Tránh tình trạng luật mới ban hành đã phải xem xét sửa đổi

Ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại buổi thảo luận, những vấn đề về tuổi thọ của các luật, Bộ luật ở Việt Nam chưa cao; sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau… là những bất cập liên quan đến công tác xây dựng pháp luật được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ nguyên nhân.

Tránh tình trạng luật mới ban hành đã phải xem xét sửa đổi    - 1

Đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP.Hải Phòng). Ảnh: quochoi.vn

“Lãng phí nguồn lực trí tuệ của nhân dân”

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.Hồ Chí Minh), việc bổ sung, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này là cần thiết. Bởi thực tế cho thấy, công tác xây dựng luật và pháp lệnh trong thời gian vừa qua dù có chuyển biến tích cực, khắc phục được một số bất cập, tuy nhiên tính hiệu quả chưa thấy rõ. Bà Tâm nêu nguyên nhân chính của vấn đề này là xuất phát từ năng lực xây dựng các dự thảo luật do cơ quan chủ trì. Đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

Đại biểu Tâm cũng dẫn ví dụ để chỉ ra bất cập trong công tác làm luật ở Việt Nam hiện nay. Khi xây dựng dự án luật, có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến nhân dân được tổ chức; ĐBQH cũng phát biểu, tranh luận nhưng cuối cùng không biết ý kiến được tiếp thu không. “Việc này không được phân minh. Nên nó lãng phí nguồn lực trí tuệ của nhân dân rất lớn, của cả ĐBQH nữa” - bà Tâm nêu.

Từ những bất cập này, bà cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần quy định rõ cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm tới cùng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và phải thể hiện sự cầu thị.

Đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP.Hải Phòng) nêu có tình trạng luật ban hành một vài năm đã phải xem xét, sửa đổi. Vậy việc phải sửa đổi sớm như vậy là do thực tiễn cuộc sống thay đổi quá nhanh hay là do chất lượng của luật? Ngoài ra kế hoạch xây dựng luật hàng năm luôn bị phá vỡ, thường xuyên có tình trạng điều chỉnh, rút ra đưa vào dự án luật trước mỗi kỳ họp. Hồ sơ dự án luật gửi cho ĐBQH chậm là khá phổ biến, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu cho ý kiến của đại biểu, trừ đại biểu tham gia cơ quan thẩm tra có thể được tiếp cận sớm hơn. Ngoài ra, nội dung dự thảo luật đi qua từng kỳ thảo luận thẩm tra, tiếp thu có khi thay đổi khác hẳn so với dự thảo ban đầu…

Chỉ ra nguyên nhân của những bất cập trên, đại biểu Hải cho rằng nằm ở hoạt động hoạch định chính sách và phân tích chính sách.

Có sự chồng chéo

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng có tình trạng cơ quan, tổ chức phản ánh luật này và luật khác chồng chéo quyền nhiệm vụ giữa các cơ quan. Như vậy các văn bản luật chưa bảo đảm tính thống nhất. Do đó bà Trang đề nghị phải quy định các luật, nội dung thể chế hóa những quy định cụ thể. Ngoài ra, cần phải tham chiếu quy định tại luật chung và quy định tiếp các nội dung trong các trường hợp cụ thể không nên quy định lại những nội dung đã được quy định.

Bà Trang nêu ví dụ như luật quy định về tài sản do các dân sự thì phải dẫn chiếu đến Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư. Theo hình thức đối tác công tư thì phải tham chiếu đến Luật Đầu tư và quy định cụ thể hơn đối với trường hợp nhà nước hợp tác với tư nhân đầu tư dự án như vậy mới đảm bảo tính liên kết giữa các văn bản luật, các quy định không rời rạc. “Ban soạn thảo khi dự thảo các văn bản luật phải rà soát tất cả văn bản liên quan để quy nạp và dẫn chiếu trong văn bản luật, nội dung bảo đảm luật được áp dụng có hiệu lực thi hành” - vị đại biểu này nêu.

Theo Cao Nguyên - Đặng Chung

Báo Lao động