Bạn đọc viết:

Vang mãi khúc khải hoàn ca Chiến thắng

(Dân trí) - Mới đó mà 39 năm trôi qua kể từ ngày dân tộc ta làm nên một kỳ tích lịch sử. Đó là chiến thắng 30/4 mở ra trang sử mới cho dân tộc, để khúc khải hoàn ca chiến thắng mãi ngân vang với vẹn nguyên ý nghĩa...

Quân giải phóng từ hướng Tây Nam Bộ tiến về Sài Gòn (ảnh tư liệu)
Quân giải phóng từ hướng Tây Nam Bộ tiến về Sài Gòn (ảnh tư liệu)
Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử một thời…

Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ kết thúc cuộc kháng chiến oanh liệt chống Mỹ cứu nước kéo dài suốt 21 năm, mà còn chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta 117 năm.

Đó là chiến thắng của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là chiến thắng của sức mạnh nội lực bền bỉ, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Là chiến thắng của đỉnh cao khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Là chiến thắng của biểu hiện sinh động sự đối đầu điển hình ở thế kỷ XX giữa tiến bộ với phản động, giữa chính nghĩa với phi nghĩa, giữa văn hóa với phản văn hóa, giữa văn minh với bạo tàn trong cuộc đấu tranh của nhân dân toàn thế giới vì độc lập dân tộc, hòa bình, hạnh phúc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đó là chiến thắng xuất phát từ truyền thống yêu nước và khí phách quật cường trong lịch sử nghìn năm đấu tranh bảo vệ nền độc lập, đã hun đúc nên bản lĩnh Việt Nam với ý chí: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”, “... dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”….

Với lẽ sống ấy, cả dân tộc Việt Nam đã tiến hành một cuộc “trường chinh” vĩ đại với quyết tâm lớn, chấp nhận hy sinh vô bờ bến.

Đó là một cuộc đấu tranh của nhân dân với quá trình phát triển từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên quy mô chiến lược chiến tranh cách mạng.

Đó là một cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện với tư tưởng chiến lược tiến công, với phương châm chiến lược đánh lâu dài và nghệ thuật giành thắng lợi từng bước.

Đó là một cuộc đấu tranh dựa vào hai lực lượng: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân (với hình thức tổ chức ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); kết hợp ba mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận; kết hợp ba vùng chiến lược: nông thôn rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; kết hợp khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng; kết hợp nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; kết hợp sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với sức mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam; kết hợp đấu tranh trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại.

Đó là cuộc đấu tranh không tách rời quá trình giải phóng miền Nam với xây dựng và bảo vệ miền Bắc. Quân và dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu và không ngừng chi viện đầy đủ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Đó là các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Nhằm thẳng quân  thù mà bắn”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”... mang khí thế hừng hực vì thống nhất nước nhà.

Trên những tuyến đường chi viện chiến lược từ Bắc vào Nam, nhất là đường Hồ Chí Minh theo trục Trường Sơn, người và của không ngừng tuôn ra tiền tuyến xuyên suốt mùa khô tới mùa mưa, xuyên suốt ngày đêm, mang đậm ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần của hậu phương xã hội chủ nghĩa.

Cũng chính vì thế mà thời gian càng lùi xa, quy mô khúc ca khải hoàn Chiến thắng càng lung linh tỏa sáng. Ai cũng hiểu rằng con đường mà cả dân tộc đã đi qua để có ngày 30/4, nói một cách hình ảnh, là con đường đầy máu và hoa. Niềm vui vỡ òa, nỗi đau lắng đọng. Bởi đúng như nhiều người từng nói, có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấu hiểu ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì cuộc sống hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến 30 năm.

Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau hơn 30 năm đất nước đổi mới trong bối cảnh đất nước hoà bình, xã hội ổn định.

Tinh thần chiến thắng 30/4 luôn cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ý chí quyết chiến quyết thắng luôn thôi thúc mỗi người dân đất Việt không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển... Để không ngừng phát huy tính sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế để vượt lên khó khăn, ổn định nền kinh tế cho cả hôm nay và mai sau.

Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn