Từ "mạng người không quan trọng" đến "học viên óc lợn"...

Gần đây liên tiếp xuất hiện các “sự cố” liên quan phát ngôn của cán bộ, giáo viên làm cộng đồng phẫn nộ, bức xúc. Hiện tượng nói trên cho thấy nền tảng đạo đức, nhân cách của một số người, trong đó có cán bộ, công chức, giáo viên,… thực sự “có vấn đề”.


Hiện trường vụ tai nạn dẫn đến phát ngôn gây sốc: mạng người không quan trọng. Ảnh: PV

Hiện trường vụ tai nạn dẫn đến phát ngôn gây sốc: "mạng người không quan trọng". Ảnh: PV

Những lời lẽ mắng chửi học sinh của bà Nguyễn Thị Kim Tuyến – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Anh ngữ MTS (Hà Nội) làm dư luận sục sôi. Với những ngôn từ mắng học viên như “óc lợn”, bà Kim Tuyến gây ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng.

Trước đó, dư luận cũng rất bức xúc trước phát ngôn “mạng người không quan trọng” của bà Dương Thị Thùy Trang (Chánh văn phòng Đảng uỷ Khu kinh tế TP Hải Phòng) sau vụ tai nạn giao thông. Sau khi va chạm làm một sinh viên bị thương, bà Trang không những không hỏi han, mà còn chửi bới. Khi công an yêu cầu đưa người đi cấp cứu thì bà này cản trở, cho rằng mạng người không quan trọng… bằng cái xe của bà.

Cũng trong tháng 4.2018, cơ quan chức năng đã xử lý giáo viên T.T.B.N (Q1-TPHCM) vì đã đánh và mắng trẻ là “mày là người hay thú”. Một giáo viên THPT tại quận Phú Nhuận-TPHCM cũng mắng học sinh "cá nóc phun chất độc" hay "đôi cẩu nam nữ"…

Một số người cho rằng những hiện tượng nói trên là cá biệt, không nên “bi kịch hóa” vấn đề. Tuy nhiên, “cá biệt” sao lại xuất hiện liên tục?

Điều làm dư luận bức xúc là những phát ngôn, ứng xử kiểu như trên đều do những người có học vấn cao, được đào tạo bài bản, là cán bộ, công chức, giáo viên…, và diễn ra giữa tập thể, chốn đông người. Đành rằng con người ai cũng có lúc nổi nóng, mất kiểm soát, tuy nhiên, đạo đức, tư cách con người thể hiện qua ứng xử trong những tình huống đặc biệt. Có thể khẳng định đó là những phát ngôn cho thấy nền tảng giáo dục, đạo đức, nhân cách của những người này thực sự “có vấn đề”.

Nguyên nhân từ tâm lý ỷ thế, lạm quyền, coi thường người khác, coi đồng tiền và địa vị có giá trị hơn nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng con người, đặc biệt những người phụ thuộc, yếu thế. Những người này thường có tâm lý có tiền là có tất cả, và có tiền là giải quyết được mọi vấn đề.

Cần tăng cường giám sát và phản biện xã hội, xử lý kịp thời, nghiêm khắc những cán bộ, viên chức tha hóa về nhân cách, kiên quyết loại bỏ những cá nhân nói trên ra khỏi bộ máy hành chính và cấm hành nghề vĩnh viễn những người vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Theo Hải Đăng

Báo Lao động