Tử thần trên đầu, thần chết dưới chân
Một người đàn ông sụp ổ gà trên đường té chết tại chỗ. Một người dân đang bình thản uống càphê thì sợi dây điện rơi trúng. Cũng chết. Nhưng sau đó thì sao? Và điều đó chứng tỏ điều gì?
Một người đàn ông sụp ổ gà trên đường té chết tại chỗ. Một người dân đang bình thản uống càphê thì sợi dây điện rơi trúng. Cũng chết. Nhưng sau đó thì sao? Và điều đó chứng tỏ điều gì?
Anh X, nhà ở Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh trên đường trở về nhà đã không may sụp ổ gà trên đoạn đường qua xã Tân Quý Tây, Bình Chánh. Người đàn ông xấu số té ngã, chết ngay tại chỗ.
Thông tin bối cảnh- chỉ duy nhất một câu, cho biết đường Đoàn Nguyễn Tuấn qua xã Tân Quý Tây lâu nay xuống cấp, hư hỏng với nhiều “ổ gà”. Tuy nhiên, người dân phản ánh nhiều nhưng chưa được khắc phục.
Tôi tóm tắt bản tin tai nạn giao thông mới vừa xảy ra. Mà thực ra, trên truyền thông, nó cũng thuộc dạng tin “bao diêm”. Ít người đọc, không mấy ai quan tâm. Thậm chí, không mấy ý nghĩa, dù bản tin ấy mô tả cái chết rất oan ức của một đồng bào.
Có thể, vì cái tên của nạn nhân ít gây chú ý như bao người bình dân khác. Hoặc cũng có thể, những cái chết "vô tình" như thế giờ đã nhiều đến mức trở thành bình thường.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như ngay trên con đường đấy, ngày mai lại có thêm một nạn nhân mới khi những cái ổ gà vẫn nằm đấy, sẽ nằm đấy, như chúng đã từng nằm ở đó, như những cái bẫy.
Mọi điều đều có thể xảy ra khi mà không có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm, dù hậu quả là cái chết của một con người.
Hãy thử nhìn lại vụ dây điện rơi trúng một người đàn ông đang ngồi uống càphê cũng ở thành phố Hồ Chí Minh bằng bức ảnh “ma trận dây điện” mà Bill Gates đã đăng tải trên Facebook cá nhân năm 2013 kèm theo ghi chú “Tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng đang tăng 14% một năm. Lưới điện cũ này bị quá tải...”.
Khi ấy, chúng ta đã nổi giận vì cho rằng đó là sự bêu xấu.
Nhưng từ bức ảnh “ma trận” năm ấy tới sợi dây rơi trúng người dân và “ma trận” dây điện hôm nay cho thấy một điều là 6 hay 7 năm chỉ là những con số trong một tình trạng ma trận gần như không thay đổi.
Tử thần ở trên đầu, thần chết ở dưới chân. Không ai biết được khi nào những “nạn nhân dự khuyết” chúng ta sẽ được tử thần hỏi thăm.
Quỹ bảo trì đường bộ đang thu được rất ít so với nhu cầu. Nhưng tiền bạc không phải là lý do để ngành Giao thông Vận tải cho phép tồn tại những con đường như những hố bom, không phải là lý do tồn tại khắp nơi những cái bẫy người.
Bởi những cái chết rất oan, rất đau lòng hôm nay không phải là vì ông giời, không phải bởi chuyện “cái số”. Bởi nạn nhân là chúng ta và thủ phạm cầm lưỡi hái cũng chính là chúng ta.
Theo Anh Đào
Báo Lao động