Bạn đọc viết

Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng lẽ bó tay?

Thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Chưa bao giờ cái ăn cái uống lại mang đến quá nhiều nỗi lo, làm nóng nghị trường Quốc hội như thời gian qua, “Rùng mình”, “run tay”, “ớn lạnh”, “kinh hoàng” “hãi hùng”…đó là những cụm từ biểu cảm xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều khi nói về vấn nạn thực phẩm bẩn, khiến nhiều người bất lực đặt câu hỏi ăn gì để không chết?

Theo diễn đàn “Mạng lưới nghiên cứu - đào tạo quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương” về sức khỏe tâm thần vừa tổ chức tại Hà Nội có gần 15% dân số Việt Nam mắc các chứng rối loạn tâm thần, trong đó không phải không có những tác động nhất định từ dư lượng hóa chất độc hại trong thực phẩm bẩn.

Gà thải loại nhúng hóa chất để biến thành gà đồi vàng óng ánh bắt mắt người mua, thịt heo thối được “phù phép” thành thịt bò tươi rói, lòng lợn, chân gà thối được hô biến thành “đặc sản” tại các nhà hàng…tất cả được xử lý và bảo quản với hóa chất dùng để…ướp xác! Chuối ngâm thuốc diệt cỏ, những chiếc xúc xích thơm lừng được làm từ da gà và nội tạng bẩn… Bánh kẹo, mứt, mực khô, bò khô…phục vụ tết người chưa ăn nhưng ruồi nhặng đã nhấm nháp trước, mì tôm gây sỏi thận, nước mắm từ hóa chất công nghiệp, cà phê “tinh chất”…

Đó là những gì đem lại sự hoang mang tột cùng cho dư luận trước vấn đề thực phẩm bẩn tràn lan, đáng lo ngại hơn nhu cầu tăng cao trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân sẽ là cơ hội ngàn vàng để thực phẩm bẩn tiếp tục lên ngôi.

Cơ quan chức năng hầu như bất lực, người dân bị bủa vây không lối thoát, ăn gì để không…chết? Đây là câu hỏi khó trả lời nhất vào lúc này bởi đâu đâu người ta cũng sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận. Có lẽ ngôn từ đã thực sự bất lực trước nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau, đúng là“con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế” như nhận xét gãy gọn của Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh.

Thực phẩm bẩn đã trở thành đại nạn trong toàn quốc, nhiều người nghĩ rằng có thể bảo vệ bản thân và gia đình bằng việc dùng thực phẩm ngoại nhập, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy vì việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay chẳng khác nào… mò kim đáy biển!

Bao bì nhãn mác có thể gắn mác ngoại nhưng “ruột” trời ơi đất hỡi, như mới đây chương trình chuyển động 24h/VTV1 phát phóng sự về “đường đi” của những chai rượu ngoại từ khi được uống hết đến khi được tận dụng nhãn ngoại để ngụy trang cho hàng kém chất lượng.

Hơn nữa, có phải 90 triệu người dân Việt Nam ai cũng có điều kiện để chi ra một khoản lớn hơn bình thường cho việc sử dụng thực phẩm ngoại, hàng vạn gia đình ở nông thôn miền núi vẫn còn mù tịt thông tin về thực phẩm bẩn, hàng triệu người nghèo lo miếng ăn chưa đủ no thì làm sao nghĩ đến chuyện sạch và bẩn!?

Thử hỏi mấy ai có thể tự cung tự cấp thực phẩm cho cả gia đình người mà không cần đến chợ búa? Có thể trồng được luống rau, nuôi được con gà nhưng chừng đó là chưa đủ cho nhu cầu ngày càng cao của con người, không thể nào có chu trình khép kín trong chuỗi cung cấp thực phẩm vốn là công việc của thị trường và xa hơn không thể nào đi ngược lại những quy luật của kinh tế thị trường.

Vậy phải làm sao để được dùng những thực phẩm an toàn? Liệu có còn cách nào khác hơn là trông chờ vào các ngành chức năng và lương tâm đạo đức của người kinh doanh, khi trên đất nước này có hàng ngàn ngàn hàng vạn khu chợ từ chợ đầu mối đến chợ tỉnh, chợ huyện, chợ phường, xã, chợ lề đường…cơ quan chức năng luôn kêu “mỏng” lực lượng trong khi cả nước đau đầu với bài toán thừa biên chế!?

Vấn nạn nhức nhối này đã được đại biểu Trần Ngọc Vinh chất vấn “Phải chăng do chính sách chưa đủ răn đe hay do sự thiếu quyết tâm của Bộ? Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành nông nghiệp trước cử tri cả nước như thế nào khi hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc”.

Lương tâm, đạo đức của người kinh doanh là những khái niệm có vẻ xa xỉ trong thời buổi ai cũng đua chen bất chấp mọi thứ để kiếm tiền, đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng, một cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn có thể chịu phạt hoặc chung chi vài chục triệu đồng rồi vẫn bình thản kinh doanh vì siêu lợi nhuận, bởi có cầu ắt hẳn có cung.

Hậu quả nhãn tiền đã quá rõ ràng khi mỗi năm trên mảnh đất hình chữ S có 150.000 người mắc ung thư và phân nữa số đó phải từ giã cõi đời, ngày càng có nhiều hơn những ngôi “làng ung thư”, ngộ độc thực phẩm từ chóng mặt, nôn mửa cho đến tử vong nay không còn là những trường hợp đơn lẻ, cá biệt mà đã mang tính đồng loạt, từ vài chục cho đến vài trăm người từ quy mô từng gia đình cho đến cả trường học và xí nghiệp.

Nguy hơn, thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi “nhắm mắt đưa chân”.

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ kệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều, mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!

Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa.

Ths Trương Khắc Trà