Vấn vương cơm nhà
(Dân trí) - ... và tôi cho rằng người phụ nữ là những người xây tổ ấm, mà viên gạch là những bữa cơm nhà rất đỗi yêu thương.
Cơm nhà quen thuộc đến mức chúng ta đôi khi muốn được ra ngoài đổi vị. Cái mùi hành, tỏi ngoài quán hình như thơm hơn ở nhà. Nhất là trong các quán đông đúc, những lời thúc giục của khách hàng, dáng vẻ tất bật của bà chủ quán làm ta vui vui mà ăn ngon miệng hơn.
Nhưng cơm nhà vẫn bền bỉ đi bên ta, trong những buồn vui cuộc đời, như người mẹ bao dung, như người vợ thủy chung. Nhân đây tôi muốn kể câu chuyện về một người đàn ông trăng hoa dối vợ đi tìm kiếm người tình. Lúc khốn khó, người tình kia bỏ đi, người đàn ông trở về với căn nhà của mình, bình yên bên nồi cơm nghi ngút khói, trong tiếng cười giòn của trẻ thơ, trong cái nhìn âu yếm của vợ hiền. Hạnh phúc đôi khi chỉ giản dị thế thôi.
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)
Cơm nhà không cầu kỳ như cơm nhà hàng. Không xô bồ như cơm quán trọ. Ăn bữa cơm nhà vừa được no cái bụng, vừa được thưởng thức cái tinh tế mà người phụ nữ đã biết kết hợp tinh hoa từ những món ăn. Bữa cơm nhà giản dị, thanh tao mà ấm áp, đủ đầy.
Người vợ, người mẹ hay cô con gái là đầu bếp chính của bữa cơm nhà, khéo léo ước lượng nấu cho vừa đủ. Hôm nào có đi chợ mua con cá về nấu bát canh chua cũng hiểu thêm sức ăn tăng, xúc thêm một ít gạo, không thiếu, không thừa. Chuẩn bị bữa cơm nhà cũng nhiều nỗi gian truân, đi chợ cứ phải đắn đo mua thức nào để mọi người cùng ngon miệng. Mùa hè có canh cua, cà muối, cái vị mát mát, thanh thanh xua đi cảm giác nóng nực, oi nồng. Mùa đông củ quả hầm xương làm ấm lên cái rét mướt ngoài trời…
Nhưng cái quý nhất của cơm nhà là ở tình cảm. Tôi đi học xa mới thấm thía vì sao bố thường về ăn cơm với mẹ. Dù đường xa, dù giá rét, mưa giông hay nắng hè chói chang. Mỗi miếng cơm có ánh mắt âu yếm của người bạn đời làm cho cái cực nhọc của cuộc đời tan biến hết. Vì thế dân gian có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu – chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Cơm nhà trở thành thước đo sự thuận hòa trong gia đình. Vợ chồng giận nhau, bữa cơm nặng nề rã rời; kẻ chan canh lùa vội cho xong bữa, người ngồi nhặt từng hạt cơm, nuốt không trôi. Ai cũng tự hỏi cũng hạt gạo ấy nấu lên, sao thường ngày dẻo thơm mà hôm nay đắng ngắt?
Cơm nhà làm cho người yêu nhau muốn có gia đình nhỏ, kẻ độc thân muốn có đôi. Người mê mải công danh, sự nghiệp quên mất gia đình, một buổi chiều nào đó đi qua ngôi nhà sáng đèn, cả gia đình người ta quay quần bên mâm cơm mà tủi cho mình, thèm một mái ấm.
Cơm nhà làm cho người đi xa cứ phải nhớ thương, không gặp món ăn quen thuộc cũng nhớ đã đành, gặp lại càng chạnh lòng hơn. Cũng món ăn ấy, sao ăn cùng người thân lại ngon lành đến thế; cũng món ăn ấy, sao chẳng có ánh mắt dịu dàng trao nhau? Người ở nhà mỗi bữa cơm lại nhớ kẻ đi xa, nhiều nhà có lệ là chiều về cả nhà đợi nhau đông đủ mới ăn. Có gia đình, khi một người khuất núi, mỗi bữa cơm vẫn mang them một đôi đũa, một cái bát để bớt đi phần trống trải, người ra đi cũng được ấm lòng nơi chín suối.
Cuộc sống hiện đại tất bật ồn ào. Cơm quán, cơm hàng chiếm chỗ những bữa cơm nhà. Thiếu bữa cơm nhà đồng nghĩa với việc thiếu đi khoảnh khắc sum họp đầm ấm, mỗi thành viên trong gia đình thành những cá thể cô đơn không được sẻ chia. Và tôi cho rằng người phụ nữ là những người xây tổ ấm, mà viên gạch là những bữa cơm nhà rất đỗi yêu thương.
Nhưng tôi cứ nghĩ về một người chồng mải mê bè bạn bên ngoài, đêm về muộn gặp vợ lặng lẽ đợi bên mâm cơm đậy lồng bàn nguyên vẹn lẽ nào dửng dưng? Và tôi cho rằng người phụ nữ là những người xây tổ ấm, mà viên gạch là những bữa cơm nhà rất đỗi yêu thương.
Ngọc Hân