Uống "bia chay" rồi lái xe có bị xử phạt hay không?
Giữa bối cảnh quy định Luật phòng chống tác hại rượu bia được siết chặt thì người dân đang truyền tai nhau về một thứ bia có thể uống thoải mái, không lo nồng độ cồn trong cơ thể. Sự thật liệu có "vi diệu" như những gì nhiều người truyền tai nhau không?
Độ cồn thấp dưới 0,5%
Với quy định mới của Luật phòng chống tác hại rươu bia, mức xử phạt cho các trường hợp vi phạm nồng độ cồn có thể lên tới hàng chục triệu đồng hay thậm chí tước bằng lái tới 2 năm, nhiều người đang đau đầu với câu hỏi: Uống gì trên bàn nhậu bây giờ?
Và giữa sự băn khoăn ấy, bia không cồn (bia chay) bỗng chốc được nhiều người tìm tới, vì được cho rằng có thể tỉnh táo sau mỗi cuộc nhậu.
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường hiện nay, bia không cồn được kinh doanh với đủ các thương hiệu trong và ngoài nước. Hầu hết đều được quảng cáo có độ cồn thấp, dưới 0,5%.
Các loại bia không cồn có xuất xứ từ Đức, Hà Lan, Nhật Bản… có giá từ 20.000 đồng – 40.000 đồng mỗi lon. Từ năm 2014, một nhà sản xuất Việt Nam bắt đầu tung ra thị trường loại bia không cồn với mức giá chưa đến 20.000 đồng mỗi lon.
Uống bia chay vẫn có thể bị phạt như thường
Tại Việt Nam, theo công bố của nhà sản xuất, bia không cồn có quy trình công nghệ sản xuất như bia bình thường, với đầy đủ quá trình từ ủ, nấu dịch nha, lên men. Chỉ khác ở chỗ, bia không cồn có thêm giai đoạn loại khử bớt cồn trong bia. Theo đó, cồn được lấy khỏi bia qua hệ thống nhiệt và sẽ bay hơi trong quá trình chưng cất.
Ngày 6.1, trao đổi với PV Lao Động, Ths. BS Trần Kinh Thành (chuyên khoa Nội tổng quát - Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết, trong y học, với bia có nồng độ khoảng 5%, một số bệnh lý cho phép nam uống không quá 3 lon/tuần, nữ không quá 2 lon/tuần. Còn với những loại bia có nồng độ cồn thấp có thể uống nhiều hơn nhưng chắc chắn, chúng không hoàn toàn tốt cho sức khoẻ.
"Về nguyên tắc, những thực phẩm chứa cồn, dù là rất nhỏ thì không có loại nào tốt cho sức khoẻ hết. Nếu có uống thì chỉ nên uống ở chừng mực cho phép. Với những cơ địa nhạy cảm, kể cả uống bia có nồng độ cồn thấp hay không cồn thì cơ thể vẫn sẽ bị ảnh hưởng" - bác sĩ Thành nói.
Đáng chú ý, nếu uống "bia chay" kể cả khi chúng nồng độ cồn thấp dưới 0,5%, người dân vẫn có thể bị xử phạt nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trong cơ thể, dù ít hay nhiều. Bởi theo quy định của Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 2020, nghiêm cấm hoàn toàn hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia.
Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu phát hiện nồng độ cồn trong cơ thể, hàm lượng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở, mức xử phạt với người điều khiển phương tiện lần lượt như sau: Đối với xe đạp, xe đạp điện bị phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng; đối với xe máy bị phạt tiền 02 - 03 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng; đối với ôtô bị phạt tiền 06 - 08 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng
Theo Đình Trường
Báo Lao động