Từ "trái tim lông lá" đến lát đá vỉa hè: Tốn tiền mà "đoản thọ"

Điều dễ thấy nhất là một chủ trương lớn của thành phố nhưng thiếu đi một nhạc trưởng đúng nghĩa, vai trò của Sở Xây dựng quá mờ nhạt.

"Trái tim lông lá" trưng bày ở Bờ Hồ chỉ là chuyện nhất thời, được dỡ đi ngay khi dư luận lên tiếng. Còn lát vỉa hè, chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi, tốn bao tiền mà chốc nhát lại vỡ hỏng. Nhưng cả hai cho thấy, Hà Nội cứ loay hoay với những việc mà lẽ ra chỉ làm một lần là đủ.

Tính từ 2010 đến năm 2020, Hà Nội đã có 3 lần đại tu vỉa hè. Năm 2011, người ta bóc nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm để thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch terrazzo, lục giác. Chưa đầy 3 năm, trong 2 năm 2013 - 2014, vỉa hè được bóc lên để lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên.

Năm 2016, để chấm dứt tình trạng cứ "đến hẹn…lại bóc" khiến cho các con đường của Thủ đô luôn nham nhở, đủ loại gạch với các chất liệu khác nhau UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quy định "Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Năm 2017, Hà Nội chính thức đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Một quyết định đã để lại khá nhiều tranh luận trái chiều nhưng vì một thành phố "xanh-sạch-đẹp", Hà Nội vẫn vào cuộc với  tinh thần làm một lần để không bao giờ còn phải làm nữa.

Thành phố quyết tâm, quận huyện cũng đầy quyết tâm nhưng niềm vui chưa tày gang thì đầu năm 2018, Thanh tra thành phố Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm liên quan đến dự án lát đá vỉa hè. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số quận chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa, cải tạo, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực như tại quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

Nhớ lại câu chuyện cách đây 3 năm KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: "Ngoài vấn đề kinh phí, thời tiết Hà Nội thường mưa phùn. Đá là loại vật liệu không thấm nước, cho nên khi mưa thì sẽ bẩn và trơn.Trong khi đó nếu dùng bê tông, xi măng thì khi mưa sẽ thấm nước, người đi lại trên vỉa hè sẽ không bị trơn trượt, lấm bẩn như khi vỉa hè lát đá. Nên tôi mới đặt vấn đề là liệu có nên lát đá trên vỉa hè không, dù đá tự nhiên là loại vật liệu có độ bền rất cao".

Chưa kể trên thế giới, chưa thành phố nào lát đá bằng cách đổ bê tông phủ kín làm nền như Hà Nội đang làm. Bởi, khi đổ bê tông rồi lát đá phía trên sẽ làm mất đi một lượng nước mặt (nước mưa) bổ sung vào mạch nước ngầm cho thành phố. Cả thành phố như "chiếc bánh đa xi măng" không cho nước mưa ngấm xuống đất. Mà khi nước ngầm bị giảm, hạ thấp sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún các lớp đất đá trong tầng chứa nước, hình thành các lỗ hổng lớn, dẫn tới sụt lún các công trình xung quanh.

Từ trái tim lông lá đến lát đá vỉa hè: Tốn tiền mà đoản thọ - 1
Vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm nhưng sau 2-3 năm đã hư hỏng, thành những "ổ voi". Ảnh: danviet.vn.

Nay thì dự án đang lâm vào cảnh vừa tốn quá tiền mà vỉa hè đá tự nhiên đang "đoản thọ", gây dư luận xấu trong cộng đồng vì hiệu quả sử dụng của công trình quá tệ. Bằng mắt thường người dân cũng thấy, nhiều tuyến đường tại 12 quận nội thành Hà Nội chỉ sau 1-2 năm sử dụng, nhiều đoạn đã xuống cấp.

Mặt vỉa hè nhan nhản vết nứt vỡ, có chỗ các viên đá lát bung ra khiến vỉa hè lún, lồi lõm, lởm chởm sắc cạnh. Nhiều nhất phải kể đến các đường phố lớn như vỉa hè Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) đều xảy ra hiện tượng bong tróc, sụt lún.

Chắc chắn dù muốn hay không Hà Nội phải tiến hành chỉnh trang đường phố lần thứ 4 trong vòng 10 năm, bởi không thể để bộ mặt đường phố nham nhở như thế trong khi Thủ đô sẽ diễn ra nhiều sự kiện trong năm tới. Nhưng nếu như không tìm ra được nguyên nhân của những sự cố này và không tìm được cá nhân, tập thể phải chịu trách nhiệm thì cứ mỗi năm đến hẹn, vào dịp Tết đến, xuân về lại là mùa thi công vỉa hè.

Mới đây, ông Phạm Thanh Học trưởng Ban Tuyên giáo thành phố Hà Nội đã phát biểu trước đông đảo nhà báo: "Vỉa hè là làm cho người đi bộ nhưng vừa làm xong là ôtô đã leo lên, nhiều nơi còn tổ chức trông xe trên vỉa hè, thế thì chả có đá nào chịu được đâu".

Trong khi đó, các nhà chuyên môn lại cho rằng cho dù chất lượng đá được quảng cáo là 50-70 năm nhưng khi lát xuống vỉa hè, nó có bị bong tróc hay không thì lại phụ thuộc vào khâu thi công. Chưa kể, vỉa hè Hà Nội luôn có công trình ngầm, thi công không cẩn thận thì rễ cây có thể mọc ra, đùn lên, làm các viên đá xô lệch. Hoặc lớp cát đổ xuống nền móng không đủ dày làm các viên đá trượt, va vào nhau dẫn đến vỡ.

Trong khi đó tại buổi họp báo, ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng) nhấn mạnh, năm vừa qua, Sở đã kiểm tra việc lát đá vỉa hè ở 21 tuyến phố. Ông Thắng đưa ra nhận định việc thi công, quá trình sử dụng vỉa hè có nhiều vấn đề: Thi công dàn trải, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng đá, các mẫu đá không được thành phố quy định cứng cho từng quận, huyện, dẫn đến việc vật liệu sử dụng không thống nhất.

Các chuyên gia vật liệu xây dựng lại cho rằng chất lượng đá, kích thước viên đá lát; nền (base); hình thức không đẹp đều có vấn đề:  Cần chọn loại đá marble hay granite để không ngậm nước, không dễ nứt gãy, chịu xây xước mài mòn, kích thước thế nào, kỹ thuật thi công thế nào cho đẹp, chịu được tác động lực lớn…

Không khó để thấy lực lượng giám sát của các Ban quản lý dự án các quận vừa thiếu, vừa yếu. Nên các đơn vị thi công vỉa hè đều tuyển chọn thợ tay ngang, tại công trình không có bảng trưng tên nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị giám sát…Nên việc giám sát của cộng đồng không thể thực hiện đúng quy định của Luật Xây dựng, người dân không thể phản ánh bất cập vì thiếu thông tin.

Thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc lát đá tại 4 quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa. Nhưng điều dễ thấy nhất là một chủ trương lớn của thành phố nhưng thiếu đi một nhạc trưởng đúng nghĩa, vai trò của Sở Xây dựng quá mờ nhạt.

Từ khâu thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu và bàn giao sử dụng các dự án chỉnh trang vỉa hè của Hà Nội đều có quá nhiều điều cần phân tích mổ xẻ. Người dân cần được thông tin: Ai là người chịu trách nhiệm? Cần phải điều chỉnh những vấn đề gì để không cứ phải đào đi, xới lại vỉa hè như hiện nay? trước khi lại ngăn vỉa hè thi công tiếp theo.

Làm đẹp cho Hà Nội, dù chỉ là trang trí theo thời điểm hay lâu dài, cũng cần một tư duy thẩm mỹ đủ sâu sắc, một tầm nhìn đủ lâu dài và bao quát.