Từ vụ NTN Vlog làm thử thách với nhựa: Vì lợi nhuận bất chấp phản cảm
Kênh chia sẻ video số 1 thế giới YouTube đang được coi là "con gà đẻ trứng vàng” đối với nhiều người sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, hàng loạt video có nội dung kích động bạo lực, cổ xúy cho những hành động phản cảm đang trở nên ngày càng phổ biến.
Kênh chia sẻ video số 1 thế giới YouTube đang được coi là "con gà đẻ trứng vàng” đối với nhiều người sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, hàng loạt video có nội dung kích động bạo lực, cổ xúy cho những hành động phản cảm đang trở nên ngày càng phổ biến.
Lợi nhuận "khủng"
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, khi trở thành YouTube Partner (đối tác sản xuất video chính thức của YouTube), các video sẽ được Youtube tự động đặt các quảng cáo và chi trả 2,5 - 3 USD/1.000 lượt xem.
Bên cạnh đó, với những kênh có tương tác mạnh còn nhận được những hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng, thương hiệu bên ngoài.
Trong khi đó, vốn liếng bỏ ra không cần nhiều, và với những clip nhảm nhí kể trên, sự đầu tư và giá trị mà chúng mang lại là quá ít ỏi. Chính từ việc thu nhập “khủng” đã khiến cho việc các kênh YouTube nhảm bất chấp sự phản cảm và dị hợm mà mọc lên như nấm sau mưa.
Cũng có cách tính đơn giản hơn được những người trong giới truyền tai nhau: Nhân 3 số lượt người xem sẽ ra số tiền được hưởng. Như vậy, với clip đạt 1 triệu view, chủ tài khoản sẽ được YouTube trả về tài khoản 3 triệu đồng. Chưa kể những nguồn thu khác từ Facebook, hoặc từ việc lồng nội dung quảng cáo các nhãn mác, dịch vụ vào trong clip...
Bất chấp để thu hút tương tác
Mặc dù YouTube đã có nhiều động thái quyết liệt hơn trong việc nâng cao chất lượng trên hệ thống của mình, nhưng vì lợi nhuận “khủng” mang lại, các kênh nhảm vẫn nở rộ.
Những ngày gần đây, vlogger Nguyễn Thành Nam (NTN Vlogs) là cái tên bị nhiều dân mạng kêu gọi tẩy chay, lên án vì thực hiện các thử thách liên quan đến nhựa.
Cụ thể ngày 6.6, Nguyễn Thành Nam đăng tải clip làm ngôi nhà khổng lồ bằng 5.000 ống hút. Video này đã nhận được vô số lời góp ý về việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vlogger vẫn tiếp tục thực hiện thử thách làm nhà bằng 5.000 cốc nhựa.
NTN Vlogs không phải kênh YouTube duy nhất từng hứng gạch đá vì video có nội dung phản cảm. Hàng loạt video tục tĩu, phản cảm, thậm chí tự hành hạ bản thân liên tiếp xuất hiện gây bức xúc dư luận.
Ngày 18.7, một kênh YouTube đã đăng tải video "Trêu gái ngành sờ ngực, sờ mông free và cái kết". Video khiến người xem ngán ngẩm khi "YouTuber" bắt chuyện với một cô gái hành nghề mại dâm và nói sẽ cho cô một triệu đồng nếu trả lời đúng 3 câu hỏi. Nếu sai, cô chỉ nhận được 50.000 đồng và phải cho nam thanh niên "động chạm" vòng một và vòng 3.
Sau khi cô gái trả lời sai, nam vlogger thực hiện "giao ước" và rời đi sau khi "khuyên nhủ" cô bỏ nghề.
Cách đây không lâu, kênh YouTube Thánh Lầy Vlogs từng nhận mưa gạch đá khi thực hiện thử thách chui vào quan tài để nằm. Trong video kéo dài hơn 10 phút, nam thanh niên bật nhạc đám ma và hút thuốc phì phèo hết sức phản cảm.
Nhiều kênh YouTube để thu hút người xem lại lựa chọn cách thực hiện các thử thách mang tính nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kênh YouTube có hơn 4,3 triệu lượt theo dõi PHD Troll gây bức xúc cho người xem khi thực hiện thử thách ăn ớt.
Trong video 8 phút thu hút 5,8 triệu lượt xem, nam thanh niên đặt ra thử thách ăn ớt sẽ được tiền. Đáng nói, đối tượng thực hiện thử thách này bao gồm cả trẻ em.
Trước thực trạng trên, nhiều phụ huynh có con nhỏ thường xuyên xem YouTube bày tỏ lo lắng: "Vì quá bận rộn nên tôi thường để con xem YouTube để làm việc. Tôi rất lo những video nhảm nhí gây tác động xấu đến việc hình thành nhân cách, tư duy trẻ nhỏ. Tôi sẽ hạn chế cho con xem YouTube", chị Lê Quỳnh (Cầu Giấy - Hà Nội) lo lắng.
Đồng quan điểm, anh Ứng Hoài Nam (Thường Tín - Hà Nội) nói: "Những người sản xuất nội dung YouTube, đặc biệt là những kênh có lượng theo dõi lớn cần có ý thức, họ cần sống có trách nhiệm hơn với xã hội. Những hành động tưởng như vô hại, câu view có thể ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ nhỏ".
Theo Khương Duy
Báo Lao động