Từ chiếc bao cao su cho dân đến tấm phiếu đi chợ theo ngày chẵn/lẻ

Bao cao su (BCS), một phương tiện tránh thai phổ thông, không có gì là dung tục hết. Và việc Quảng Nam xin hỗ trợ, vì lo dân có thai ngoài ý muốn, thật ra, còn hơn cả chữ lo.

Từ chiếc bao cao su cho dân đến tấm phiếu đi chợ theo ngày chẵn/lẻ - 1
Phiếu đi chợ theo ngày chẵn lẻ đang lan truyền khắp mạng xã hội như một điển hình về sự hài hước và thái quá trong phòng chống dịch (Ảnh: internet)

 Câu chuyện Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Quảng Nam xin hỗ trợ phương tiện tránh thai cho dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được chia sẻ từ chính người dân, với có lẽ là rất nhiều nụ cười ý vị.

Mỉm cười, vì sự tế nhị. Và mỉm cười, vì sự ngộ nghĩnh, đáng yêu của cái đề xuất này nữa cơ.

Ông Chi cục trưởng Chi cục Dân số vừa nói thế này: Từ đầu năm, Quảng Nam bị ảnh hưởng rất lớn vì dịch COVID-19 khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhiều gia đình không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhưng vì dịch COVID-19 dẫn đến thất nghiệp, khó khăn chồng chất, thậm chí nhiều gia đình không có khả năng mua phương tiện tránh thai.

Và ông Chi cục trưởng nói giản dị: Tháo gỡ được khó khăn nào cho người dân thì tháo gỡ thôi.

Lo cái bao cao su, lo phương tiện tránh thai, lo nguy cơ có thai ngoài ý muốn..., nhìn nhận công bằng đi, thực chất còn hơn cả chữ lo, đó là cách chăm sóc dân, từ những nhu cầu nhỏ nhất.

Câu chuyện chiếc BCS ở Quảng Nam đang cho thấy, nếu mỗi chính sách, mỗi biện pháp gây ảnh hưởng bắt đầu từ thực tế, xuất phát từ nhu cầu, và nếu nó thật sự vì quyền lợi của dân thì bao giờ cũng được nhiệt liệt tán thành.

Nhưng cũng câu chuyện thời sự là những tấm phiếu đi chợ theo ngày chẵn/ lẻ ở Đà Nẵng.

Đại ý là các quận/huyện phân chia tần suất đi chợ của người dân: từ 12.8, mỗi hộ gia đình đi chợ 3 ngày/lần và được phát 10 phiếu vào chợ/tháng.

Cơ quan đề xuất quy định cũng với mục đích tốt đẹp là để thực hiện giãn cách để chống dịch thôi. Nhưng một câu hỏi phải đặt ra, nếu người dân, vì nhu cầu, đi chợ quá số lần quy định thì sẽ xử lý thế nào?

Phạt 200 ngàn? Hay bêu tên người đi chợ như cách TP. Hạ Long từng định làm, và bị dân phản đối?

Đi chợ, tới hiệu thuốc, hay "chuyện yêu"... là những nhu cầu thiết yếu của thiết yếu, để đảm bảo những nhu cầu tự nhiên, đôi khi mang tính sinh tồn... không thể. Nhưng có nên cấm hay hạn chế? Bởi điều đó có nghĩa là chúng ta chưa tin tưởng vào ý thức của người dân, điều đó, có nghĩa là việc tuyên truyền của chúng ta chưa thật sự hiệu quả đo lường bằng việc tự ý thức của dân.

Trên tất cả, hãy suy nghĩ từ người dân trước bất kỳ biện pháp, chính sách tác động đến số đông nào. Bởi nếu không có sự cốt lõi là lợi quyền của dân, những “sáng kiến” sẽ chỉ là tối kiến, sẽ trở thành sự thô bạo trong quá trình thực hiện mà thôi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm