Văn hóa: Kháng thể tinh thần cần thiết!
Trong bối cảnh hiện nay, những nghĩa cử cao đẹp, cách ứng xử văn hóa… cũng chính là những kháng thể tinh thần cần thiết góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.
Những liều thuốc độc… thời Covid-19
Những ngày qua, khi cuộc chiến chống lại vi rút SARS-CoV-2 bước vào giai đoạn 2, đầy cam go và thử thách, cả hệ thống chính trị, nhân dân gồng mình chống giặc dịch, vậy mà vẫn không ít cá nhân thờ ơ đứng ngoài chiến tuyến, thậm chí “ném đá” hay gây khó khăn cho công tác dập dịch.
Trước tiên phải kể đến những kẻ “máu lạnh”, thiếu hiểu biết về đại dịch nhưng tự cho mình có quyền bình luận, comment hay đưa bất kỳ thông tin thiếu hiểu biết, thiếu kiểm chứng, thậm chí là giả mạo về đại dịch nhằm gây hoang mang và lung lay niềm tin của nhân dân với công tác phòng, chống dịch. Đáng tiếc, trong số ấy có cả những nghệ sĩ, những người nổi tiếng có lượng fan hâm mộ hùng hậu cũng lan truyền những thông tin độc hại này.
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng chống dịch đã đạt được những kết quả tích cực, được Tổ chức y tế thế giới đánh giá cao, trong đó hình ảnh những chiến sĩ áo trắng đang ở tuyến đầu ngày đêm miệt mài giành giật sự sống cho từng bệnh nhân đã để lại sự xúc động trong lòng nhiều người dân. Tiếc thay, có những công dân lại hành động thiếu suy nghĩ, những hành động nguy hiểm chẳng khác gì những liều thuốc độc gieo rắc những cái nhìn không đúng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Cùng với loại vi rút hành xử thiếu văn hóa đang lan tràn trên mạng, còn có loại vi rút kỳ thị, định kiến cũng đang bào mòn và làm kiệt sức nhiều bệnh nhân cũng như người nghi nhiễm.
Khởi phát từ Vũ Hán,Trung Quốc, chỉ qua vài tháng, vi rút SARS-CoV-2 đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Hoang mang trước đại dịch nên nhiều người có thái độ kì thị những người nhiễm bệnh và cả những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh dù họ có kết quả xét nghiệm âm tính. Chính thái độ kỳ thị này đã khiến cho một số người ngại công khai danh tính khi đã trót tiếp xúc với nguồn bệnh, gây khó khăn cho công tác khoanh vùng, dập dịch.…
Vẫn biết rằng, đối với những cá nhân vô ý thức cố tình trốn tránh cách ly như có vị giám đốc nọ thuê người cách ly giả, hay bệnh nhân số 17 gian dối trong khai báo y tế dẫn tới hiểm họa cho nhiều người rất cần lên án, nhưng những hành động ném đá quá cay nghiệt của không ít cộng đồng mạng khiến cho bệnh nhân rơi vào khủng hoảng hay stress cũng cần phải dừng lại. Những lời góp ý nhân văn, đúng mực… đôi lúc lại là những kháng thể quan trọng nhất để giúp bệnh nhân mau chóng bình phục.
….Và những kháng thể tinh thần
Truyền thống văn hóa, lối sống nhân văn “Thương người như thể thương thân”, “Tương thân, tương ái” của dân tộc đã được lưu truyền và lan tỏa qua bao thế hệ người Việt. Trong đại dịch Covid-19, truyền thống và lối sống văn hóa ấy lại càng được thể hiện rõ nét và có lẽ đây cũng chính là kháng thể tinh thần quan trọng góp phần giúp chúng ta chiến thắng trong trận mở màn và tự tin trong trận chiến tiếp theo.
Cho tới nay, cuộc chiến chống lại vi rút SARS-CoV-2 là cuộc chiến của nhân loại toàn cầu. Trong cuộc chiến đầy cam go này, mỗi nước, mỗi quốc gia… đều có những bước đi, những chiến thuật riêng để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Là một trong những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng cho đến nay, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào vì đã và đang kiểm soát được tình hình, thậm chí đã toàn thắng trong trận mở màn và đầy tự tin để chiến đấu trong trận chiến tiếp theo.
Trong trận chiến thứ 2 khi dịch đã lan rộng ra hơn 100 nước, phức tạp hơn khi phát hiện những ca nhiễm mới nhưng với tinh thần nhân văn, thấm đẫm truyền thống văn hóa của dân tộc “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị, xã hội và toàn dân chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, chúng ta có đầy đủ niềm tin chiến thắng.
Theo Kim Thoa
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam