Giới thiệu sách

Trào phúng Nguyễn Đoàn trong lòng độc giả

(Dân trí) - Nguyễn Đoàn luôn có sự chừng mực cần có của một nhà văn trào phúng Việt Nam hôm nay. Nghĩa là anh biết giới hạn nụ cười của mình trong cái “vòng kim cô” đủ để người ta phải suy ngẫm nhưng không thể tức giận, nổi đóa. Anh biết dừng lại đúng ở khuôn khổ của sự phê bình xây dựng vô tư và có phần hồn hậu mà không bước sang ranh giới đả kích cay cú, vô nguyên tắc

 

Trào phúng Nguyễn Đoàn trong lòng độc giả - 1

Vẽ bìa: Họa sĩ Văn Sáng (NXB Hội Nhà Văn)

Nguyễn Đoàn không chọn cách gây cười tức thì. Rất ít khi ông khiến người ta cười phá lên, hả hê cho bõ và thông thường sau đó cũng dễ cho qua. Ông khiến người ta đi từ trạng thái tò mò, theo dõi, luôn đưa ra những phán đoán và thường phán đoán nhầm, để rồi khi vỡ lẽ thì cười một mình, cười mỉm, cười chua chát, cười cay đắng, cười không vui mà buồn đau, căm ghét và nhất định phải suy nghĩ tiếp cùng với tác giả”.

Đó là nhận xét của Nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập cho tác phẩm “Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt”, cuốn sách là tập hợp những truyện chọn lọc gần đây nhất của Nhà báo Nguyễn Đoàn đăng tải hàng tuần trên chuyên mục Blog và Diễn đàn ở báo điện tử Dân trí, vừa được NXB Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành 2015.

Những truyện cười này khi chưa được in thành sách, cũng đã được bạn đọc đón nhận với một niềm vui hồ hởi. Nhiều và rất nhiều bạn đọc đã gửi thư điện tử (comment) bày tỏ sự ngưỡng mộ cây bút trào lộng Nguyễn Đoàn.

Bạn Trần Hiền – Hộp thư tranhienkt@yahoo.com tâm sự: “Tôi hoàn toàn tâm đắc với bài viết đầy triết lý sự thật này. Hai mặt đối lập của một vấn đề, vậy mà chỉ có một mặt thì làm sao có kết luận đáng tin cậy cho một vấn đề được? Và tại sao có thể nêu danh của người bán mà không thể nêu đích danh của người mua? Nếu dám đưa hai mặt của vấn đề này ra thì chắc chắn vấn nạn này sẽ được giải quyết về cơ bản và không ai dám đi mua cái gì mà nhà nước cấm” – (Không có chuyện người mẫu bán dâm).

Bạn Nguyễn Đăng Minh Thành (nguyendangminhthanh@gmail.com) đồng tình: “Tôi hiểu sự bức xúc của tác giả gửi vào bài báo. Bản thân tôi khi đứng ở khía cạnh cá nhân cũng có những sự bức xúc đó. Người chống tiêu cực lại bị xử lý như thế thì ai còn dám đứng lên chống tiêu cực nữai”. (Bối rối chuyện đời).

Bạn Lê Liêm leliem123@yahoo.com) nhận xét: “Tôi nghĩ bài viết dí dỏm, sâu sắc và mang tính thời sự. Ở Việt Nam, lúc nào người ta cũng nói người hiền tài là nguyên khí quốc gia nhưng người ta có coi trọng những nguyên khí đó đâu. Những người giỏi đều phải ra đi làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài hết. Vì sao? Vì ở Việt Nam ta chế độ sử dụng, đãi ngộ không đủ sức níu kéo họ, cơ chế chưa phù hợp nên nhiều khi người có tài, thông minh chưa chắc đã có cuộc sống tốt hơn người kém tài hơn”. (Ô kìa nguyên khí quốc gia!).

Bạn Công Doanh (songbien2225@gmail.com) đánh giá: “Đúng là một bài viết hay! Ảo thuật của ta không học mà còn giỏi vậy, chứ các nhà ảo đã được học qua trường lớp, còn giỏi hơn kia. Việt Nam ta còn nhiều nhà ảo thuật giỏi lắm”. (Các “ảo thuật gia” đại tài của Việt Nam!).

BạnTiến Hùng (tovo.01.44@gmail.com) còn… 2 lần bái phục:

“Bái phục! Bái phục Nguyễn Đoàn! Còn nhớ ngày nào bác còn công tác ở Tổng cục Bưu Điện, với tiểu phẩm "Phải kỷ luật cơn bão số 3", bác đã "gạch tên bão số 3 (năm 1980) ra khỏi hệ thống danh mục bão Việt Nam vì can tội không chịu nghe chỉ đạo của Tổng cục Khí tượng -Thuỷ văn" hồi đó, nên đã gây bao nhiêu tang tóc, mất mát cho nhân dân”. (Rửa tay nhưng không gác kiếm).

Bạn Trần Hà (havnn@vnn.vn) mong muốn: “Bài viết của Nguyễn Đoàn rất hay, rất đáng khâm phục. Khâm phục là không phải ai thấy điều xấu, bất bình cũng đều nói ra, viết ra và chia sẻ cho mọi người biết. Mong rằng, anh sẽ có nhiều sức khỏe và điều kiện để nói lên những điều mà xã hội, người dân, bức xúc để góp phần đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực làm cho xã hội tiến bộ hơn”. (Sửng sốt công nghệ tàng hình của Việt Nam).

Bạn Lê Công Dân (gen006@yahoo.com.vn) còn ví von đầy… chất thơ: “Bài viết hay thật, rất nhẹ nhàng dí dỏm. Xem xong cả nhà cùng cười. Đúng là "Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành". Tôi mơ rằng trong một tương lai không xa, Hà Nội ta lại trên bến dưới thuyền tấp nập như ngày xưa đó. Khi đó tất cả các con phố đều là những dòng sông. Chúng ta sẽ lập kỷ lục thế giới là thành phố có nhiều sông nhất. Thế chẳng phải là thơ mộng lắm sao?”. (Hà Nội ngập do đàn ông… ghen!).

Bạn Tô Hiển (toquanghien@gmail.com) trách: “Nguyễn Đoàn ơi, sao Đoàn ác thế? Có mấy nụ cười tôi để dành 3 ngày tết để cười, Đoàn làm tôi cười hết rồi, tết tôi lấy đâu cười để cười nữa, hỡi Nguyễn Đoàn?”. (Vì sao người Việt Nam sống thọ?!).

Bạn Hồ Sỹ Nguyệt (luatsuhsn2005@yahoo.com) đề nghị: “Hôm nay tôi vào blog của Dân trí, đọc được bài của bạn. Suy ngẫm về "bài toán thời gian" đó, tôi thấy mình đã để thời gian trôi đi quá nhiều mà không tận dụng được. Đã để lãng phí những việc mình có thể cống hiến cho đời. Thời gian không thể để lãng phí. Một ngày không làm được một việc gì có ích để cống hiến cho đời thì buồn biết bao. Rất cảm ơn Nguyễn Đoàn. Cho mình được copy bài này có trích tác giả và nguồn gốc để gửi cho những người bạn thân trẻ tuổi của minh nhá”. (Bài toán cuộc đời).

Riêng bài “Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt ”, đã có hàng trăm comment gửi về tòa soạn với rất nhiều những lời khen ngợi. Bạn Minh Dũng  (minhdungxkld@gmail.com) viết: “Nguyễn Đoàn viết quá hay, sắc sảo, phải cố gắng hơn nữa nhé bác Đoàn, thì may ra mới phơi bầy được những quan chức nào tham nhũng ra ánh sáng cho dân đỡ khổ. Thời gian qua toàn vụ án lớn, nghìn tỷ đồng, triệu Yên, triệu Đô, ấy thế mà ít thấy có vụ nào cơ quan thanh tra phát hiện ra, đa phần là do báo chí phát hiện và người dân tố cáo. Theo tôi phải động viên các nhà báo và công dân đã có những bài điều tra giúp phòng chống tham nhũng, tệ nạn ở các quan tham thời nay”.

Bạn Huedo (huedoyamha@gmail.com) bày tỏ: “Hay quá bác Nguyễn Đoàn ạ! Nhưng chuyện nóng bỏng ở xã hội ta là lợi ích nhóm,, ô dù, con ông cháu cha... "

Bạn Đỗ Văn Mác (domactd@gmail.com) so sánh: “Bài viết tuyệt vời, thật là sâu sắc, nhưng tôi nghĩ những kẻ tham quan kia vẫn tìm cách bao che cho nhau thôi. Vì lợi ích nhóm mà, phải tìm cách bảo vệ nhau chứ. Có không ít cán bộ giả tạo, lúc nào cũng nói hết mình vì nước vì dân, nhưng thật sự họ chỉ tìm cách kết bè, kết phái ăn tiền của nước, của dân thôi, sống không bằng lũ chuột nhắt kia”.

Trên đây chỉ là một vài trong số hàng vạn ý kiến bạn đọc gửi về báo điện tử xung quanh những bài viết của Nhà báo Nguyễn Đoàn mấy năm qua. Gần đây nhất bình luận về bài “Đừng bảo là không có ma nhé!”, Bạn Trần Quốc Bình nhận xét về phong cách viết của Nguyễn Đoàn:  “Có ma, tôi cũng tin như bác Nguyễn Đoàn, vì… ngòi bút của bác có "ma lực" luôn cuốn hút tôi. Câu chuyện của bác mà không có cách nào dứt ra được. Cách dẫn dắt câu chuyện hài hước nhưng lại phản ảnh đúng thực trạng 100% những vấn đề nổi cộm đang được dư luận quan tâm. Còn phần kết luận luôn luôn mở tạo nét dí dỏm mà không hề hời hợt mà thâm thúy. Xin bắt tay bác thật chặt với lòng ngưỡng mộ. Điều này hoàn toàn thật lòng, không hề có ma…!”

Cách đây 4 năm, (2011) khi tác giả cho ra mắt cuốn "Người thành thị méo mó”, người viết bài này đã viết về Nguyễn Đoàn: “Trong nghề cấm bút, những tác giả viết trào phúng dễ gây cho người khác sự khó chịu. Con người ta vốn vậy. Lời chê đúng thì muôn đời vẫn là liều “thuốc đắng” dù có “giã tật” nhưng không phải ai muốn uống. Thế mà Nguyễn Đoàn, một cây bút hiếm hoi của làng trào phúng Việt Nam đã cười qua gần 40 năm mà vẫn được từ quan đến dân đều muốn đọc.

Lý do là bởi Nguyễn Đoàn luôn có sự chừng mực cần có của một nhà văn trào phúng Việt Nam hôm nay. Nghĩa là anh biết giới hạn nụ cười của mình trong cái “vòng kim cô” đủ để người ta phải suy ngẫm nhưng không thể tức giận, nổi đóa. Anh biết dừng lại đúng ở khuôn khổ của sự phê bình xây dựng vô tư và có phần hồn hậu mà không bước sang ranh giới đả kích cay cú, vô nguyên tắc.

Tính đến nay, Nguyễn Đoàn đã có 7 đầu sách. Đó là “Đồng tiền lêu lổng” – NXB Tổng hợp Nghĩa Bình – 1989; “Hãy kỉ luật chồng tôi” – NXB Văn hóa Dân tộc – 1991; “Những người thích cười” – NXB Văn hóa Dân tộc (in chung) 1999; “Nghịch lý đời thường” – NXB Văn hóa Thông tin – 2003; “Truyện cười người Hà Nội thời bao cấp và thời Kinh tế thị trường” – NXB Thanh niên – 2009; “Người thành thị méo mó” – NXB Văn hóa Thông tin và Truyền thông – 2011 và cuốn sách mới đây nhất “Chuyện nghe lỏm từ lũ chuột nhắt” – NXB Hội Nhà văn – 2015.

Xin chúc mừng Nguyễn Đoàn xuất bản thêm một tác phẩm mới, mong anh mãi xứng đáng với niềm tin yêu nơi độc giả!

Bùi Hoàng Tám