Từ chối dân lập, tại chức vào công chức: Có quá lệ thuộc bằng cấp?
(Dân trí) - Thông tin tỉnh Nam Định không tuyển SV dân lập, tại chức vào công chức vừa công bố lập tức đã thu hút được nhiều ý kiến từ phía dư luận. Tuy nhiên trong số đó có nhiều phản biện với những quan điểm đáng chú ý.
Liệu có phải đem con bỏ chợ?
Chỉ mới một vài tháng trước thôi, Bộ Giáo dục & Đào tạo còn đau đầu trước tình trạng đầu hàng trăm, hàng nghìn trường Dân lập cả nước kêu cứu trước nguy cơ không đạt chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, vậy mà giờ đây khi năm học mới vừa bắt đầu thông tin từ tỉnh Nam Định khiến nhiều sinh viên đang theo học các trường Đại học Dân lập, Tại chức lo lắng.
“Nếu như vậy có phải là quá bất công đối với những sinh viên học dân lập không? Không hẳn những sinh viên học dân lập là kém cũng như không có kĩ năng chuyên môn. Thậm chí có một số sinh viên lựa chọn học dân lập để cho mình được hưởng sự giáo dục tốt hơn. Hiện tại cơ sở vật chất của các trường dân lập khá tốt. Sự lựa chọn trường học của một số sinh viên như trên nhẽ nào là sai lầm? Nếu mọi tỉnh đếu như tỉnh Nam Định thì nhưng sinh viên dân lập sẽ đi đâu về đâu? - vân: bemupdtu@gmail.com băn khoăn.
(nguồn ảnh: internet)
Thất vọng vì sự phân biệt của tỉnh nhà, Hiền: nguyenthithuhien@gmail.com chán nản: “Mình cũng là 1 dân Nam Định chính cống! Mình đang là kế toán làm việc tại TP.HCM. Với cái bằng trung cấp trong tay mình đang cố gắng học liên thông để có tấm bằng đại học để quay về quê hương. Đọc bài báo này mình thấy hết đường tìm về quê mẹ rồi ... Mình biết ngay từ hồi bước chân vào cấp 3 sự phân biệt giữa Dân Lập và Công Lập ở quê hương Nam Định đã khá rõ. Hồi ấy mình thi vào trường PTTH A Hải Hậu (1 trường công lập tốt nhất ở Hải hậu) không đủ điểm, mình đủ điểm học trường dân lập Hải Hậu thôi nhưng vì trường mang tên dân lập ba mẹ mình không cho đi. Mình đành lỡ học 1 năm, cuối cùng mình cũng đậu trường Hải Hậu A chính cống, nhưng tới 3 năm sau khi thi ĐH mình cũng chẳng đậu phải đi học trung cấp, còn đứa bạn của mình đi học Dân Lập thì lại đậu ĐH đó thôi. Từ đó mình nghĩ rằng sự cố gắng và bản lĩnh làm việc với là yếu tố quan trọng. Hãy cho những người học dân lập chứng tỏ khả năng và chuyên môn của họ qua cuộc phỏng vấn và làm bài test để kiểm tra. Như vậy mới thật sự công bằng và khách quan. Bằng giỏi ở Đại Học có khi không phải năng lực của mình mà có khi là mua = tiền hoặc thi giùm mà có”
“Sân chơi không bình đẳng. Tôi đồng ý với bạn có ý kiến trên, dân lập hay công lập đều có người này người kia, chỉ khổ cho những người ham học và có điều kiện phù hợp cho bản thân mình trên con đường công danh. Đừng đem con bỏ chợ cứ đào tạo, thu được tiền là xong, sống chết mặc bay ư?” - Phan Bá Tuân: tuan29673@yahoo.com.vn bức xúc.
Mục đích tốt nhưng cách làm chưa thỏa đáng
Mục đích thì tốt nhưng cách làm thì không chuẩn , quá lệ thuộc bằng cấp. Vì hiện tại chất lượng đào tạo của nhiều trường Dân lập còn khá hơn trường công lập thuộc tốp " giữa và tốp dưới " . Muốn nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức thì hãy tổ chức thi tuyển thật công bằng và khách quan ( Chỉ sợ tỉnh Nam Định không làm được việc này ) . Mặt khác, những người quyền cao chức trọng và đại gia của Việt Nam mình hiện nay , thử hỏi có mấy người có bằng cấp xịn trước khi thành danh và những sinh viên du học dưới hoặc bằng điểm sàn Đại học thì dùng vào việc gì ? Người gửi: Nguyễn văn Vương: vuongnguyenvan1961@gmail.com
“Theo tôi, Ông/Bà ra quyết định đã vi phạm pháp luật khi giới hạn quyền tự do của công dân. Hơn nữa đây là thi tuyển chứ không phải xét tuyển, thi tuyển là để chọn người tài giỏi. Nếu SV tốt nghiệp Dân lập, Tại chức không được tham dự thi tuyển thì e rằng đây cũng là tiền lệ xấu, vì lỡ sau này có Tỉnh X không tuyển phụ nữ đã lập gia đình, không tuyển dân tộc thiểu số… Cá nhân tôi đề xuất tổ chức thi kiểm tra trình độ giữa SV tốt nghiệp trường Dân lập, Tại chức với cá nhân Ông/Bà ra quyết định trên để kiểm chứng trình độ của các bên” - Trần Quốc Tuấn: dayhoc@yahoo.com
Đưa ra minh chứng là bằng cấp không phải là điều quan trọng nhất trong tuyển dụng Nguyễn Quốc Đạt: nguyenquoc.dat60@gmail.com viết: “Quyết định này thể hiện sự yếu kém và bất lực trong công tác tuyển chọn công chức. Ở các công ty tư nhân hoăc liên doanh người ta tuyển chọn theo năng lực thực tế. Bằng cấp của trường này trường nọ chỉ là tham khảo ban đầu. Các buổi thi tuyển rất nghiêm túc và họ tìm được người phù hợp nhất trong số ứng viên. Còn ở cơ quan nhà nước thì thi tuyển chỉ là một hình thức hợp thức hóa cho người nhà vào cơ quan nhà nước miễn có bằng cấp theo qui định. Cho nên quyết định của Nam Định trong thời điểm này là không hợp lý”
Tương tự, Võ Minh: vandn3@gmail.com nhận định: “Việc tuyển dụng như vậy là biểu hiện của sự kỳ thị bằng cấp. Tuyển dụng là lựa chọn người tài, bằng cấp chỉ là một tiêu chí mà thôi, cũng không phải là tất cả. Hẳn ai cũng biết, sinh thời Bác hồ chỉ nhận mình là người có trình độ học vấn tương đương lớp 4. Còn biết bao vị lãnh đạo tự học, tự hàm thụ mà trở thành chính khách nổi tiếng. Ông Bil Gate một doanh nhân người Mỹ, nhà từ thiện, tác giả và chủ tịch tập đoàn Microsoft, hãng phần mềm khổng lồ cúng chưa tốt nghiệp đại học, sau này nhận bằng danh dự. Việc phân biệt đối xử trong tuyển chọn là sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị không đáng có. Hãy tuyển dụng khách quan, công bằng theo quy định hiện tại của nhà nước BÌNH ĐẲNG, KHÁCH QUAN, CÔNG KHAI, DÂN CHỦ.
“Theo tôi, nhiều trường Đại học tư thục như RMIT, Hoa Sen,... chất lượng tốt. Không thi sao biết là ai hơn ai? Tỉnh Nam Định làm như vậy là không công bằng. Nên chăng cần nghĩ cách làm sao cho thi công chức là thi thật sự chứ không phải là thi "chạy" để mọi người cùng được thi bình đẳng: ai giỏi hơn thật sự thì được vào” - Thanh: nguyenthanh275@gmail.com đề xuất.
“Tôi nghĩ thi tuyển theo năng lực thì nên cho mọi đối tượng thi. Nếu tỉnh nào cũng như tỉnh Nam Định thì khác nào nói không với trường Ngoài công lập. Trong khi chủ trương Xã hội hóa giáo dục của Nhà nước ta không phải như thế. Hy vọng quan điểm của những người đứng đầu tỉnh Nam Định sẽ thay đổi trong thời gian tới” - Lưu Đức Dương: luuducduong@yahoo.com
……….
Từ việc làm này của tỉnh Nam Định mong rằng các nhà giáo dục sẽ tìm ra những phương pháp hữu hiệu đối với chính “đứa con” do mình cấp phép, để không chỉ Đại học Công lập và Dân lập, hay Tại chức đều có giá trị như nhau.
Trần Bách