Bạn đọc viết:
Vài lời tâm bạch về Muaban24
(Dân trí) - Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi lời cảm ơn đến báo Dân trí! Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn cùng các anh em trong tòa soạn về những nỗ lực viết bài, đưa tin vạch trần các mánh khóe lừa đảo của MB24 trong thời gian qua.
Vậy theo tôi nghĩ, bản chất của bán hàng đa cấp không xấu. Nhưng các đối tượng xấu đã lợi dụng sự kém hiểu biết về bán hàng đa cấp, đồng thời dùng những lý lẽ lừa gạt để làm biến tướng, sai lệch bản chất của bán hàng đa cấp dưới những dạng như: nộp tiền để trở thành thành viên rồi mới được mua hàng giá rẻ, hay lôi kéo thật nhiều người tham gia mạng lưới mà lại không hề tiêu thụ sản phẩm, hoặc lợi nhuận có được phân chia theo các cấp từ thấp đến cao… Những kiểu kinh doanh như vậy, tôi gọi là “bán hàng đa cấp bị biến tướng”.
Thưa các bạn! Cách đây 10 năm khi tôi chân ướt chân ráo tới Hà Nội (HN) học. Vì gia đình khó khăn nên tôi đến HN với tâm niệm sẽ làm bất cứ việc gì có thể từ rửa bát thuê đến bốc vác… cho dù vất vả đến đâu và có thế nào đi chăng nữa, miễn là lương thiện và để có tiền ăn học. Lúc đó tôi có gặp một anh bạn khóa trước rủ đi tìm hiểu một công việc mà theo anh ta nói là “rất nhàn nhã, không bị gò bó thời gian, có thể làm theo năng lực thực sự của mình và đặc biệt có thu nhập rất khá”.
Thế rồi tôi theo anh đến một công ty (tôi nhớ không nhầm thì nó ở tầng 7 của một toà nhà trên đường Láng Hạ). Tới đó tôi được một anh ở công ty giới thiệu về công việc, thú thực là nghe cả mấy tiếng đồng hồ tôi vẫn thấy thật mơ hồ về công việc anh ta giới thiệu, có lẽ cũng tôi là dân học toán, suy nghĩ mọi việc khá logic và cầu toàn. Đến khi ra về, suy nghĩ kỹ những điều anh ta nói, tôi hiểu cái công việc mà anh ấy muốn tôi tham gia chỉ là mua hàng để trở thành thành viên và giới thiệu người mới tham gia để được hưởng hoa hồng. Vì xuất thân là người thuần nông nên tôi hiểu mình không thể làm được việc đó và đã từ chối.
Tôi đã lựa chọn việc đi dạy thêm, làm thêm ở chợ đêm để có tiền trang trải cho việc học hành. Có lẽ quá quen với sự vất vả mà tôi quên đi ước mơ “làm giàu” anh ta đã thổi vào đầu tôi hôm đó. Thời gian trôi đi, tôi đã học năm thứ 3 đại học. Vào một hôm đẹp trời, có cô bạn học cùng cấp 3 của tôi ghé thăm. Sau những câu chuyện hàn huyên vui vẻ, cô bạn có nhã ý mời tôi đi thăm quan công ty cô ấy làm ở Cầu Diễn, kèm theo một lời đề nghị tư vấn xem có nên tham gia vào công ty đó không? Vốn thật thà và nhiệt tình với bạn bè nên tôi nhận lời ngay và rất nhiệt huyết với suy nghĩ: Bạn tin tưởng mình mới có lời đề nghị như vậy.
Khi cô bạn đó đưa tôi đến công ty ở Cầu Diễn tham dự một hội thảo, cô ấy đưa cho tôi tấm thẻ ra vào cửa và dặn rằng: “Ai hỏi, bạn cứ bảo là mình giới thiệu”. Tôi nhớ chính xác công ty đó có tên là “Thiên Ngọc Minh Uy” và nghe nói công ty mới đổi tên (hình như tên trước kia là “Sinh Lợi”).
Thực lòng ngay khi đến cửa tôi đã hiểu bản chất của công ty không khác mấy công ty lần trước tôi đến, nhưng vì muốn giữ thể diện cho bạn cũng như không muốn làm cho tình cảm bạn bè bị xao động, tôi vẫn vào nghe. Đúng như vậy, những điều tôi được nghe không khác gì những điều tôi đã nghe lần trước, họ cũng có một bài giảng về “học cách làm giàu” vô cũng "xuất sắc". Chúng tôi đã phải nói với nhau rằng: chị chuyên viên này có nghiệp vụ sư phạm thật tuyệt vời, nếu không muốn nói là không chê vào đâu được, thật đáng để học hỏi.
Trong bài giảng của mình, chị ấy đưa ra hàng loạt luận điểm về bán hàng và phân phối sản phẩm Nào là để sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng phải trải qua bao nhiêu công đoạn như: qua các kênh phân phối, qua các chiến lược quảng cáo, chi phí vận chuyển và chi phí kho bãi bốc xếp …. Làm cho giá thành đến tay người tiêu dùng đắt gấp nhiều lần giá gốc. Và vì thế khi tham gia vào công ty, trở thành thành viên bạn sẽ được mua hàng với giá rẻ. Đặc biệt, đồng thời bạn cũng trở thành nhà bán hàng luôn, khi đó bạn sẽ được hưởng trực tiếp lợi nhuận từ những sản phẩm được bán ra.
Có thể nói bài diễn thuyết vô cũng hay và hấp dẫn. Để tăng thêm tính thuyết phục cho bài diễn thuyết đó, chị ấy còn đưa ra những con số cùng những “tấm gương năng động tiêu biểu với thu nhập vài trục triệu, hàng trăm triệu một tháng". Rồi đến những người có vị trí này, vị trí kia trong xã hội cũng được đưa ra giới thiệu là “đang tham gia và đã có được những kết quả rất tuyệt vời”.
Đến đây tôi thắc mắc là: Vậy số tiền tôi được đó thì lấy ở đâu ra mà công ty trả cho tôi và những người khác trên cấp của tôi? thì người ta trả lời: Đó là phần lợi nhuận từ việc bán hàng mà không qua trung gian. Thật là logic, đúng không các bạn? Tôi có hỏi một chị là: vậy giá trị thực của những món hàng tôi đang mua là bao nhiêu, chị ta đáp ngay: “Bạn yên tâm, giá những mặt hàng của công ty đã được các cơ quan thị trường thẩm định rồi. Nếu bạn muốn, tôi cho bạn xem giấy chứng nhận”. Nói đến đây thì ai chẳng tin, đúng không các bạn?
Vậy nhưng sự thật ra sao? Ví dụ, một cái máy khử mùi ozon sẽ được bán với giá 3 triệu đồng, mà trên thực tế lúc đó bạn tôi có phân phối sản phẩm những loại này chỉ với giá 600-800 nghìn đồng. Đến đây có người tham gia mua sản phẩm biết mình bị mua đắt đã trách các cơ quan thị trường sao có thể cấp cho họ những giấy tờ như vậy? Xin thưa với các bạn rằng: có thể lúc kiểm định chất lượng thì những sản phẩm họ đem ra là có chất lượng, còn xong rồi khi bán thì toàn là sản phẩm kém chất lượng. Những người biết rõ thì cho rằng đó là lý do họ trả cho mình phần trăm lớn như thế.
Người bán có cái lợi là không cần thuê cửa hàng trưng bày sản phẩm, giảm được chi phí và từ đó làm giảm được giá thành sản phẩm. Còn người mua thì có cái lợi không cần đến xem mặt hàng, chỉ cần xem qua mạng. Nếu ưng ý giá thành sản phẩm là đồng ý mua, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Thông thường theo thỏa thuận người bán sẽ mang hàng đến tận nơi giao hàng cho người mua và lấy tiền.
Ở các nước phát triển, hầu như mọi người dân đều có trình độ tin học cũng như hệ thống thanh toán qua ngân hàng phát triển, nên người ta mua hàng và thanh toán qua tài khoản ATM hoặc tài khoản tín dụng (thông qua ngân hàng), rồi người bán sẽ chuyển hàng đến tận nơi theo đúng mẫu mã và chất lượng đặt mua.
Nhưng những rủi ro có thể gặp phải khi mua hàng qua mạng là người mua không thể trực tiếp nhìn thấy mặt hàng, hoặc những thông tin được người bán đăng tải trên đó không chính xác, dễ dẫn đến tình trạng bị lừa gạt nhất là nhiều khi phải chuyển tiền trước mà hàng không chuyển. Chính vì thế, để tránh rủi ro cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng yêu cầu các trang web khi tham gia phải đăng ký để quản lý, những trang web được cấp phép là nhưng web phải tham gia tích cực vào việc mua bán và chịu trách nhiệm với những sản phẩm mình đăng bán trên đó.
Với MB24 mà người sáng lập là ông Ngô Văn Huy, tôi tin ông ta đã hiểu điều này quá rõ ràng vì nó chẳng xa lạ gì với ông từ khi ông làm lãnh đạo cốt cán của Thiên Ngọc Minh Uy, mà trước đó là Công ty Sinh Lợi. Hiểu và nắm bắt tâm lý ham rẻ, ham lợi, sự thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin của đại bộ phận bà con vùng sâu, vùng xa, ông ta đã choàng lên MB24 cái tên “Sàn Thương mại điện tử” trên web muban24.vn từ hơn 1 năm qua, trước sự “lãng quên” của VECOM cũng như của cả một số cơ quan chức năng và truyền thông, để rồi gây hậu quả nghiêm trọng như ngày hôm nay.
Vậy MB24 đã lừa người dân cái gì và bán cho họ cái gì? MB24 đã xây một cái chợ (chưa có giấy phép công nhận là sàn thương mại điện tử) nên cái chợ MB24 này thực chất chưa có tư cách pháp lý để bán hàng trên đó. Nhưng điều tệ hại là MB24 này không bán hàng mà lại bán “gian hàng”, những người kém hiểu biết bị họ lừa vì rằng mua gian hàng cũng giống như mua kios ở chợ. Nhưng xin thưa kios này chỉ là những kios ảo, vậy kinh doanh như thế nào với một cái kios ảo đây? Cũng vì nó chỉ là những kios “vẽ” trên một tờ giấy to vô hạn, do vậy dù có bao nhiêu người tham gia tôi đều có thể vẽ vào đó được.
Theo thống kê sơ bộ của cơ quan công an, MB24 có khoảng 120.000 gian hàng. Và nếu ta tin mỗi gian hàng là một kios thì có đến 120.000 kios. Vậy xin hỏi các vị có cái chợ nào ngoài đời có đến 120.000 gian hàng không? (Xin thưa với các bạn, sân vận động Mỹ Đình của ta mới có sức chứa 40.182 khán giả. Hay đến như sân vận động Old Trafford của câu lạc bộ Manchester United của Anh cũng chỉ mới có sức chứa 75.957 khán giả).
Một điều nữa, sở dĩ các kios ở các chợ như chợ Đồng Xuân, Bến Thành có giá trị vì số lượng kios khi xây chợ lên có hạn. Nên bây giờ ban quản lý chợ Đồng Xuân dù có muốn mở thêm kios cũng không thể mở được vì quỹ đất có hạn. Còn trên cái chợ của MB24 thi “diện tích đất” là… vô hạn. Thử hỏi cho dù MB24 có xây chợ bằng xi măng, sắt thép thì với số lượng gian hàng (kios) lên đến 120.000, tôi nghĩ có cho thuê một kios 100.000đ/tháng thì chắc cũng chẳng có ai thèm thuê vì nhiều như vậy thì cái chợ đó chẳng bán cho ai được. Vậy mà với một gian hàng không có thật, người mua đã bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua nó thì quả thật là chỉ có thể nói 2 từ: Nực cười!!!
Tôi nói đến đây chắc phần nào bà con có thể hiểu được sự lừa đảo của MB24 như thế nào rồi. Xin bà con hiểu một điều rằng “Thương mại điện tử là mua hàng hóa trên mạng” - mua hàng thật và tiền thật. Thương mại điện tử chỉ giúp ta mua bán thuận tiện dễ dàng hơn thôi, chứ không giúp ta mua bán gian hàng hay cái gì không có thật trên đó.
Các chiêu lừa đảo tinh vi
MB24 đã tạo ra một tài khoản ảo và link nó với những dịch vụ anplay, SMS banking… Đó là những dịch vụ tiện ích và giá trị gia tăng của các nhà mạng, các ngân hàng, những dịch vụ này có thể rút tiền trên tài khoản sở hữu của mình (nếu tài khoản dương) hay đơn giản là nạp thẻ điện thoại…Điều đó làm gia tăng niềm tin cho các thành viên kém hiểu biết tham gia. Tôi cho rằng nếu MB24 mà liên kết với ngân hàng nào đó, để mỗi thành viên tham gia đều làm cho một tài khoản ATM và chuyển số dư tài khoản vào trong đó, thì chắc còn tạo ra nhiều “tín đồ” trung thành với MB24 không biết còn đến mức nào nữa.
Lòng tin bị lợi dụng
Đảo qua web muaban24.vn có thể thấy rõ: đó là một website rất sơ sài với số ít hàng hóa dịch vụ. Thay vào đó là chứng nhận nọ, chứng nhận kia, lời phát biểu của giới chức bị cắt xén, bản tin tài chính của đài truyền hình, các bài báo với những dẫn chứng “tốt đẹp” về MB24 được up lên để tạo lòng tin cho cách thành viên.
Rõ ràng nếu làm ăn chân chính thì sao phải chứng minh này, dẫn chứng nọ? Hãy để chính khách hàng tự cảm nhận, đánh giá về điều đó. Điều nguy hại là MB24 đã lừa gạt và lợi dụng lòng tin của người dân vào Đảng, vào Nhà nước vào Chính phủ. Họ đã cố ý bóp méo và xuyên tạc, để rồi gây hậu quả nghiêm trọng. Mà theo tôi nghĩ, người dân ta thường cả tin, dễ bị lừa gạt cũng bởi là người dân tin tin tưởng vào các cơ quan chức năng mà lại không có trình độ hiểu biết để đánh giá thật/giả. Đó là cách lừa đảo tinh vi của kẻ xấu. Từ đó, cũng thấy được sự thiếu sót trong quản lý, giám sát cũng như các biện pháp ngăn chặn từ sớm. Song song với việc thiếu cả sự tuyên truyền kịp thời đến người dân, nên đã để đến mức gây hậu quả vô cũng nghiêm trọng.
Với con số hàng vài trăm tỷ mà lại là “gõ” trên đầu sinh viên, dân nghèo, nếu quy ra thóc – theo cách tính thu nhập của người nông dân nghèo, thì thử hỏi là bao nhiêu tấn thóc? Bao nhiêu tấn gạo? Quả thật là một thiệt hại khủng khiếp kể cả trực tiếp và gián tiếp đối với những người dân nghèo.
Tôi thấy báo Dân trí đã vào cuộc xuất sắc, tuy có hơi muộn, song tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn đến báo Dân tri cùng anh chị em trong tòa soạn. Qua câu chuyện này, cũng mong vị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí và các báo đài lưu tâm hơn tới vấn đền này. Nếu có thể được, xin hãy bớt vài phút quảng cáo, xin hãy giảm bớt vài bản tin trong giới showbiz… để bày tỏ sự quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng nhiều hơn, kịp thời hơn.
Mong các cơ quan công an, cơ quan chức năng về quản lý nhà nước làm việc nhạy bén hơn, khẩn trương hơn, kịp thời hơn để bà con bớt bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Mức án nào cho MB24
Tôi hiểu pháp luật sẽ có những khung hình phạt thích đáng cho tội ác mà MB24 gây ra. Tuy nhiên, là 1 cá nhân và xuất phát từ những tâm tư của người bị hại, tôi mong rằng công an tại các tỉnh đồng loạt vào cuộc điều tra, bắt những đối tượng kiếm lời bất chính từ MB24, trừng trị và xử phạt thích đáng những kẻ cố ý lừa gạt người khác.
Cũng mong mỗi tỉnh sẽ có đường dây nóng tiếp nhận thông tin của những người bị hại, thu thập chứng cứ và có thể giúp dân đòi lại số tiền đã trót nộp cho MB24. Làm được điều đó sẽ phần nào giúp cho người dân bớt khổ và cũng củng cố thêm niềm tin vào sự quản lý nhà nước trong việc cảnh báo phòng chống tội phạm.
Cá nhân tôi cũng xin được nhắn gửi tới đồng chí Phạm Văn Minh – GĐ Công an tỉnh Bắc Giang: Xin hãy vào cuộc với MB24 chi nhánh Bắc Giang, bởi quê tôi đã có quá nhiều người bị họ lừa gạt rồi.
Xin cảm ơn báo Dân trí.
Dương Hiếu