Ứng xử với di sản: Huế và Hội An, ông Hoà và ông Sự

Hai ông đều đảm nhiệm những trọng trách có ảnh hưởng rất lớn đến Di sản, nhưng lại có cách ứng xử khác nhau.

Tới Huế, cứ cái gì liên quan đến Fetival Huế là người ta đều nhớ đến ông Ngô Hòa (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế-Trưởng ban liên tu bất tận về các Festival Huế được tổ chức). Có vẻ như tên tuổi ông bật nổi nhờ chính vào các lần tổ chức Festival Huế chứ không phải các hoạt  động khác trên tư cách Phó chủ tịch thường trực.
 
Cho đến kỳ Festival lần thứ 8 này, thì cũng là kỳ cuối cùng ông làm Trưởng ban tổ chức vì đã tới tuổi hưu. Hầu như trong diễn văn bế mạc nào ông Ngô Hòa cũng lên phát biểu, được truyền hình trực tiếp trên VTV, và diễn văn nào cũng dài như nhau, thậm chí là rất dài, có người kêu lên là quá dài, nhưng điều mà tôi để ý là nhận định của ông hầu như Festival Huế nào cũng giống nhau như thế này: Đến thời điểm này, chúng ta vui mừng khẳng định rằng, Festival Huế lần thứ…. đã thành công tốt đẹp, được đánh giá là một Festival ấn tượng, thân thiện, an toàn và đầy tính nhân văn, là Festival thành công nhất từ trước đến nay.
 
Các tiết mục hoành tráng và qui mô ở Festival Huế
Các tiết mục hoành tráng và qui mô ở Festival Huế

 

Ông cứ khảng khái say mê nhận định như thế dù mỗi kỳ Festival Huế được tổ chức, các nhà nghiên cứu văn hóa có trách nhiệm, báo chí, dư luận xã hội càng tỏ ra lo lắng hơn với tiêu chí, chất lượng của mỗi kỳ Festival. Có vẻ như đây không phải là Festival Huế nữa rồi, mà chính xác là có một Festival đang tổ chức tại Huế thì đúng hơn. Nếu thế thì tiêu chí quan trọng nhất, sang trọng và trách nhiệm mà Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong Quyết định ký vào năm 2007 là xây dựng Huế phải là thành phố Festival có vẻ như đang ít được chú trọng.

 

Nhiều năm qua, ý kiến đóng góp qua mỗi kỳ Festival rất nhiều, rất tâm huyết, rất bài bản, thậm chí nhiều nhà nghiên cứu văn hóa còn viết ra cả những ý kiến tham vấn, gợi mở, xây dựng…nhưng hầu như không được tiếp thu.

 

Mỗi ngày Festival Huế càng bị đẩy xa hơn mục tiêu. Lần đầu tổ chức người ta kỳ vọng đây là kỳ “gieo hạt” cho mùa Festival sau hái quả, nhưng gieo mãi, gieo mãi, gieo đến kỳ thứ 8 rồi mà hình như vẫn đang gieo…chưa thấy gặt. Nhưng cũng vẫn như các kỳ bế mạc trước, ông Ngô Hòa vẫn hào hứng: “Đến thời điểm này, Festival Huế...thành công nhất từ trước đến nay”!?

 

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành uỷ Hội An, không chỉ yêu Hội An mà rất “điên” rất “khùng” với Hội An, từ việc ngày xưa ông tổ chức thắp đèn đêm ngày rằm hàng tháng, cho đến việc đối thoại, gặp gỡ, nghe ngóng góp ý, nghe cả những lời chửi bới, để rồi cùng anh em ngồi lại gỡ, sai thì sửa, điều chỉnh dần, mang lại cho chúng ta một Hội An nguyên vẹn và bản sắc như hôm nay.

 

Tôi đã ngồi cà phê với ông Nguyễn Sự nhiều lần, ông kể nhiều chuyện lắm, những chuyện liên quan đến ứng xử với phố cổ, với Di sản, trách nhiệm của người lãnh đạo chuyển ngọn lửa yêu Di sản, trách nhiệm với Di sản đến từng người dân, đến du khách là vô cùng khó khăn, nhưng Hội An đã làm được.

 

Hội An với vẻ đẹp thanh bình
Hội An với vẻ đẹp thanh bình

 

Tin nóng nhất là mấy ngày qua, trong việc thu phí tham quan, khách du lịch chửi quá trời, tôi gọi điện cho ông, chưa để tôi mở lời, ông nói luôn, biết ngay là ông sẽ gọi, rõ như rứa, sai, chủ trương thu phí tất nhiên là đúng, nhưng anh  em thực hiện ẩu, thái độ giải thích không tới nơi tới chốn, sai thì phải sửa sai ngay chớ răng, không thể vì 1 tấm vé tham quan mà Hội An xấu đi trong mắt du khách, phải sửa sai ngay trong tuần này luôn.

 

Vậy thôi, thấy cái gì không hay, không hợp lý, thậm chí sai thì phải sửa, phải điều chỉnh, không bảo thủ, vì thực ra, người ta chẳng hơi sức đâu "chõ mồm" đi góp ý này nọ nếu cái đó đúng, nếu người ta không tâm huyết, yêu quý mình.

 

Cả ông Hòa, ông Sự tôi đều quen, cả hai ông đều vô cùng yêu quê hương mình, tự hào vì đó là Di sản thế giới, cả hai ông đều đảm nhiệm những trọng trách có ảnh hưởng rất lớn đến Di sản, nhưng cả hai ông lại có hai cách ứng xử khác nhau.

 

Thái độ ông Nguyễn Sự trong việc sửa sai không đơn giản là cá nhân ông, nó mang thông điệp thân thiện, cởi mở, không né tránh sai sót của người Hội An.

 

Hội An được như hôm nay vì không chạy đua theo thành tích, không chạy theo “hoành tráng”.

 

Và để được như Hội An, Ban tổ chức Festval Huế trước khi vui mừng “thành công nhất từ trước tới nay” lại phải bắt đầu điềm tĩnh lại, bình tâm lại cho việc chuẩn bị một Festival lần thứ 9 đúng là Festival của Huế chứ không phải ở Huế.

 

“Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…”, nhận xét của nhà thơ Thu Bồn về sông Hương, về Huế như thêm một gợi ý về cách ứng xử với các kỳ Festival Huế tiếp theo?

 

Theo Nguyễn Quang Vinh
Vov.vn