Vận dụng nghệ thuật dùng người của Bác Hồ trong việc lựa chọn nhân sự Đại hội XII của Đảng

Vận dụng nghệ thuật dùng người của Bác Hồ trong việc lựa chọn nhân sự Đại hội XII của Đảng

(ĐCSVN) –  Tâm huyết và thẳng thắn, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã trao đổi với phóng viên những quan điểm của mình về công tác chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Đảng cần sáng suốt để lựa chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài và “dĩ công vi thượng”.

 

Vận dụng nghệ thuật dùng người của Bác Hồ trong việc lựa chọn nhân sự Đại hội XII của Đảng - 1

GS.TS Hoàng Chí Bảo. (Ảnh: HH)

Phóng viên (PV): Thưa GS.TS, để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII sắp tới, Đảng ta đã đưa ra những tiêu chuẩn, yêu cầu rất cao đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông đánh giá như thế nào về các tiêu chuẩn này?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Đảng ta đã xác định rất rõ tiêu chuẩn của Ủy viên Trung ương, tiêu chuẩn của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tức là đưa ra một hệ thống các giá trị, thậm chí cả các nguyên tắc lựa chọn và chúng ta nói rất rõ là: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.

Đây là thái độ rất dũng cảm, rất kiên quyết và chỉ như vậy thì mới được lòng dân. Bởi vì, dân cần những người lãnh đạo của Đảng thực hiện đúng như Bác Hồ đã nêu là “dĩ công vi thượng”, đặt việc công, việc Đảng lên trên hết, dũng cảm đứng ngoài vòng danh lợi, không bon chen chức quyền, không vì danh, vì lợi mà vì trách nhiệm, trọng trách với nhân dân.

Nếu thực hiện được đúng tiêu chuẩn như thế thì chúng ta mới có được một Ban Lãnh đạo của Đảng xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

PV: Thưa GS. TS, để chuẩn bị nhân sự cho khóa mới, Đảng ta cũng đưa ra các tiêu chuẩn về cơ cấu, độ tuổi đảm bảo tính liên tục và kế thừa. Theo ông, chúng ta cần lưu ý điều gì về vấn đề này ?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Tính liên tục trong đội ngũ cán bộ là một yêu cầu thực tế và tránh sự hẫng hụt giữa các thế hệ cán bộ là một điều lo của Đảng. Để khắc phục được điều đó, theo tôi nghĩ là vấn đề vận dụng các tiêu chuẩn cụ thể trong việc sắp đặt cán bộ là cần thiết, ví dụ các yếu tố về tuổi, giới, cơ cấu… là rất cần thiết, nhưng làm sao phải xuất phát từ công việc chứ không phải là xuất phát từ con người. Xuất phát từ nhu cầu công việc mà tìm người cho đúng.

Trong lãnh đạo cần cả những người trong độ tuổi già dặn, chín chắn, có kinh nghiệm, nhưng cũng rất cần có một thế hệ những cán bộ trẻ để tiếp tục bồi dưỡng để phát triển và sự thay thế giữa các thế hệ là một quy luật rất tự nhiên. Chúng ta lại là một xã hội rất chú trọng đến con người, trong đó đặc biệt chú trọng đến bình đẳng của phụ nữ, tiến bộ của phụ nữ, cho nên trong lãnh đạo có một cơ cấu tỷ lệ nhất định về cán bộ nữ là một điều cần thiết. Nhưng làm thế nào để chọn đúng người chứ không phải hình thức, phải lấy tiêu chuẩn làm hàng đầu và xuất phát từ công việc làm hàng đầu chứ không phải xuất phát từ tiêu chí hình thức.

PV: Thưa GS. TS, nhiều ý kiến lo ngại rằng, lần này có nhiều tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ rất khó, yêu cầu cao. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Sự lo ngại này phản ánh một thực tế bởi vì nhận thức là điều kiện thôi, còn thực hành mới là cái mục đích để đạt kết quả. Cho nên, từ một quan niệm đúng mà có thực hiện được hay không còn trải qua rất nhiều các công đoạn khác, từ cơ chế như thế nào, từ phát huy dân chủ để lựa chọn đúng người có tài, đức ra sao. Quan trọng nhất là lần này, trong việc cấu tạo Ban Lãnh đạo mới của Đảng khóa XII lắng nghe đến mức cao nhất tiếng nói của người dân.

Tiêu chí “vì dân chứ không phải vì mình” là tiêu chí quan trọng nhất trong việc lựa chọn cán bộ.

PV: Là người nghiên cứu rất sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn cán bộ, theo GS.TS, Đảng ta có nên áp dụng nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn nhân sự cấp cao trong Đại hội sắp tới?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Chúng ta đều biết Bác là người sáng lập ra Đảng và Nhà nước. Bác cũng là người đào tạo cán bộ và lựa chọn cán bộ với một tầm nhìn chiến lược. Hơn nữa, bản thân Bác lại là người thực hành gương mẫu trong suốt cả cuộc đời mình, cho nên tại sao Bác lựa chọn được đội ngũ cán bộ thời ấy đủ đức, đủ tài, có tín nhiệm đối với dân như vậy.

Những bài học dùng người của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị mà Đảng rất cần phải vận dụng, tham khảo trong điều kiện mới hiện nay.

Trước hết là phải chọn người tài đức mà đức là gốc. Tài là rất quan trọng, đức phải gắn với tài. Đây là đạo đức để hành động chứ không phải là đạo đức của lời nói. Cho nên là người có tài, có đức để ra giúp nước thì phải thể hiện được rất rõ qua hiệu quả công việc, qua kết quả làm việc và phải theo phương châm là một con người hành động nói ít, làm nhiều, giữ được lời hứa, chữ tín; đã nói thì phải làm, lời nói, việc làm đi đôi với nhau. Ngay cả lời hứa thì quyết tâm hứa và thực hiện bằng được. Bác nói là: “Việc gì có lợi cho dân thì phải quyết làm cho bằng được, việc gì có hại đến dân thì dù một cái hại nhỏ cũng phải quyết tránh cho bằng được”. Theo tôi nghĩ, học Bác ở cái nhất quán đó.

Thứ hai, muốn dùng được người đúng, chọn đúng người, đúng tài, tức là đặt đúng người, đúng chỗ thì phải có nhân cách dân chủ. Dân chủ sẽ tạo ra cho chúng ta việc tìm đúng người cần đến. Dân chủ tức là tôn trọng giá trị con người. Dân chủ tức là lắng nghe nhiều tiếng nói khác nhau. Dân chủ tức là không áp đặt người khác, coi mình là chân lý tuyệt đối. Thái độ dân chủ như vậy sẽ giúp cho trong Đảng, trong dân sẽ cùng nhau thảo luận, tìm tòi chân lý và tìm được sản phẩm chúng ta đang cần nhất, tức là những người có tài, có đức để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân hiện nay.

PV: Về phía cá nhân, GS.TS có góp ý gì cho Đảng trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ tới?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Nhân sự Đại hội là điều toàn Đảng, toàn dân mong đợi. Theo tôi nghĩ, trước hết, chúng ta đang sống trong một thời đại thông tin mở rộng, dân chủ phát triển mà Đảng ta đã ghi rõ trong hệ mục tiêu đổi mới là dân chủ là hàng đầu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng ta đã thừa nhận dân chủ là mục tiêu, động lực phát triển thì bây giờ phải tận dụng tối đa sức mạnh của dân chủ trong việc lựa chọn con người. Lắng nghe tiếng nói trong Đảng, lắng nghe tiếng nói trong dân và từ tất cả những tiếng nói đó thì sẽ giúp cho Đảng có đủ chất liệu, đủ thông tin để lựa chọn những người xứng đáng nhất vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng sắp tới.

PV: Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII, Đảng ta đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, luân chuyển cán bộ, GS.TS đánh giá về bước chuẩn bị này như thế nào?

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Đại hội Đảng lần thứ XII như một cuộc chuyển tiếp các thế hệ cho nên để chuẩn bị cho Đại hội này, Đảng ta đã chuẩn bị rất công phu.

Công phu thứ nhất là rất chú trọng lý luận.  Để chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ mới, Đảng ta đã mở tới 6 lớp đào tạo lý luận đặc biệt dành cho những người dự kiến đưa vào các chức danh lãnh đạo ở cả Trung ương và địa phương. Đó là điều rất cần thiết bởi trong điều kiện hiện nay, nếu không có lý luận, không có tầm nhìn tư duy chiến lược thì không thể giải quyết được các vấn đề nặng nề đặt ra cho công việc lãnh đạo, quản lý đất nước.

Điểm thứ hai là cán bộ phải được rèn luyện trong thực tiễn, cho nên Đảng có chủ trương luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương, từ địa phương lên Trung ương để tạo ra môi trường thực tiễn cho cán bộ thử thách rèn luyện, bên cạnh đó có tiếng nói kiểm tra, giám sát của nhân dân nữa thì đó là điều kiện để cho cán bộ trưởng thành. Và đã trưởng thành thì căn cứ vào tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, những đồng chí nào đạt được yêu cầu thì sẽ được bố trí vào các công việc, tất nhiên là thông qua việc bầu cử trong Đảng một cách dân chủ.

Ở đây, có điều gì cần rút kinh nghiệm, thì theo tôi, phải rất chú trọng vào cái gọi là tính thiết thực, bởi vì những vấn đề lý luận thật ra bản chất sâu xa nằm ngay trong đời sống, cho nên làm sao mà cung cấp tri thức lý luận cho đội ngũ cán bộ tầm chiến lược vừa phải là lý luận cơ bản để họ có một tầm nhìn hệ thống, nhưng mà đồng thời họ phải đủ sức dùng lý luận như một phương pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Cho nên, tính thiết thực trong việc bồi dưỡng nâng cao lý luận cho cán bộ là rất quan trọng.

Điểm thứ ba nữa là phải rất chú trọng, tránh cái gọi là hình thức. Thí dụ, luân chuyển cán bộ là việc rất cần thiết để tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ trưởng thành, nhưng mà nếu chúng ta chỉ đạo thực hiện mà không khéo, không sát thì lại trở thành một vấn đề hình thức. Và người ta không coi việc luân chuyển là một nhu cầu để rèn luyện, trưởng thành mà có khi lại là một phương tiện hay là một hình thức để thể thức hóa, hợp thức hóa cái gọi là đánh giá cán bộ về mặt vốn sống thực tiễn, thì cái đó là rất hình thức. Đã đi xuống địa phương là phải toàn tâm, toàn ý, phải để tâm vào công việc, giúp địa phương phát triển bằng đóng góp, sáng tạo của mình chứ không phải chỉ đi cho hết ngày, hết tháng, hết thời gian rồi lại trở về các vị trí như đã được dự kiến, sắp đặt. Vấn đề này nó dễ mang tính hình thức mà chúng ta cần phải thực hiện quyết liệt và nghiêm túc.

Điểm thứ tư là phải đồng bộ. Cùng với việc chú trọng lý luận, cùng với việc đưa cán bộ đi thực tiễn thì phải xây dựng một hệ thống chính sách: Chính sách dùng người; chính sách đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và chính sách đối xử với người hiền tài. Ta đang rất cần những người tài giỏi cho việc giúp dân, giúp nước thì những vấn đề như thế phải đồng bộ thì mới có thể vừa tạo ra được con người tốt, vừa có thể thực hiện được hành động tập thể, đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống nhân dân.

Với những bước chuẩn bị thận trọng, công phu như trên, tôi có đủ căn cứ để tin cậy, kỳ vọng vào sự lựa chọn sáng suốt của Đại hội để chọn những nhà lãnh đạo xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, của nhân dân, đưa dân tộc chúng ta vượt qua những khó khăn, đạt đến sự phát triển ngang tầm thế giới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Hoàng Chí Bảo!

Hiền Hòa (thực hiện)

(Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)