Từ nghề dạy học ở nước ngoài, nghĩ về nền giáo dục nước nhà
(Dân trí) - Tôi đi dạy học từ năm 27 tuổi ở nước ngoài, nhưng khi đó vào đời tôi đã đủ chín chắn để chọn lựa hướng đi cho mình và từ đó đến nay tôi đã không hối tiếc...
Khi một nhà giáo trẻ tìm cách bào chữa sự yếu kém của một bài giảng bằng cách nói lúc có kinh nghiệm em sẽ dạy tốt hơn, tôi thường nhỏ nhẹ hỏi
Em quan niệm thế nào về chỗ đứng của em,
Em biết gì về đề tài bài hôm nay,
Học trò của em là những ai, đặc thù thế nào, đã có vốn gì về vấn đề ấy,
Chủ đích nhắm tới của em là gì và
Em liệu sẽ dùng những phương tiện nào để thực hiện chủ đích ...
Trả lời xong các câu hỏi ấy là kể như đã soạn bài xong và đã đi ba phần tư quãng đường hoàn thành tốt bài giảng!
Phần tư còn lại không kém quan trọng vì đó là phần trình bày kết quả cuối cùng của bài. Nhưng phải nói là với những phương tiện tra cứu hiện đại, với những phần
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Thiển nghĩ hành trang tối thiểu của bất cứ một nhà giáo nào cũng là lòng yêu nghề và yêu trẻ, vốn cơ sở về phương pháp sư phạm, về tâm lý giới trẻ, có khả năng về khoa học chuyên ngành và sau cùng, có khả năng phân tích kết quả cũa mình sau mỗi bài giảng.
Thỉnh thoảng cũng khó vì có lúc tôi không khỏe, con cái và chuyện gia đình nhiều, có những thời điểm việc nghiên cứu lấn sân, ... tôi không đủ đầu tư cho việc dạy. Quản lý một giảng đường có khi đến 200 sinh viên (thông thường các lớp tôi có từ 8 đến 70 sinh viên) đòi hỏi một khả năng lôi cuốn và hùng biện cao, phải khoẻ, phải quyến rũ. Đúng đấy vì người đi dạy làm sao cạnh tranh được với những phương tiện truyền thông hiện đại (tôi không đẹp bằng các cô xướng ngôn viên, tôi không có những phương tiện nghe nhìn của các đài truyền hình hay những kỷ thuật của giới điện ảnh, ... )?
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)
Nhiều khi đọc phải những bài làm rất tệ của học trò, tôi cũng bứt tóc tự hỏi không biết mình đã dạy thế nào mà sinh viên ra nông nỗi ... Nhưng tựu chung, cho tới ngày về hưu, tôi chưa bao giờ chán nghề đi dạy, lại ... truyền được lửa cho hai trong số ba đứa con của tôi.
Chuyện lương bổng ?
Trước khi quyết định đi vào nghề giáo, tôi biết là lương không cao (khoảng phân nửa lương so với các tư chức đồng hàng – lương tháng giáo viên trung học, ở Bỉ, sau khi trừ thuế và các bảo hiểm, khoảng 2000 euros, lương giáo sư Đại học, chỉ hơn 3000 euros, từ từ tăng thêm với thâm niên, tới cuối đời tổng cộng thêm khoảng 50% số lương trên). Tôi lại chọn đi dạy nửa thời gian trong nhiều năm. Nhưng ông bà ta vẫn nói "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", chúng tôi ít đi nghỉ hè hay du lịch, không nhờ người giúp việc nhà, không mặc áo quần hàng hiệu, không mua xe sang, ...
Một cuộc sống thanh đạm nhưng không phải lo mưu sinh, chúng tôi mua nhà trả góp trong 20 năm, chúng tôi đã đủ phương tiện nuôi dạy các con của chúng tôi thành người.
Trong xã hội Bỉ, trên một thang xếp hạng gồm 100 nghề, giáo viên trung học cơ sở hạng 17, còn giáo sư Đại học ở top 10 những người "danh giá" nhất, thuộc hàng "thân hào nhân sĩ" trong xã hội !"
Nghĩ tới đồng nghiệp ở Việt Nam ?
Chuyện của tôi chỉ có thể hiểu trên mặt vi mô. Các nhà giáo ở Việt Nam, vạn người, vạn hoàn cảnh khác nhau. Từ xa nhìn về, chỉ biết một số việc qua báo chí, nên xin mạo muội bày tỏ vài nhận xét :
1. Trường học có còn là nhờ hai diễn viên chính: học trò và giáo viên.
Học trò là tương lai của đất nước, nếu không lo cho chúng thì chẳng khác nào từ chối theo đường tiến triển của nhân loại. Mà tất cả học trò đều có quyền đi học, lớn hay bé, ở thành thị hay ở vùng cao ... Phải làm sao có đủ trường cho các em, phải làm sao để học phí không là một yếu tố gây bất bình đẳng là những điều tối thiểu !
Không có giáo viên thì ai dạy học trò ? Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Một giáo viên mầm non ngoài biên chế với lương tháng 800.000 đồng là một điều cười ra nước mắt . Tôi không so sánh ...trái táo với trái lê (comparer les pommes et les poires - thành ngữ Pháp), nhưng nếu ta có khả năng xuất ra 650 tỉ cho Viện Toán học thì thế nào cũng còn vài trăm tỉ cho giáo dục cơ sở !
Ngoài chuyện tiền bạc, cũng xin nêu lên chuyện chất lượng đào tạo. Xin đừng đi chậm con tàu trên phương diện phương pháp và tâm lý giáo dục, xin đặt trọng tâm cho việc đào tạo giáo viên, đừng nghĩ rằng dạy học là một "bản năng", ai dạy cũng được và cũng đừng nói như ai đó "có dốt, với vài cố gắng cũng thi được vào sư phạm" (thứ nhất vì không có trò dốt, khi có dịp tôi sẽ giải thích điều này, thứ nhì, muốn có thầy tốt thì phải tuyển từ thành phần tinh hoa của sinh viên ...).
2. Giáo dục là ưu tiên thứ nhất nhưng nói nhiều thứ từ nhiều năm nay, chưa có thành tựu nào cụ thể. Tại sao ngay tại các hội thảo, giới thẩm quyền không đưa ra những phương sách cụ thể với lịch trình áp dụng và chỉ định cơ quan kiểm soát tiến triển ?
3. Cũng xin gợi ý cải tổ từ gốc, từ mầm non, chứ không từ Đại học. Phổ cập hóa giáo dục mầm non cho các bé 5 tuổi là một công việc rất tốt, đã thành tựu tại một số tỉnh thành, phải ghi công, phải tiếp tục. Cải tổ phương pháp giáo dục, cải tổ chương trình học, áp dụng những thành quả mới nhất về tâm lý trẻ và tâm lý giáo dục để đạt hiệu quả cao. Xin bỏ những thi đua cho thành tích gây áp lực vô ích cho cả thầy và trò. Xin đặt tín nhiệm và trách nhiệm cho người thầy để thầy tổ chức việc học cho trẻ, tùy theo đặc thù của chúng. Ta có quyền quản lý tập trung nhiều chuyện, nhưng phương pháp giáo dục thì không tập trung được.
4. Giáo dục không thể là một ngành của kinh tế thị trường, không thể dùng trẻ như một công cụ đầu tư. Để kinh tế thị trường thống trị giáo dục là đào sâu bất bình đẳng xã hội. Chẳng những thế, phải làm sao loại trừ bỏ hết tất cả mọi hình thức tham nhũng hối lộ ở trường (trả tiền để xin việc, mua bán bằng cấp, mua điểm thi, phong bì , ...). Giữ môi trường giáo dục trong sạch là một cách hữu hiệu góp phần vào sự trong sạch hóa cả xã hội.
5. Xã hội cũng phải chung tay lo cho giáo dục trẻ: gia đình, các tổ chức đoàn thể chính trị, các cơ quan công quyền, báo chí truyền thông... Rất nhiều kỹ năng trẻ học được từ gia đình và xã hội. Xã hội mà đảo điên thì bảo trẻ trung thực sao được? Nhiệm vụ chính của trường học vẫn là truyền kiến thức. Trường học cũng là một môi trường sống, phải cho trẻ sống vui sống, tốt nhưng không phải vì thế mà thêm vào chương trình những môn học mới, gây quá tải và áp lực cho trẻ mà hiệu quả không bao nhiêu.
Trong dấu ngoặc, bạo lực ở học đường phần chính là được "du nhập" từ xã hội vào trường học. Muốn ngừa bạo lực ở trường, có lẽ phải tìm ra căn nguyên xa hơn ...
Làm sao để 10, 20, 30 năm sau, các thế hệ đang đi dạy và đi học hiện nay có thể nói "tôi đã rất hạnh phúc ở trường" .
Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ
LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây, có thể thấy rõ tâm huyết của một nhà giáo cả đời đam mê nghề mà mình đã chọn. Nghề đó không giầu sang, nhưng đem lại nguồn vui tinh thần bền vững do những thành quả mà mình tạo ra; nhiều học trò thành đạt luôn ghi nhớ công lao dạy dỗ của Người Thầy kính yêu ! Đấy là những Người Thầy luôn "đam mê" học trò và tìm thấy sự hứng thú trong việc phát hiện những khả năng tiềm ẩn trong mỗi học sinh để "kích hoạt" cho chúng phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả cao nhất. Làm được điều đó, Người Thầy không chỉ yêu nghề mà còn là "nhà nghệ thuật sư phạm" nắm vững tâm lý giới trẻ.
Với kinh nghiệm phong phú của quá trình dạy học cũng như kết quả nghiên cứu về xã hội học trong giáo dục, những ý kiến đóng góp của tác giả về giáo dục của nước nhà là những đóng góp thật sự đáng trân trọng. Đặc biệt đáng lưu ý là không nên "thương mại hóa" ngành giáo dục; cần coi trọng chất lượng đào tạo Người Thầy cũng như cần cải tổ giáo dục từ gốc, trước hết là giáo dục mầm non, cần vận dụng những thành tựu mới nhất về tâm lý học trẻ em và tâm lý giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất ở bậc học này, làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài ở những bậc học tiếp theo...