Từ cuộc chia tay trong sân trường Trần Đại Nghĩa

“Mấy ngày nay, Sài Gòn mưa rất nhiều, sân trường Trần Chuyên lúc nào cũng ướt đẫm. Và rồi hôm nay, mưa rơi ở Trần Chuyên (cách học sinh gọi Trường chuyên Trần Đại Nghĩa) - cơn mưa ngoài trời, cơn mưa trong lòng tất cả những học sinh, cựu học sinh, giáo viên, công nhân viên dưới mái trường Trần Đại Nghĩa - khi người Thầy hiệu trưởng đáng kính Lâm Triều Nghi chính thức chuyển công tác”, đó là những dòng đăng trên trang TĐN Confessions.


Học sinh xúc động chia tay thầy hiệu trưởng. Ảnh: Zing

Học sinh xúc động chia tay thầy hiệu trưởng. Ảnh: Zing

Giáo viên, học sinh, cựu học sinh, nhân viên Trường Trần Đại Nghĩa chia tay thầy hiệu trưởng trong nước mắt. Một thời khắc xúc động, chính thầy hiệu trưởng cũng không ngờ trước tình cảm của đồng nghiệp và học trò dành cho mình.

Thầy hiệu trưởng không biết là phải, bởi vì thầy làm việc tận tụy và thương yêu học trò như một điều gì đó rất tự nhiên. Với thầy, làm việc tốt là chuyện thật bình thường, giản dị, trách nhiệm. Thầy không làm vì lời khen, vì tiến thân, mà vì lòng yêu nghề của một nhà giáo thực sự. Chính vì điều đó mà thầy có sức thuyết phục, có sức thu hút mọi người. Sự tận tâm của thầy ghi dấu ấn trong tim của học trò, của đồng nghiệp, và nó có sức lan tỏa đến mọi người, từ đó hoạt động giảng dạy và học tập của trường tốt hơn, chất lượng hơn.

Chính học trò đã viết rằng “Thầy đã đến và đem lại cho chúng em sự tận tâm vô bờ bến”. Những trường dạy tốt, học tốt không thể thiếu vắng một thầy hiệu trưởng có tài và có đức, có chuyên môn và có lòng yêu nghề như thầy Lâm Triều Nghi.

Người viết bài này đã được gặp thầy Lâm Triều Nghi khi thầy còn làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cho nên không ngạc nhiên về cuộc chia tay đong đầy nước mắt này.

Có lần, chỉ cần một phụ huynh nhắn tin gặp, thầy Lâm Triều Nghi y hẹn đến ngay. Sau khi nghe vị phụ huynh này muốn giúp đỡ học sinh nghèo của trường đóng học phí, thầy vui mừng và bày tỏ sự biết ơn như nhận cho chính mình. Sau đó, thầy chu toàn từng việc, tìm đúng các em khó khăn thật sự để không làm phụ lòng người hảo tâm. Phải có lòng thương yêu học trò chân thành, vì sự học của dân mình thực sự, mới lo toan chu đáo như vậy.

Và qua thái độ cư xử với phụ huynh, ở thầy còn có một sức thu hút khác, đó là đức khiêm tốn. Làm hiệu trưởng toàn những trường danh tiếng ở TPHCM, nhưng thầy hiền từ, khiêm cung, nhã nhặn trước mọi người.

Hình ảnh đồng nghiệp và học trò khóc chia tay thầy hiệu trưởng trong sân trường Trần Đại Nghĩa thật đẹp, làm cho chúng ta tin rằng còn có rất nhiều người thầy đáng kính, đáng trọng, tình nghĩa thầy trò, truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn tồn tại trong xã hội.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động