Bạn đọc viết:

“Tứ chứng nan y” của người tham gia giao thông

(Dân trí) - Do rằng cuộc sống đẩy đưa, có ngày nào là ngày không phải ra đường, nhưng ngày nào cũng nhìn thấy những con người như đang mang những "bệnh nan y" hối hả xuôi ngược, cũng không khỏi chạnh lòng. Ai có thể chữa được những "căn bệnh" này???

Tứ chứng nan y của người xưa gồm: Mù, què, câm, điếc.  Xưa nghe câu chuyện của Xiển Bột đã trả lời Vua về tứ chứng nan y mà Vua đang mắc phải :Thiên hạ thấy Hoàng thượng suốt năm chỉ quanh quẩn trong cung điện nên họ lầm tưởng là ngài què. Nước sắp mất mà Hoàng thượng vẫn ung dung vui thú, nên họ lầm tưởng là ngài mù. Trước cảnh núi sông bị quân giặc dày xéo mà Hoàng thượng cứ ngồi im, nên họ tưởng là ngài câm. Khắp nơi người ta đều kêu Hoàng thượng là kẻ hèn yếu, khiếp nhược nhưng ngài vẫn làm ngơ ký hòa ước hàng giặc, nên họ lầm tưởng là ngài điếc.”

Nay là con cháu cụ Xiển, tuy chẳng dám bình phẩm về “Vua” nhưng cũng có đôi lời với “dân” , cụ thể là mấy người dân đang tham gia giao thông ngoài kia cũng như đang mắc phải vài chứng trong tứ chứng nan y kể trên.

Chứng thứ nhất
Nói khéo dại mồm, đã tham gia ngoài đường bây giờ như tham chiến vậy. Chẳng mấy ai ra đường mà không căng hết mắt ra mà nhìn, mù sao được. Nhưng xin thưa, dân ta thấy biển báo phân làn treo trên cao không theo,  phân làn dưới cũng không theo. Gặp đèn đỏ thì coi như không thấy, thế chẳng phải mù là gì?

Lại còn chuyện trộm cắp hoành hành trên xe bus bây giờ nữa. Mọi người đều nói rằng bọn đạo chích thường đi theo nhóm 4, 5 tên. Nhưng cũng xin cam đoan rằng chiếc xe bus có ít nhất là 40 hành khách  đi. Phụ nữ không nói đến nhưng chắc cũng phải có đến 20 anh thanh niên đi trên chuyến xe đó chứ. Nhưng vẫn làm ngơ. Đây phải gọi là có mắt như mù, mù con mắt, mù ngay trong lương tâm của họ. Ở đây cũng thấy 2 bệnh nữa là câm và điếc. Họ đã mù nên việc không dám nói lên kẻ đã trộm cắp như câm,  và cũng điếc luôn khi được hỏi.

“Tứ chứng nan y” của người tham gia giao thông - 1

Chỉ vì nhanh vài giây mà nhiều người đã mất mạng vì cố băng qua đường ray tàu hỏa (ảnh minh họa - nguồn ảnh: phapluattp.vcmedia.vn)

Đi trên đường thấy người bị nạn, họ xúm đông vào nhưng cũng chỉ là để xem người kia bị thương thế nào thôi, không hề có hành động tương trợ. Phải chữa ngay nếu không may  chúng ta phải để một em bé như bên nước láng giềng Trung Quốc phải nằm đó mà không ai ngó ngàng... Như vậy thì thật đáng buồn thay.

Chứng thứ hai

Chắc có người nhủ thầm: lại nhầm rồi. Phải nói lại rằng dân ta rất khỏe chân, khỏe tay.  Rào phân cách như thế mà họ tay vác xe, chân vượt rào.// Quả đúng là không sách bút nào miêu tả cho hết được. Nhưng chính điều này làm thành cái "bệnh" của nhiều người Việt ta, đó là lười , tham nhanh, ẩu, tính đến những cái lợi trước mắt mà bỏ qua cả những quy tắc luật lệ.

Lại có những người nhìn thấy tàu hỏa tới rồi mà vẫn lao cố, chen cố thêm vài centimet đường nữa.  Họ có què mà phải cố lê thêm vài centimet nữa hay chăng, hay họ quá bận bịu mà quên rằng có khi chỉ vài centimet đó mà có thể phải đổi bằng cả mạng sống của mình?

Có những người chỉ thêm mấy bước thôi là tới cầu vượt, cầu đi bộ, nhưng chắc là "chân què", "chân đau" nên chẳng lên được cầu. Cứ thế lao sang bên kia đường, mặc kệ cả đoàn xe đang lao thẳng vào mình, kệ vạch vôi mà người ta đã kẻ sẵn cho mình mặc dù chỉ cách đó mấy bước chân.

Kết

Do rằng cuộc sống đẩy đưa, có ngày nào là ngày không phải ra đường. Nhưng ngày nào cũng nhìn thấy những con người như đang mang trong minh những "bệnh nan y" kia mà hối hả xuôi ngược, cũng không khỏi chạnh lòng. Ai có thể chữa được những căn bệnh này?  Bệnh này là của chính các bạn, chính chúng ta. Việc có chữa được hay không là phụ thuộc vào chúng ta. Có bệnh thì vái tứ phương, nhưng nay nhìn thấy bệnh cũng muốn nói để mọi người cùng suy ngẫm… 
Bang Vu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm