Văn hóa ứng xử qua chuyện đồng phục học sinh
(Dân trí) - Chẳng phải bàn cãi gì về mục đích tốt đẹp của việc học sinh mặc đồng phục bởi đó là một nét văn hóa học đường. Mà đã là văn hóa thì chỉ có đẹp mà thôi. Điều đáng nói ở đây là cách mà người ta thực hiện nét văn hóa học đường ấy.
Chuyện đồng phục học sinh không phải bây giờ mới có. Nét văn hóa này xuất hiện ở các trường học từ thời Pháp thuộc. Nữ sinh trường Đồng Khánh ở Huế với đồng phục áo dài trắng và nón bài thơ; nữ sinh trường Gia Long ở Sài Gòn với đồng phục áo dài tím, sau chuyển thành áo dài trắng với hình bông mai vàng trên ngực áo…
Chẳng phải bàn cãi gì về mục đích tốt đẹp của việc học sinh mặc đồng phục bởi đó là một nét văn hóa học đường. Mà đã là văn hóa thì chỉ có đẹp mà thôi. Điều đáng nói ở đây là cái cách mà người ta thực hiện nét văn hóa học đường ấy. Máy móc, cứng nhắc hay vì bệnh thành tích, vì cái danh hão hoặc buồn hơn vì chút lợi ích phết phẩy nào đó mà người ta đã và đang làm cho “đồng phục” học sinh bị biến tướng.
Tại sao phải ép các cháu may đồng phục tập thể toàn trường với giá bằng cả tạ thóc một bộ? Tại sao quần cứ phải màu xanh còn màu đen thì không được dù cả hai đều là màu tối, để rồi có cảnh học sinh bị đuổi ra khỏi lớp, buộc phụ huynh phải bỏ tiền ra may quần khác?
Không chỉ đồng phục quần áo, nhiều trường còn chủ trương “đồng phục” cả giày dép. Có trường bắt học sinh phải mang giày bata, không được đi dép nhựa. Để thực hiện cho bằng được cái chủ trương đó của lãnh đạo, thầy giáo buộc phải đi làm cái việc phản cảm, phản giáo dục là ngồi canh cổng, dao kéo trong tay, lăm lăm cắt dép học trò. Còn phía sau lưng thầy, trước sảnh chính của trường, vẫn tươi rói khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” (!?)
Chưa dừng lại đó, chuyện “đồng phục” tiếp tục lan sang sách vở, giấy bút. Sách giáo khoa bây giờ in đẹp, bìa sách được họa sĩ vẽ hình, trình bày rất nghệ thuật. Bìa vở học sinh cũng được các công ty, doanh nghiệp chú trọng vẽ hình cho thật đẹp, lại còn in lồng cả cái nhãn vở vào nữa. Thế mà chẳng hiểu sao từ bao năm nay, các trường cứ bắt học sinh phải lấy giấy màu bọc sách vở theo qui định cho từng môn. Bao nhiêu công sức, tiền bạc đầu tư cho cái bìa sách, bìa vở phút chốc đổ trôi sông trôi biển. Cái đẹp không thắng nổi lối tư duy… xám xịt hiện hình bằng những vỏ bọc màu xanh xám hay tím ngắt.
Chuyện đồng phục còn bay xa, vươn cao khi nó len vào cả các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Nó cũng được qui định ngặt nghèo chẳng khác gì ở bậc học phổ thông, thậm chí có trường còn ép sinh viên khi nhập học phải đóng tiền để may đồng phục tập thể toàn khóa. Khổ thân những sinh viên nghèo, lo học phí, tiền trọ, tiền ăn đã đủ mệt giờ lại phải oằn lưng gánh thêm khoản tiền bất đắc dĩ! Nhưng qui định của trường đã ghi rõ trên giấy báo nhập học, ai dám từ chối?
Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có trang phục mang đậm nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Hiện nay, ở bậc học phổ thông cũng như đại học, tỉ lệ học sinh, sinh viên dân tộc ít người ngày càng tăng. thế nhưng trong suốt năm học rất hiếm khi được thấy dù chỉ một lần, các em mặc trang phục của dân tộc mình đến lớp.
Trong lúc chúng ta đang nỗ lực xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì “tư duy” đồng phục cùng với tâm lí sính ngoại đang cản trở nỗ lực ấy, làm mất dần sự đa dạng trong bản sắc văn hóa mặc của các dân tộc Việt Nam.
Mặc trước hết là ứng xử với môi trường, phải phù hợp với điều kiện thời tiết, địa lí. Nước ta ở xứ nóng, mưa nắng, nóng lạnh thất thường cho nên không thể máy móc bắt học sinh quanh năm suốt tháng chỉ với vài bộ đồng phục để thay đổi.
Áo dài chẳng hạn, tuy có nét đẹp riêng và đậm đà bản sắc dân tộc nhưng không phải môi trường nào cũng thích hợp. Trời nắng nóng, mưa gió, mùa lạnh, làm việc không phải trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ, chị em phụ nữ đến ngày kị trong tháng… thì sao có thể thoải mái khi “diện” áo dài được?
Mặc không chỉ để cho mình mà còn để cho người. Mặc đẹp thể hiện phong cách ứng xử văn hóa. Nếu quanh năm chỉ một màu đồng phục, vô tình chúng ta đang làm nghèo đi nhu cầu thưởng thức và năng lực sáng tạo Cái Đẹp của học sinh, phản lại mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện.
Đồng phục chỉ đẹp khi nó được nhìn nhận, đề cao ở góc độ văn hóa, thẩm mĩ và sự tiện dụng như đã nói ở trên. Tuy nhiên, những năm gần đây, các yếu tố ấy dường như đang bị xem nhẹ. Bệnh hình thức, thói háo danh và cả những toan tính vật chất đang làm biến tướng chuyện đồng phục. Từ một nét đẹp văn hóa đáng lẽ cần được phát huy thì người ta lại làm cho nó mất cảm tình, trở thành nỗi lo của hàng triệu học sinh, phụ huynh trong cả nước mỗi khi năm học mới bắt đầu.
Rất may là ngày 9/9 vừa rồi, trước sức ép của dư luận, Bộ GDĐT đã có văn bản về việc chỉ đạo và triển khai việc mặc đồng phục của học sinh. Theo đó, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hằng ngày đến trường. Mẫu đồng phục phải đơn giản, ổn định, phù hợp lứa tuổi và khả năng tài chính của phụ huynh. Đó là một chỉ đạo kịp thời để ngành giáo dục tự điều chỉnh mình, không chỉ riêng trong chuyện đồng phục. Để những câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”... tươi thắm mãi niềm tin, tình yêu thương của thầy trò cũng như của gia đình và xã hội.
Nguyễn Duy Xuân