Tục lì xì ngày tết
(Dân trí) - Hằng năm, khi bắt đầu bước sang năm mới, lòng ta xao xuyến, rạo rực, nhất là từ sáng mồng một, mồng hai… Tết những ngày đầu năm.
Ảnh minh họa (internet)
Xuân đậm nét, Tết rộn ràng hơn ai cả vẫn là bầy con trẻ, kể cả những đứa bé mới chập chững biết đi hoặc đang còn ẵm trên tay. Đến các bậc lớn tuổi, gặp nhau đều là mới. Mặt mày tất cả đều sáng tươi hoan hỉ, áo quần mới mẻ đủ sắc, bảnh bao, thẳng nếp.
Mọi người gặp nhau, chúc nhau vạn lời hay, rồi lì xì cho nhau. Đó là tập tục truyền thống của dân tộc ta đã có từ xưa tới nay. Có nội hàm phong phú, nghĩa tình ý vị khôn cùng.
Nguồn gốc tục “lì xì” cũng đã có từ ngàn xưa, từ tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Hễ cứ ba ngày tết đến là các con trẻ thường hát chúc mừng người lớn, nhất là những người đã lập gia đình:
- Cung hỉ phát tài – Lợi thị đậu lai
Tạm dịch:
- Xin chúc phát tài – Lì xì vào túi
Trong không khí ba ngày Tết sau khi sốt sắng vui vẻ hát xong, với ánh mắt truyền cảm, bọn trẻ đưa hai bàn tay nõn nà, sạch đẹp ra trước chờ đợi.
Người lớn cũng vui vẻ sốt sắng “lì xì”. Không xét nét số tiền nhiều hay ít. Vấn đề ở chỗ hệ trọng hơn cả, đó phải là tiền mới, tiền bạc được đặt trong phong bì màu đỏ, tươi thắm thể hiện điềm hên, sự may mắn đầu năm, phát lộc, phát tài…
Trên đường đâu đâu cũng đều có bày bán bao “lì xì”. Sắc màu tươi thắm rực rỡ trên các loại giấy đặc biệt cao cấp có bề ngang, bề rộng hình chữ nhật chừng 3 phân đến 4, 5 phân, hình ảnh của các con rồng vàng bay lượn sinh động hào hứng khí thế với: Phúc – Lộc – Thọ, Vinh hoa phú quý… cường điệu, tuyệt mỹ.
Hai chữ “Lợi thị” trong lời chúc tết đọc theo âm tiếng Quảng Đông là “Lì xì”. Hai tiếng “Lì xì” thể hiện lòng hoan hỉ hiếu khách của con người.