Về hưu, xin giữ lại... nhà công vụ!
Làm người, suốt đời chưa có nếp nhà coi như còn điều day dứt. Nhưng cái nhà đó là cái nhà mồ hôi nước mắt làm ra chứ cái nhà công vụ mà đi xin làm của riêng lại là chuyện khác.
"Sống cái nhà, già cái mồ", người Việt quan niệm vậy. Làm người, suốt đời chưa có nếp nhà coi như còn điều day dứt. Nhưng cái nhà đó là cái nhà mồ hôi nước mắt làm ra. Chứ cái nhà công vụ mà đi xin làm của riêng lại là chuyện khác.
Bà Đặng Huỳnh Mai, cựu thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, vừa có đơn gửi Thủ tướng bày tỏ nguyện vọng muốn giữ lại căn hộ 608, tòa A2, khu nhà công vụ Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội, vì như bà trình bày là bà chưa có nhà riêng. Đây là nhà công vụ được phân cho, khi bà giữ chức Thứ trưởng từ năm 2001.
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu là nơi ở của một số cán bộ cao cấp thuộc các cơ quan trung ương, có 80 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2000.
Theo quy định, khi cán bộ nghỉ hưu, thì phải trả lại nhà ở công vụ cho nhà nước. Tuy nhiên, tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu có khoảng một nửa số căn hộ đã giao cho cán bộ cao cấp, nhưng khi đã về nghỉ hưu, họ vẫn giữ lại nhà công vụ này cho con cháu, người thân quen ở hoặc tiếp tục ở, thậm chí nhiều nhà khóa cửa để đó. Một số nơi khác, tình trạng nhà công vụ cũng như vậy. Tháng 5/2020, Bộ Xây dựng đã phát đi công văn yêu cầu 12 cựu quan chức về hưu trả nhà công vụ vì đã hết thời gian công tác nhưng các vị này "quên"trả nhà.
Trong đơn gửi tới Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bà Đặng Huỳnh Mai giới thiệu là nhà giáo nhân dân, học hàm tiến sĩ, nguyên thứ trưởng, kiêm bí thư Đảng bộ Bộ Giáo dục và đào tạo. Hiện bà Mai là ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật, phó Chủ tịch trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam.
Thật khó nghĩ khi một cán bộ cấp cao (và có nhiều người trong gia đình đang hoặc từng giữ nhiều chức vụ cao) khi về hưu lại không có nổi một căn nhà, căn hộ. Lại càng khó nghĩ hơn khi "nhà công vụ" mà nay một lãnh đạo cấp cao sau khi nghỉ hưu lại xin "cho làm của riêng". Sẽ ra sao nếu một "nhà công vụ" được cấp làm của riêng nhỉ? Chẳng biết khi đó khu nhà công vụ Hoàng Cầu sẽ được gọi bằng tên là gì cho hợp lý, cho chính danh…
Ai cũng biết đồng lương công chức khó mà mua được nhà cửa. Nhưng ai cũng biết rằng chẳng quan chức nào mà không có nhà cửa, thậm chí là nhiều. Trường hợp như bà Mai (theo bà trình bày), thì đúng là cá biệt(?)
Nhưng cũng sẽ rất cá biệt nếu cấp cho bà căn nhà công vụ này. Người dân sẽ nhìn vào đó và thấy bổng lộc được phân phát cho công bộc (chữ dùng của Bác Hồ là đầy tớ nhân dân) ra sao ngay cả khi đã nghỉ hưu? Về làm dân mà vẫn còn kiểu "thưởng thức mâm trên" thì khó coi lắm, lại càng khó coi hơn khi cả nước đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh!
Dẫu gì cũng đáng quý khi bà Mai ngỏ lời xin. Cho hay không là chuyện khác. Nhưng kiểu gì khi "cho" bà Mai cũng là tạo ra bất công xã hội, khi cùng là công chức như bà Mai, vẫn có hàng trăm ngàn cán bộ công chức cấp thấp khác, với đồng lương nhỏ hơn nhiều, ưu đãi không có, vẫn còn phải ở thuê ở trọ. Cùng làm công ăn lương cho nhà nước, sao có thể có sự khác biệt như thế!
"Sống cái nhà, già cái mồ", người Việt quan niệm vậy. Làm người, suốt đời chưa có nếp nhà cũng coi như còn điều day dứt ở đời. Nhưng cũng có nhiều vị đã có nhà rồi, nhiều nhà rồi hoặc đủ khả năng mua rất nhiều nhà, vẫn tham, muốn có thêm nữa. Kêu ca, xin xỏ. Thừa mứa vẫn xí phần. Đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra thì muốn sắm bao nhiêu nhà cứ sắm. Còn lúc đất nước gian nan, dịch bệnh lan tràn, lao động mất việc, doanh nghiệp phá sản…, trăm ngàn y bác sĩ, chiến sĩ xả thân chống dịch, thì thấy việc xin cái nhà thật là lạc lõng.
Sau dịch bệnh này, sẽ rất nhiều người mất cửa mất nhà. Trong dịch bệnh này, rất nhiều thầy thuốc, nhân viên y tế quần quật chữa bệnh cứu người, chắc gì đêm về đã có một mái nhà riêng tư của mình…
Cái nhà - cũng như con người, nhìn vào đó mà biết xấu - tốt - sang - hèn.