Nghĩ về tầu ngầm mini Trường Sa

Tự hỏi và đi tìm lời giải đáp

(Dân trí) - Cái mới thường không phải bao giờ, lúc nào và ở đâu cũng được ủng hộ.


Sơ đồ thiết kế tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty Cơ khí Quốc Hòa (TP Thái B

Sơ đồ thiết kế tàu ngầm của ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty Cơ khí Quốc Hòa (TP Thái Bình)

Truy cập báo Dân trí điện tử, đọc bài “Tàu ngầm “quê lúa” chưa ra biển đã bị dọa bắt”, tôi nghĩ lan man.

Bỗng nhớ: Vào năm 1769, Nicolas Cugnot, một kỹ sư Pháp là người đầu tiên đã chế tạo được một chiếc xe tự động, là tiền thân của xe lửa ngày nay. Nó có 3 bánh và dùng hơi nước. Tại phía trước chiếc bánh xe đơn độc và cũng là bánh xe lái, có đặt một nồi tròn bằng đồng và hơi nước bốc ra từ đây. Rồi hơi nước được dẫn vào hai xy lanh và hai pít tông tác dụng vào hai bên bánh xe lái. Trong chuyến chạy thử, xe Cugnot đã chở được 4 hành khách và chạy với vận tốc tối đa 6 dặm một giờ. (1 dặm = 1,6 km). Khi chạy trên đường, khỏi mù mịt, tiếng động ầm ĩ và phải có người cầm cở hiệu chạy trước đầu xe để dẹp đường tránh tai nạn.

Tôi tự hỏi: Nếu dân chúng Pháp thời ấy dè bỉu chiếc xe này, chính quyền sở tại không ủng hộ sự sáng tạo, cấm sử dụng chiếc xe này thì còn lâu, lâu nữa thế giới mới có xe lửa.

Lại nhớ: Gottlieb Daimler - kỹ sư cơ khí người Đức, năm 1872 lập xưởng cơ khí riêng ở khu trang trại của gia đình tại Cannstatt, ngoại ô Stuttgart , bỏ tiền túi ra để chế tạo chiếc xe động cơ bốn thì chạy xăng đầu tiên, có vỏ xe là khung một cỗ xe ngựa. Ít lâu sau, cả làng Cannstatt giật mình bởi tiếng nổ giòn giã rất lớn của chiếc xe chạy động cơ Diesel đầu tiên mà Gottlieb Daimler vừa chế tạo xong. Đó là năm 1885. Tiếp theo, Gottlieb Daimler quyết tâm chế tạo bằng được một chiếc xe ô tô thật sự bằng cách đem hết tiền gia đình mua cỗ xe ngựa “xịn” có đủ 4 bánh rồi lắp động cơ cho nó. Năm 1886 cả châu Âu đã chấn động bởi thông tin về chiếc xe 4 bánh chạy bằng động cơ đầu tiên trên thế giới được thử nghiệm thành công trên đoạn đường từ Cannstatt đến Stuttgart. Mặc dù chỉ đạt tốc độ chưa đến 20km/giờ nhưng điều kỳ tích là cái xe gỗ 4 bánh đã tự đi mà không cần ngựa kéo. Cái tên “Auto” cũng bắt nguồn từ nghĩa tự động đi được của xe.

Tôi tự hỏi: Nếu Gottlieb Daimler chờ xin dự án của Nhà nước, không bỏ tiều túi của mình ra cho đam mê sáng chế thì chắc còn lâu, lâu nữa, thế giới mới có xe hơi.

Liên tưởng đến trường hợp ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty Cơ khí Quốc Hòa (TP Thái Bình) nhiều năm đã bỏ tiền túi của mình ra say mê nghiên cứu chế tạo tầu ngầm mini với mục đích Việt Nam nhiều biển đảo, dùng tàu ngầm mini này có thể phục vụ thăm dò để đánh bắt hải sản, du lịch, cứu nạn, thăm dò đáy biển… Ông mong ước khi chế tạo được là đưa nó ra biển để thử nghiệm và cũng là chạy luôn.Nhưng một gáo nước lạnh đã dội thẳng vào ông khi phía cơ quan chức năng Thái Bình, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thái Bình (chưa phát ngôn chính thức) cho biết: Ông Hòa để tàu ngầm trong Cty, hoặc dùng xe chở tàu ngầm đi nơi khác thì không sao, nhưng nếu như ông Hòa đưa tàu ngầm xuống mặt biển thì sẽ… bắt. Mặt nước thuộc quyền kiểm soát của cảnh sát đường thủy, nếu ai đưa phương tiện nào xuống mà chưa được phép, nghĩa là ảnh hưởng đến an toàn của người khác, phương tiện khác nên cảnh sát đường thủy có quyền bắt.Lại một lãnh đạo Sở KHCN tỉnh này khi trao đổi với phóng viên cũng cho biết, ông Hòa làm tàu ngầm không báo cáo với Sở KHCN nên Sở cũng chỉ… đứng bên ngoài quan sát, nắm bắt sự việc.

Tôi tự hỏi, sao chính quyền sở tại không quan tâm ủng hộ việc làm tốt đẹp nhằm ích nước lợi dân của ông Hòa nhỉ? Sao Sở Khoa học công nghệ và các nhà khoa học chuyên ngành lại dửng dưng, không động viên, không giúp đỡ và không hỗ trợ ông Hòa về kiến thức trong lĩnh vực này nhỉ?

Đành rằng cái mới thường không phải bao giờ, lúc nào và ở đâu cũng được ủng hộ. Ông tổ sáng chế ra tầu ngầm là Simon Lake (1867 - 1945) cũng như vậy, chỉ có niềm say mê nhưng thiếu kiến thức và không có tiền cho việc sáng chế. Năm lên 10 tuổi, đọc cuốn truyện "20 ngàn dậm dưới đáy biển" (Twenty Thousand Leagues under the Sea) của Jules Verne, Lake đã mơ tưởng một ngày kia, sẽ chế tạo một chiếc tầu ngầm để dùng trong các công việc mò ngọc trai, khai thác các mỏ dầu, các quặng mỏ và vớt các hàng hóa bị chìm dưới đáy biển. Vào năm 15 tuổi, Simon phải tìm đọc những cuốn sách chỉ dẫn cách chế tạo tầu thủy, suy từ đó ra cách làm một tầu ngầm.Ông tìm thấy cách làm dụng cụ cho phép có thể thở dưới nước trong nửa giờ đồng hồ, rồi do nhiều thí nghiệm khác nhau, lại tìm ra được thể tích không khí thở cần thiết trong một đơn vị thời gian. Để tầu ngầm không bị cắm đầu xuống đáy biển, Simon nghĩ ra cách dùng các cánh nhỏ lắp tại mũi và đuôi, cho phép tầu lặn xuống mà vẫn giữ vị thế nằm ngang.
 
Phương pháp này ngày nay còn được mọi tầu ngầm trên thế giới áp dụng. Simon Lake còn tìm ra một phương pháp cho phép thủy thủ trong tầu ngầm ra ngoài để vớt các đồ vật dưới đáy biển. Để tự đóng một chiếc tầu ngầm. Ông tới Wall Street để tìm người ủng hộ công trình chế tạo nhưng Bộ hải quân Hoa Kỳ từ chối. Lake đành quay về với gia đình và nhờ bà con trợ giúp. Nhờ đó, chiếc tầu ngầm Argonaut Jr. dài 4 thước được thực hiện. Ngày hạ thủy con tầu ngầm Argonaut Jr. trên sông Shrewsbury được tiến hành một cách âm thầm. Lake và một người em họ đã dùng tầu ngầm này chạy qua lòng sông, quan sát được các sinh vật sống dưới nước và trở về an toàn. Do không đủ tiền phát triển tiếp công cuộc chế tạo, Simon Lake đành mang biểu diễn sớm chiếc tầu ngầm của mình trước công chúng. Nhiều người  nghi ngờ về khả năng của tầu ngầm, đã thử tài Simon Lake bằng cách buộc một miếng gỗ có viết tên vào một vật nặng rồi ném xuống biển. Lake đã dùng tầu ngầm vớt được đầy đủ các đồ vật đó lên để xóa tan mối hoài nghi của mọi người. Đấy là chuyện xưa. Nhưng chẳng lẽ ở thế kỷ 21 ngày nay, lại chính tại nước ta, cái mới cũng không được một số nhà quản lý nâng đỡ và ủng hộ sao?

Có vị cao đạo bảo rằng các nước tiên tiến đã có tầu ngầm từ lâu, vì vậy sao ta không mua về dùng, việc gì phải tốn tiền, tốn sức nghiên cứu chế tạo. Nghe ý kiến đó, tôi nhớ đến chuyện gần đây có một cậu con trai của ông bạn tôi hãnh diện khoe với cô bạn gái về gia tài của mình : “Cái biệt thự này là của bố anh cho anh. Cái chiếc ôtô kia là của mẹ anh cho anh.” Nghe mà chán! Giá anh ta khoe được với cô bạn gái rằng: “Cái biệt thự này là do anh có được bằng tiền của anh lao động làm ra. Chiếc ô tô kia là anh mua được cũng là do tiền của anh làm việc thời gian qua mà có” thì mới đáng để mà hãnh diện chứ?! Cũng vậy, nếu chúng ta bảo: “Cái tầu ngầm này là của chính Việt Nam chế tạo, cái máy bay kia là của chính Việt Nam sản xuất ra.” thì mới đáng khoe với các nước chứ?!
 
Tôi lại nghĩ đến nhà nước Malaysia có cả một chính sách ôtô quốc gia (NAP) nhằm khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư để biến Malaysia thành một trung tâm sản xuất xe với giá cả cạnh tranh. NAP cung cấp khoản tài chính khoảng 2 tỷ RM (0,63 tỷ USD), các biện pháp và những kế hoạch thực hiện nhằm tăng lượng xe xuất khẩu lên tối thiểu 200.000 xe hàng năm. Việc đẩy mạnh sản xuất xe ôtô của Malaysia không chỉ là để có xe ôtô giá rẻ dùng trong nước mà quan trọng hơn nữa là buộc phải kéo theo sự phát triển của công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo máy móc, công nghiệp điện tử …trong nước, do đó đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước họ. Nếu Malaysia nghĩ rằng các nước tiên tiến đã chế tạo ô tô từ lâu, vậy sao không mua về dùng, việc gì phải tốn tiền, tốn sức nghiên cứu chế tạo, thì chắc hẳn Malaysia mãi mãi là thị trường tiêu thụ ô tô của các nước khác và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước họ chỉ là ảo ảnh.

Chuyện trước kia và chuyện hiện nay là thế, sao ít ai để tâm đến nhỉ?

Tôi tự hỏi hoài và cố đi tìm được lời giải đáp, Thấy vậy, vợ tôi bảo tôi hâm.

Chán!

Nguyễn Đoàn