đã thông báo với Cty). Chúng tôi không còn gì để ăn nữa ngoài húp cháo, tới rau dại cũng chẳng còn, nước ngọt hết, điện sinh hoạt 6 tháng nay đã không có, hoàn toàn sống trong tăm tối khi đêm xuống. Chắc rằng CHÚNG TÔI CŨNG KHÔNG NÓI QUÁ LÊN ĐÂU !!!  Chúng tôi rất mong được đón tiếp ngài tại tàu, để ngài được biết rằng “không bỏ rơi và vẫn đảm bảo mọi điều kiện” là  như thế nào!!!!

 

Thưa ngài, chúng tôi - những Con Người lao động chân chính - hiện đang không khác gì tù nhân bị giam lỏng trên chính phương tiện lao động của mình.... Chúng tôi đang trở thành những Con Người khốn khổ thời nay. Suốt trong thời gian bị lưu giữ từ tháng 10/2012 đến nay, chúng tôi hầu như rơi vào tình trạng không có cái ăn. Chúng tôi cũng đã cầu cứu khắp các cơ quan đoàn thể và Đại sứ quán VN tại Ấn Độ, nhưng chúng tôi hoàn toàn rơi vào vô vọng vì không có câu trả lời nào từ lãnh đạo Cty tới cấp quản lý cao hơn.

 

Chúng tôi chỉ mong ước sao các ngài đủ dũng cảm gạt bỏ mọi lợi ích và thông cảm hơn nữa với chúng tôi, thì khi đó chúng tôi mới có hy vọng mong manh được về đoàn tụ cùng gia đình. Hiện tại 22 thuyền viên chúng tôi đã rất mệt mỏi, tinh thần khủng hoảng, có những thuyền viên bị ốm đau mà không hề được đi bệnh viện khám chữa. Do vậy chúng tôi chỉ mong được sớm về với gia đình mà thôi!”

 

2/. Tiếng nói sẻ chia đậm tình đồng nghiệp của Tien Tung tientung8654@yahoo.com:

 

“Việc thuyền viên sinh hoạt thiếu thốn, khổ cực là thực tế. Tổng Liên đoàn Lao động VN đã cử người xuống tàu và chứng kiến tận mắt hoàn cảnh của họ. Quá xót thương cho những người lao động VN hình như không được có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cả? Theo Luật Hàng hải. nếu không có gì nguy hiểm đến tính mạng thì họ cũng không có quyền bỏ tàu, những thuyền viên chắc chắn hiểu điều này. Còn tôi nghĩ, ông Thanh nói vậy là không đúng với thực tế đang xảy ra đâu. Tôi là 1 trong những thuyền viên của Vinahinlines,  tôi khẳng định điều đó!” 

 

3/. Và đây, những giọt nước mắt chảy ngược vào trong của những người vợ, người mẹ như Phuong Do hoaphuong_220686@yahoo.com:

 

“Thưa ông Nguyễn Đình Thanh! Ông đang ở trên đất nước VN thanh bình thì ông có thể nói rằng ‘các thủy thủ nói hơi quá’. Nhưng theo tôi, nếu ông cũng ở trong tình trạng như họ thì ông sẽ cảm thấy thế nào? Gia đình, vợ con ông sẽ cảm xúc ra sao? Tôi cũng là vợ của một thủy thủ đi tàu của công ty Vosco, tôi có thể hiểu được tâm trạng của các thủy thủ trên tàu New Horizon.  Bởi lẽ ngoài họ ra thì chỉ những người phải trực tiếp chứng kiến cuộc sống của các thủy thủ mới hiểu được thôi, thưa ông. Tôi cũng hy vọng rằng những gì ông nói trong tháng 5 này sẽ thực hiện được, để các thủy thủ được an toàn trở về nước trong một ngày sớm nhất. Hy vọng những gì ông đã nói thì ông sẽ làm được như thế. Đừng để mất lòng tin ở dân nữa, thưa ông!”
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

... Chẳng qua nói thật

 

Phân tích kỹ hơn thực tế thường là không có được điểm chung trong quan điểm giữa giới chức với người lao động, ý kiến của nhiều độc giả nhấn mạnh tới 1 nghịch lý: Thay vì tự vấn chính mình, người ta chọn cách an toàn hơn là… chất vấn phía kia:

 

 “Theo tôi, thực ra trong suốt toàn bộ sự việc này, lỗi là thuộc về người sử dụng lao động vì chưa có những hành động phù hợp và những giải thích xác đáng, kịp thời khi tất cả thuyền viên có ý kiến, luôn để thuyền viên phải chờ đợi trong cảnh khắc khoải, hoang mang... (đặt địa vị vào ai cũng vậy)....  Phương án tốt nhất là giải thoát đưa thuyền viên về trước, ổn định tình hình rồi sau đó bán hay thế nào cũng được... Thuyền viên không thể tiếp tục chờ đợi trên tàu và chờ cho tới khi tàu được bán, việc này sẽ dẫn tới chi phí thêm rất nhiều... Tôi cũng là người trong ngành, làm việc cả trên bờ và dưới nước, tôi thấu hiểu tình hình và luôn luôn đứng về phía người lao động. Cái quan trọng nhất bây giờ là ổn định tình hình thuyền viên, ổn định tình hình thông tin...” - Tran Tan:  capttvtan@gmail.com

 

“Đây cũng thuộc ngành nổi bật thường xuyên làm việc quốc tế. Nhưng việc chuyển tiền sinh hoạt sang cho thuyền viên như hiện giờ, tôi thấy cách xử lí thiếu khoa học, chưa chuyên nghiệp. Tàu đã phát mãi từ đầu tháng 1/2013 mà tiền ăn, tiền nước sinh hoạt của tháng 4 – tháng 5 được kể ra cho thấy không có kế hoạch cụ thể cho việc này song song với việc xử lí bán tàu… Cần có kế hoạch này cuối trước tháng hoặc đầu tháng đó, rồi thông báo với đại diện tàu – thuyền trưởng và Đại sứ quán VN tại Pakistan. Thế mới gọi là làm việc quốc tế và thể hiện sự quan tâm, cũng như quyết tâm không bỏ thuyền viên… Tóm lại, theo tôi, thay vì cách hỏi ngược lại với các thuyền viên, thì các vị có tự hỏi xem cách xử lí chuyển tiền như vậy đã khoa học và chuyên nghiệp chưa?” - Nguyễn Thu Hiền:  hiennt.hp@gmail.com

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm