Trăn trở mối quan hệ thầy trò

Coi trọng sự học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi để làm nên giá trị nhân bản của việc học hành. Người thầy luôn được cả xã hội tôn kính, người được nhân dân gửi gắm niềm tin về việc học hành và sự thành đạt của con em họ.


Kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi để làm nên giá trị nhân bản của việc học hành.Ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi để làm nên giá trị nhân bản của việc học hành.Ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vừa qua, một cô giáo tiểu học bị phụ huynh học sinh bắt phải quỳ tới 40 phút bởi lỗi đã trách phạt con họ khiến cho những người làm nghề chèo lái con thuyền tri thức không khỏi đau lòng, xót xa, cảm thấy bị xúc phạm. Xã hội nhận thấy nét đẹp của truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã bị xuống cấp tới mức báo động, hình ảnh người thầy vốn thiêng liêng, cao đẹp từ xa xưa đến nay bị làm xấu đi. Nhân đây, chúng tôi xin bàn về mối quan hệ giữa thầy và trò trong xã hội xưa và nay.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Người dân Việt Nam dù ở giai đoạn nào của đất nước, vẫn coi trọng sự học, neo vào con chữ để cho con em được học hành thành người, thành tài, thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn là một nét đẹp mang đậm tính nhân văn của văn hóa Việt Nam. Coi trọng sự học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi để làm nên giá trị nhân bản của việc học hành. Người thầy luôn được cả xã hội tôn kính, người được nhân dân gửi gắm niềm tin về việc học hành và sự thành đạt của con em họ.

Từ vị trí quan trọng của người thầy, ông cha ta đã đúc rút thành quan niệm và trở thành đạo lý từ ngàn đời nay “Lương Sư hưng Quốc”. Một xã hội muốn hưng thịnh, muốn phát triển thì phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học. Đó là cái gốc để làm nên sự phát triển bền vững của một đất nước. Đạo lý đó được cha ông ta gửi gắm vào câu ca dao được truyền tụng từ bao đời nay: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Trong xã hội xưa, mối quan hệ thầy và trò đã được nhắc đến và được cụ thể hóa qua những bài học, lời dạy bảo của thầy đối với trò và cử chỉ, hành động “Tôn sư trọng đạo” của trò đối với thầy. Tuy nhiên, mối quan hệ thầy và trò trong xã hội xưa so với xã hội ngày nay có một màu sắc khác, một đặc trưng riêng biệt. Xuất phát từ việc coi trọng sự học, hình ảnh người thầy luôn được nhân dân nhìn nhận là những bậc “đạo cao đức trọng”, là “khuôn vàng thước ngọc” để dạy người.

Vì thế, người thầy trong xã hội xưa luôn có một khoảng cách nhất định đối với học trò. Thầy có “đạo làm thầy”, trò có “đạo làm trò”, mỗi người đều có bổn phận để làm tròn vai vị trí của mình. Người thầy trong xã hội xưa luôn có thái độ nghiêm khắc trước học trò. Từ lời nói, cử chỉ, hành động của thầy đều thể hiện tính “mô phạm” để giáo dục học trò. Hình ảnh thầy đồ ngồi giảng bài trên chõng tre, bên dưới là những cậu học trò cặm cụi viết chữ, ngồi im nghe lời thầy giảng mà không dám trò chuyện riêng hay làm việc riêng là hình ảnh quen thuộc trong xã hội xưa. Đôi khi, trò vi phạm, nhất là vi phạm đạo đức, thầy trách phạt, thậm chí dùng roi đánh vào tay, vào lưng, thậm chí từ chối sự giáo dục để học trò nhận ra lỗi lầm của mình nhưng trò và gia đình không hề kêu ca, không hề trách mắng thầy vì họ đều nhận thức được rằng, có như vậy, bản thân mới nên người, mới cố gắng học hành để thành đạt. Khi ấy, trò chỉ có một cách duy nhất là khoanh tay hoặc quỳ lạy để mong thầy tha thứ và tiếp tục cho học.

Người thầy trong xã hội xưa luôn dạy học trò phải tự soi mình để mà rèn luyện bản thân. Thầy luôn coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho trò để mỗi người khi thành đạt trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài. Vì vậy, trong mối quan hệ thầy – trò, thầy luôn đặt ra yêu cầu cao đối với học trò như phải biết lễ nghĩa, thưa gửi khi gặp thầy, phải giữ chữ tín, đi đứng phải đúng mực, phải biết sửa lỗi khi mắc lỗi…Có như thế mới giữ đúng đạo làm trò. Học trò khi gặp thầy phải đứng từ xa mà cung kính vái chào, khi thầy cho phép đi, cho phép vào gặp thầy thì mới được thực hiện.

Đối với học trò trong xã hội xưa, người thầy luôn là bậc bề trên, người sẽ giúp họ học hành và đỗ đạt, trở thành những người có địa vị trong xã hội. Tuy là “khuôn vàng thước ngọc” để học trò noi theo, tuy mô phạm nhưng người thầy luôn gần gũi, thương yêu học trò. Thầy luôn coi trò là con, trong cách xưng hô, trò luôn xưng con khi nói, thưa gửi với thầy. Vì thế, với bổn phận là học trò, những người học trò trong xã hội xưa luôn học theo câu nói của cổ nhân: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Họ vừa kính trọng thầy dạy, vừa có những hành động để thể hiện lòng biết ơn thầy như những ngày lễ tết, học trò đến nhà để chúc tết thầy. Dân gian vẫn có câu: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết chú, mùng 3 tết thầy”. Người thầy là người đặc biệt quan trọng để mỗi khi tết đến xuân về, học trò đến tri ân thầy. Một hình ảnh, một cử chỉ thật đẹp mà có lẽ đến nay đã bị mai một, đó là cách trò chào thầy. Khi gặp thầy giữa đường hay ở sân trường, trò đứng nghiêm lễ phép, bỏ mũ đang đội trên đầu rồi cúi đầu chào thầy. Đó là cách trò thể hiện sự kính trọng đối với thầy.

Mối quan hệ giữa thầy và trò trong xã hội xưa không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực của xã hội mà chủ yếu xuất phát từ những triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của thầy đối với trò đều mang tính giáo dục. Đồng thời, sự trách phạt của thầy cũng mang hàm lượng giáo dục cao. Người thầy “đạo cao đức trọng” là người luôn giữ phẩm chất cao đẹp, trong sáng, không đòi hỏi hay ép buộc gia đình học trò phải cung phụng hay biếu xén bất cứ thứ gì, thầy luôn lấy giáo dục làm đầu và luôn coi sự thành đạt của trò là uy tín, tài năng đức độ của thầy.

Ngày nay, xã hội phát triển và đổi thay từng ngày. Vì thế, quan niệm về sự học và mối quan hệ giữa thầy và trò cũng khác trước, mang một màu sắc mới trên nền tảng những giá trị nhân văn từ truyền thống. Ở giai đoạn nào, xã hội cũng coi trọng việc học hành, đặc biệt, xã hội càng phát triển thì việc học của con em nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu để mỗi đứa trẻ khi lớn lên vừa lập thân, vừa lập nghiệp. Ở xã hội ngày nay, khoảng cách giữa thầy và trò không cách xa như trước. Thầy và trò gần gũi, thân thiện hơn. Mối quan hệ giữa thầy và trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như trong xã hội xưa mà có phần được giảm nhẹ, giản hóa những quy định về lễ nghĩa.

Đặc biệt, cách dạy trò của thầy cũng thay đổi. Không còn là thầy ngồi trên cầm chiếc thước hay cầm roi như xưa nữa. Đồng thời, việc trách phạt hay mắng mỏ của thầy khi trò mắc lỗi dường như đã giảm đi rất nhiều. Các nhà trường đều phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để nhằm tạo một môi trường thân thiện giữa thầy và trò. Các cách ứng xử giữa thầy và trò cũng khác trước rất nhiều. Điển hình như thầy phải dạy bảo trò một cách nhẹ nhàng với những phương pháp giáo dục tích cực chứ không không được đánh mắng hay sử dụng những hình phạt như: Cho đứng xó, phạt lao động, đứng trước cờ…

Thầy không được chê trách học trò dốt mà phải đánh giá là học sinh chưa ngoan để tìm cách giáo dục cho học sinh tiến bộ…Khoảng cách giữa thầy và trò ngày nay cũng khác trước. Trò có thể đứng gần trò chuyện, hỏi han bài vở với thầy, trò có thể gọi tên thầy từ xa, có thể gọi điện, nhắn tin hỏi bài thầy rồi cùng thầy cô đi dã ngoại, trải nghiệm thực tế…

Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa thầy và trò. Điều đó dẫn đến những vụ việc không mong muốn nơi học đường như: Gia đình học sinh dùng tiền hay những món quà vật chất để mong thầy nương nhẹ, giúp đỡ con em mình. Thầy trách phạt học trò một cách phản giáo dục dẫn đến việc hình thành những mâu thuẫn không nhỏ giữa phụ huynh với giáo viên, với nhà trường. Cũng có thầy cô vì đồng tiền, vì thu nhập mà tổ chức dạy thêm trái quy định...

Mối quan hệ giữa thầy và trò quá suồng sã làm mất đi tính mô phạm trong giáo dục. Và những câu chuyện đau lòng hơn đã và đang diễn ra trong xã hội ngày nay như: Thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh đánh, chửi rủa giáo viên khi họ đứng ra bênh vực con em mình…Điều đó đã như “con sâu làm rầu nồi canh” khiến cho xã hội không khỏi trăn trở về nền giáo dục, một lĩnh vực đặc biệt của xã hội là dạy người, đào tạo người.

Thiết nghĩ, ở bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển xã hội, hình ảnh người thầy và sự học cũng luôn và cần được coi trọng. Trong đó, mối quan hệ thầy và trò luôn được duy trì trong quá trình giáo dục. Để giữ đúng tính nhân văn trong quan hệ giữa thầy và trò, các nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý “Tôn sư trọng đạo” thông qua các ngày lễ lớn, đặc biệt là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm để học trò tri ân thầy cô.

Tích cực sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục, tổ chức hát các ca khúc truyền thống về mái trường, thầy cô giáo. Các trường sư phạm cần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên để cung cấp cho xã hội những người thầy tốt về đạo đức, giỏi về chuyên môn. Hằng năm, các địa phương cần tổ chức tốt công tác bồi dưỡng giáo viên để mỗi giáo viên nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Các nhà trường cần làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục. Khi có sự việc xảy ra trong mối quan hệ giữa thầy và trò, các nhà trường cần xử lý triệt để và rút kinh nghiệm để tránh xảy ra những sự việc tương tự.

Có thể nói, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của xã hội thì đối với người thầy phải luôn giữ đúng đạo làm thầy để trở thành những người thầy mẫu mực, được học trò và nhân dân kính trọng. Còn học trò phải luôn giữ đúng đạo làm trò để trở thành những con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội./.

Theo Nguyễn Thế Lượng

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam