Về nguyên tắc suy đoán vô tội

Ngày 21.5, TAND TP.Buôn Ma Thuột tuyên buộc Viện KSND TP.Buôn Ma Thuột bồi thường cho ông Đinh Quang Điền số tiền hơn 2,8 tỉ đồng do bắt giam oan sai 243 ngày.

Về nguyên tắc suy đoán vô tội
Phiên tòa sơ thẩm sáng 21.5 tuyên buộc VKSND TP. Buôn Ma Thuột bồi thường oan sai cho ông Đinh Quang Điền gần 3 tỷ đồng. Ảnh: Vietnamnet

Trước đó một ngày, tại diễn đàn Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), ông nói: “Mọi hoài nghi về tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ”.

Những điều mà ông Nguyễn Hòa Bình phân tích chỉ gói gọn trong 6 chữ: “Nguyên tắc suy đoán vô tội”. Đây là một nguyên tắc không phải chỉ mang tính nhân đạo, mà là một nguyên tắc mang tính khoa học.

Bởi vì trên thực tế, người phạm tội hình sự chiếm tỉ lệ rất thấp trong tổng số công dân. Cho nên, trước nghi can có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ điều tra phải suy đoán theo hướng có lợi nhất cho họ. Nguyên tắc suy đoán vô tội là nhằm để bảo vệ cho số đông người lương thiện. Nếu cứ tính tỉ lệ 1 người phạm tội trên 100 người, thì suy đoán vô tội là để bảo vệ 99 người còn lại.

Không một điều tra viên nào không được trang bị kiến thức về nguyên tắc này, chỉ có điều, không ít người đã “vi phạm” nguyên tắc. Cứ đối diện với nghi can là suy đoán họ có tội. Đã có nhiều trường hợp, điều tra viên suy diễn theo hướng có hại cho bị can, ngược lại hoàn toàn với lý thuyết điều tra căn bản nhất đã được trang bị.

Hãy nhìn những chân dung bị “suy đoán có tội” này xem: Nguyễn Thanh Chấn, 9 nạn nhân trong vụ án vườn điều ở Bình Thuận, “7 ông Chấn” ở Sóc Trăng. Đặc biệt, vụ Huỳnh Văn Nén là một nghi án oan sai đang dần được đưa ra ánh sáng sau 14 năm. Và vụ án vừa nêu trên - ông Đinh Quang Điền ở Buôn Ma Thuột, và còn nhiều trường hợp khác không thể kể ra hết.

Nguyên tắc suy đoán vô tội còn là yếu tố căn bản trong việc bảo vệ quyền con người. Khi một công dân trở thành nghi can, bị tạm giam, tạm giữ, rõ ràng họ đã bị hạn chế một phần sự tự do, nên khó khăn để tự bảo vệ sinh mệnh pháp lý cũng như sinh mệnh vật chất của họ. Nếu điều tra viên suy đoán có tội, thì sẽ dùng mọi biện pháp để lấy lời khai và chứng cứ theo hướng chủ quan của điều tra viên. Oan sai từ đây mà ra. Quyền con người bị xâm phạm, không phải khi nạn nhân bị kết án oan sai, mà ngay từ khi điều tra viên suy đoán theo hướng có tội và áp dụng biện pháp điều tra áp đặt lên nạn nhân.

Cho nên, sự lên tiếng của Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình là rất khẩn thiết!

Lê Thanh Phong

Theo báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm