Trăn trở cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh về phim Việt

(Dân trí) - Bài viết của Đạo diễn Đặng Nhật Minh về một vấn đề trọng tâm của nền điện ảnh nước nhà có thể nói như tạo thêm cú hích, để tất cả những ai từng yêu phim Việt, từng thần tượng các nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật thứ bảy cùng “ngoảnh đầu nhìn lại”…

Poster phim Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh
Poster phim Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh

 

Sự lỏng lẻo cố tình?

 

Thời vàng son của ngành Điện ảnh VN (ĐAVN) rõ ràng đã qua lâu rồi, và những dấu ấn mà phim ảnh VN tạo dựng được trong trong lòng công chúng (bao gồm cả chính chúng tôi – những nhân viên của ngành ĐAVN thời ấy, từng yêu từng thước phim VN như yêu thương những đứa con tinh thần của chính mình) xem ra cứ nhạt nhòa dần.

 

Thậm chí thực tế có lẽ cũng gần đúng như điều mà bạn Hiếu Nguyễn trunghieu0603@gmail.com phải  đặt câu hỏi lâu nay vẫn nhức nhối trong lòng nhiều người dân VN:

 

“Tôi có một câu hỏi là: ngoài việc làm phim điện ảnh có lẽ chỉ chủ yếu là để tham gia các liên hoan phim ra, thì có còn mục đích gì nữa không? Bởi vì tôi thấy hầu như các phim điện ảnh lớn được đưa đi liên hoan phim quốc tế, nhưng đến 80% người dân không được xem phim điện ảnh đó. Xin trích đoạn: "Ông được nhắc tới với những bộ phim lớn như  “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”... Đặc biệt với phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”. Thử làm một trắc nghiệm xem có bao nhiêu phần trăm người dân hiện nay đã xem những phim lớn của đạo diễn Đặng Nhật Minh, cụ thể là có bao nhiêu người dân VN hoặc đã biết đến hoặc đã xem?”

 

Thật ra vấn đề được đạo diễn Đặng Nhật Minh lật lại hôm nay có lẽ cũng không mới, kể cả cách nói thẳng, nói thật như vậy thì trước ông cũng đã có không ít nghệ sĩ thể hiện rồi. Nhưng kết cục vẫn như vậy phải chăng bởi nhiều nghệ sĩ VN ta bao năm qua đã quá quen với cơ chế làm việc kiểu Xin – Cho như đạo diễn Đặng Nhật Minh nhấn mạnh trong bài viết. Mà khi đã không “mạnh vì gạo”, thì ai có thể “bạo vì tiền” được kia chứ?

 
Hơn nữa, thường thì mấy ai vừa giỏi được về chuyên môn nghệ thuật vừa kiêm toàn cả được về kiến thức kinh tế, nhất là giỏi được cả về các thủ thuật kinh doanh với rất nhiều sự phức tạp, rắc rối trên thương trường VN hiện nay (vốn dĩ bị nhiều người kêu ca là thường biến động gần như chẳng theo quy luật nào để có thể dự đoán trước được).

 

Vậy nên, dù là những người ngoài cuộc, đa số ý kiến bạn đọc cũng nghiêng theo những phân tích của đạo diễn Đặng  Nhật Minh về những vấn đề còn nhức nhối trong “làng Cinema Việt” hiện nay. Bởi thực tế là những minh chứng sống động nhất mà mỗi người ít nhiều đều có thể tự mình nếm trải ở nơi này, nơi khác trong những lĩnh vực khác nhau, để từ đó đều có thể rút ra những kinh nghiệm để so sánh với những gì đã và đang diễn ra với nền ĐAVN.

 

Tình trạng “cha chung không ai khóc”, buồn và đau xót thay, đâu chỉ là “đặc sản” của riêng ngành điện ảnh nước nhà?

 

“Theo tôi, tất cả đều xuất phát từ việc quản lý tài chính kém. Cộng với tệ tham nhũng và sự thiếu coi trọng tài năng của các nghệ sĩ” - Tran Van Phu: phu.tranvan@hotmail.com

 

“Có ở đâu mà cách làm việc lại như ở Việt Nam ta? Thường là các bác ấy cứ dĩ hòa vi quý để chia nhau tiền là chính mà” - Abc:  tckh_40@yahoo.com

 

“Đâu riêng gì lĩnh vực điện ảnh, đầu tư công hầu như ở đâu cũng đều như thế cả. Nguyên nhân chính ai cũng hiểu - đó là người ta đều dựa vào đấy để tham ô, tham nhũng. Hơn nữa, mối quan hệ giữa họ như 'tình cha – con'. Bao nhiêu lỗi lầm của 'con' đều được 'cha mẹ' bỏ qua hết, còn các 'con' thì với số tiền 'cha mẹ' chu cấp cứ tiêu thoải mái, hết thì xin - miễn sao tìm được lý do 'hợp lý'. Không phải vốn của mình thì việc gì phải nghĩ ngợi nhiều, cuối cùng có chuyện gì thì lại đổ tại cơ chế hay do khả năng có hạn, nên huề cả làng. Quản lý như thế mà có hiệu quả mới tài” - Nam:  phuongnambp@yahoo.com

 

“Không  phải chỉ mỗi lĩnh vực điện ảnh đâu, mà tôi thấy hầu như tất cả các ngành nghề của chúng ta đều na ná như vậy – chi rất nhiều nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu. Ở đâu dường như cũng có hiện tượng bị biến thành chỗ để mà… chia nhau tiền, thế thôi! Tất cả là do sự quản lý lỏng lẻo, mà cái chính lại là do có những người cố tình tạo ra sự lỏng lẻo để có lỗ hổng mà chia chác. Vậy thôi!” - Do Thanh Lien: locgatrong@yahoo.com

 

“10 tỷ đồng có khi đã có thể giúp cả 1 xã thoát nghèo. Vậy mà mang đi làm những bộ phim chả mang lại lợi ích gì, xót xa quá? Tôi nghĩ là phải đấu thầu công khai, thông báo trên báo chí rõ ràng. Không kể hãng phim Nhà nước hay tư nhân, miễn sao làm được phim tốt, phim hay là được. Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là công khai cho các nhà làm phim được đấu thầu. Ai có tài sẽ được làm, như vậy tiền Nhà nước sẽ không lãng phí cho những bộ phim kém chất lượng, và ĐAVN sẽ có thể khởi sắc trở lại” - Trần Văn Thảo:  thaotranvn34@yahoo.com

 

“Chán quá ! Sao mà cứ vác tiền kinh phí cũng là từ tiền thuế của dân đóng góp đi đặt những hàng hóa không phục vụ nhân dân thế nhỉ ? Lâu lắm rồi tôi chưa được xem bộ phim nào của VN ở dạng nhà nước đặt hàng mà lại hay cả!” - Minh433:  minh433@yahoo.com.vn

 

“Cứ nhìn lại mà xem, hầu như cái gì mà tiền của của Nhà nước đầu tư thì kết quả gần như… đều thế hết” - Trần Đại Vũ:  daivu1966@gmail.com

 

“Có riêng gì trong điện ảnh đâu. Ở nước ta hầu như tất cả các lĩnh vực nào được đầu tư nhiều thì đều có trọng điểm, đều xuất phát từ các quyết định, nghị quyết hẳn hoi, nhưng có cái nào hiệu quả đâu. Thôi thì các vị "công bộc" giàu là được rồi” - Hoàng Thanh Phong:  thanhphong@yahoo.com
 
Đạo diễn Đặng Nhật Minh (
Đạo diễn Đặng Nhật Minh (trái) chỉ đạo làm phim

 

Câu hỏi dễ người, khó ta 

 

Câu hỏi được đạo diễn Đặng Nhật Minh “đặt ra” quả như bạn đọc có nick Damlop  tuan74@gmail.com đã phải kêu lên: 

 

“Thế mà đạo diễn cũng phải hỏi tại sao ư? Một điều mà ai cũng nhận thấy là tại sao nhà nước chi nhiều tiền mà hiệu quả lại ít – đó là vì tiền nhà nước chi đã… chui vào túi của các ông cán bộ quản lý hết  rồi còn đâu…. Câu hỏi đó chắc một người nông dân cũng trả lời được mà…”

 

“Tôi không hiểu từ ‘hiệu quả’ ở đây phải giải thích như thế nào? Hiệu quả là số lượng người xem hay là hiệu quả về tuyên truyền? Có lẽ chúng ta nên quan tâm đến việc sử dụng đồng tiền đầu tư sao cho có ‘hiệu quả’ thì đúng hơn, sử dụng đồng tiền sai mục đích mới là việc làm đáng lên án nhất hiện nay” - Tuan Dung: dungtc1984@yahoo.com

 

“Đạo diễn lại đặt câu hỏi… vô lý nữa rồi. Làm thế để cho… có việc làm vậy thôi. Điều đó trong lòng ai mà không biết chứ? Tôi thấy ở nước ta hầu như làm bất cứ việc gì nhiều người đều đặt trọng tâm ở… cái túi của mình hết,  chứ có mấy ai lấy thành quả làm trọng tâm đâu mà phát triển được…” - Lê Duẫn:  leduan2015@yahoo.com

 

"Tại sao trong điện ảnh nhà nước chi tiêu nhiều mà hiệu quả lại rất ít?. Thế tại sao không đặt câu hỏi này cho tất cả mọi người, trước hết là dân Việt và tìm câu trả lời? Tôi muốn xác nhận một lần nữa rằng: không bao giờ tôi xem phim do Việt Nam sản xuất, vì:

 

+ Thứ nhất: không có kịch bản hay (nhạt, thiếu… duyên, không rõ ràng...).

 

+ Thứ hai: không có diễn viên giỏi (chủ yếu là phô diễn trước ống kính, có thể có một số người đẹp trên màn hình nhưng họ lại không có nghiệp vụ, không phải là chuyên nghiệp).

 

+ Thứ ba: lồng tiếng, thuyết minh hay thu âm trực tiếp không thật với ngoài đời thường (người xem bằng mắt, bằng tai, bằng trí tuệ, sự cảm nhận...hầu như chẳng thấy ‘có gì cả’ ở phim Việt Nam).

 

+ Thứ tư: chủ yếu chỉ thấy như những phiên bản bắt chước, học theo điện ảnh thế giới, nhưng lại không có được bản sắc riêng, thiếu trình độ để đạt được theo như ý người làm  phim mong muốn....

 

Xem ra vẫn còn nhiều hạn chế khó khắc phục lắm, nên chắc… còn lâu mới có phim Việt hay. Tôi thì đã không còn muốn xem phim Việt Nam vì xem mà cứ… tức anh ách” - Hà Thị Nhinh:  xdpdtdt@yahoo.com

 

Ba chữ T và hồn Việt trong phim Việt

 

Chắc chắc nếu làm một cuộc thăm dò dư luận, thì tâm trạng “xem phim mà… tức anh ách” sẽ chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng số người xem phim Việt hiện nay. (Ngay cả với bản thân tôi là người từng làm việc hơn 10 năm trong ngành ĐAVN, từng là 1 trong những fan hâm mộ phim của các đạo diễn nổi tiếng: Đặng Nhật Minh, Hồng Sến, Hải Ninh… thì cũng đã lâu lắm rồi dường như bị “đứt dây thần kinh cảm xúc” với đa số phim VN hiện nay).

 

“Phim VN giờ có nhiều cảnh ‘nóng”, nhiều cảnh không cần thiết quá… Toàn thấy những  phim xoay quanh chuyện yêu đương đâu đâu. Diễn viên đóng nói chung là chưa đạt, vì nhìn thấy rất… giả tạo. Có vẻ như bắt chước phim Hàn Quốc nhưng lại cũng không đạt…  Người xem không có chuyên môn cũng có thể thấy được sự… thiếu chuyên nghiệp… Thật đáng buồn cho nền ĐAVN… Bao giờ mới có những bộ phim hay như ngày xưa đây? Chứ phim VN giờ ‘nóng’ không ra ‘nóng’, ‘Hàn’ không ra ‘Hàn’, cứ dở dở ương ương” - Hiến:  Haiphongquetaoi@gmail.com

 

“Nhìn người lại ngẫm tới ta. Bản thân tôi và nhiều người xem Việt Nam có lẽ đều nhận thấy rất rõ một thực tế là: Phim Việt Nam càng ngày càng… nhạt, từ kịch bản, bối cảnh đến diễn xuất của diễn viên. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những bộ phim như Làng Vũ Đại ngày ấy, Chị Dậu, Cánh đồng hoang...Thời kỳ đó quả là khó khăn đối với điện ảnh nước nhà, vậy nhưng kịch bản phim rất rõ ràng, bộc lộ được mục đích của bộ phim cần nhắm tới. Đặc biệt là bối cảnh dàn dựng, diễn xuất của diễn viên rất tốt, khiến khán giả dễ bị lôi cuốn vào từng thước phim, tạo nên cảm xúc thực sự. Còn làm phim thời nay, nghĩ mà…  thấy nản!” - Chính Vinh:  nguyenvuong.trang@gmai.com

 

“Phim Việt Nam thiếu tác phẩm hay bởi không có hồn Việt trong đó. Đa số phim không khai thác được các nét văn hóa đặc sắc, diễn viên đóng phim  mà cứ như thể vô cảm với nghệ thuật ấy…” – Nguyen Ninh:  Ninhyennguyen@gmail.com

 

“Cá nhân tôi thấy xem phim Việt Nam cứ như là xem kịch, không hiểu các đạo diễn có nhận ra điều này không???” - Võ Hoàng Long:  vo_hoanglong@yahoo.com

 

“Tôi thấy có lẽ VN chưa đủ trình độ làm phim truyện xứng tầm thế giới, mặc dù có hàng núi tiền đổ vào. Giống như nước Mỹ hoặc TQ vẫn không có được đội bóng đá lọt được vào TOP 10 (xếp hạng TG), mặc dù đổ vào đó khá nhiều tiền. Theo tôi thì hãy biết lượng sức mình, đừng tham vọng quá. Có vài chục tỷ mà quản còn chả xong, để mất rồi lại đổ cho một kế toán quèn chạy trốn” -  Ngọc Sơn:  sonngahuy@yahoo.com
 
Poster phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh
Năm 2011 chỉ có 2 phim Mùi cỏ cháy và Tâm hồn mẹ được hoàn thành từ tiền tài trợ của Nhà nước (Cảnh phim Tâm hồn mẹ, ảnh minh họa từ báo TTVH)

 

Bao giờ lại như… ngày xưa

 

Mơ ước đó được không ít bạn đọc bày tỏ, như Thu Hồng hongthu.234@yahoo.com bộc bạch:

 

“Cách đây vài ngày trên VOV TV phát lại bộ phim ‘Bao giờ cho đến tháng Mười’ của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Thật sự đây là lần đầu tiên tôi xem bộ phim này 1 cách hoàn chỉnh. Và phải nói rằng quá tuyệt vời, tôi khóc suốt cùng bộ phim. Một dàn diễn viên quá tuyệt, một cô Lê Vân quá đẹp, diễn xuất chân thật. Một chú Hữu Mười diễn xuất không thể chê vào đâu được và cả cậu bé đóng vai cháu Tuấn nữa, trẻ con ra trẻ con. Lâu lắm rồi, sau hàng loạt phim Mỹ mà tôi yêu thích, bộ phim này đã làm tôi nghĩ lại về điện ảnh Việt và lại mong chờ... bao giờ cho đến ngày xưa như thế. Khi ta làm phim thật, tâm huyết thật, vì cái tâm thật... sẽ có những giá trị thật như thế”.

 

Song có vẻ như mơ ước đó vẫn là quá xa vời, viển vông, khi cơ sở vật chất của ngành ĐAVN bao năm rồi vẫn chẳng… khởi sắc được là bao:

 

““Xin nói thêm: Để có 1 bộ phim xem được, chưa nói là thật hay, cần những người tham gia làm phim (tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên...) phải có những tố chất và điều kiện như sau: 1- Có TÀI. 2- Có TÂM. 3- Có TIỀN. Chỉ cần thiếu 1 yếu tố (quan trọng nhất là cái TÂM) bộ phim đã khó thành công rồi. Các bạn xem lại xem điện ảnh nước ta có đủ 3 yếu tố trên không, rồi hãy đòi hỏi nhé! Hơn 30 năm trước Điện ảnh VN hầu như chỉ có 2 điều kiện: TÀI và TÂM, chứ hồi đó TIỀN ít lắm mà phim vẫn hay.

 

Giờ thì làm phim như phát trên TV là tốt quá rồi, các bạn đừng đòi hỏi những gì quá sức với điện ảnh nước nhà nhé!  Các bạn cứ đến hãng phim Truyện VN ở Thụy Khê (Hà nội) hay mấy xưởng phim khác sẽ rõ ngay: Thiết bị máy móc thì 5 cha 3 mẹ. Máy quay của Đức, ray trượt của Nhật chẳng hạn, rồi vô số chi tiết của...Trung Quốc nữa. Trang phục, đạo cụ quay xong chất đống. Mang về hàng tháng sau mới làm sạch, giặt giũ. Đoàn làm phim của Mosfiml (Nga) đến họ còn… phì cười. Còn diễn viên giờ chủ yếu chọn từ...ca sĩ, người mẫu, thậm chí cả từ các ‘con ông cháu cha’, người quen... Cung cách làm việc nhìn chung thường là cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp. Thái độ thiếu cầu thị như thế mà vẫn ra được những bộ phim như trên TV là tốt quá rồi, các bạn đừng nên đòi hỏi… quá” - Lê Văn Đức:  duc@vndtravel.vn

 

Phim VN nhìn dưới 2 góc độ: Thương mại hóa và Văn hóa

 

Nhìn từ bên ngoài, có thể những góp ý của bạn đọc chưa đi đúng vào thực chất của vấn đề vốn dĩ khá phức tạp không chỉ của riêng ngành Điện ảnh này. Song chắc chắn những góp ý của bạn đọc đều xuất phát từ tình yêu phim ảnh VN, và họ chắc cũng cùng chung mong muốn lấy lại được hồn cốt cho một nền ĐAVN  đậm đà bản sắc dân tộc.

 

“Muốn đầu tư điện ảnh có hiệu quả và đi vào thực chất, thì bài viết của Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã nói lên được phần nào rồi. Nhưng theo tôi, cần phải chú trọng thêm những điểm sau: (1) Cần xã hội hóa điện ảnh; (2) Điện ảnh cần hoạt động theo cơ chế thị trường (Cung - Cầu); (3) Nhà nước quản lý điện ảnh bằng luật, kể cả quản lý về tài chính” - Đào Duy Tính:  daoduytinh@daoduytinh.vn

 

“Bài viết của nghệ sỹ nhân dân Đăng Nhật Minh rất hay. Tôi chỉ mong bài viết này đến được với những người có trách nhiệm của ngành Văn hóa nói chung và ĐAVN nói riêng” - Tâm:  truongthanh3010@gmail.com

 

“Làm phim theo như những gì đạo diễn chỉ ra là rất đúng và chỉ có những người tâm huyết với nghề mới nhìn thẳng và nói thẳng như vậy. Chúng ta nên nhìn nhận về phim theo 2 góc độ: Thương mại hóa và Văn hóa.

 

+ Thương mại hóa là nên chăng để doanh nghiệp và hãng phim làm việc với nhau. Doanh nghiệp đặt hàng và có những quảng cáo sản phẩm của mình trên phim, giống như các bộ phim của nước ngoài mà chúng ta vẫn thường xem (tất nhiên nội dung phải mang tính thuần Việt chứ không lai căng kiểu... chẳng giống ai như không ít phim hiện nay).

 

+ Văn hóa chính là các bộ phim có tầm vóc mà đạo diễn đang nhắc tới dùng để quảng bá thương hiệu Việt ra năm châu, bốn bể và khích lệ lòng tự tôn, tự hào dân tộc, phim do nhà nước đặt hàng. Việc đặt hàng của nhà nước nên chăng cần tách bạch các khâu. Ví dụ như đặt hàng viết kịch bản riêng và trả tiền trực tiếp cho tác giả. Đặt hàng làm phim riêng. Có như vậy mới mong có được những sản phẩm điện ảnh VN chất lượng được” - Kieu Thu Dung:  dungvoice@yahoo.com

 

“Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói quá đúng. Khi đấu thầu nên công bố rộng rãi để cho cả tư nhân và các nhà sản xuất phim độc lập tham gia và đấu công khai. Như vậy Điện ảnh Việt sẽ có cơ hội khởi sắc và các tài năng sẽ có cơ hội được làm việc, cống hiến sức mình phục vụ khán giả” - Nguyễn Văn Dũng:  dungvanhn201@yahoo.com

 

“Tôi nhận thấy ĐD Đặng Nhật Minh là người dũng cảm, thông minh và sâu sắc. Đến bây giờ mà Nhà nước vẫn còn đặt hàng làm phim thì tôi nghĩ lạ thật, vì rõ ràng chỉ tốn tiền thuế của dân đóng góp vào kinh phí NN, mà không giúp cho nền điện ảnh VN có nhiều bộ phim hay, có giá trị nghệ thuật cao đâu” - Tr.Tr:  YTC@yahoo.com

 

“Tôi ở ngành giáo dục. Tôi rất tâm đắc với quan điểm của ông Đặng Nhật Minh. Tôi cũng nghĩ rằng nhà nước cũng không nên cấp hết tiền cho ông "giám đốc" ở giáo dục, mà cấp cho người học rồi họ học ở đâu thì do họ. Trường tốt thì nhiều người đến học, rồi sẽ phát triển. Trường kém thì hết 'khách'. Thầy tốt thì nhiều nơi thuê. Thầy kém thì tiến sỹ cũng cho nghỉ việc. Thế là hết tham nhũng. Thế là hết chạy bằng cấp. Thế là giáo dục gần hết tiêu cực. Thế là thay đổi được toàn diện và căn bản giáo dục Việt Nam. Thế là hết dạy chay, hết làm chứng từ khống. Cũng giống như ngành điện ảnh cả thôi” – Tran Van Khai:  tranvankhaipgd@gmail.com

 
Thay cho lời kết, chúng tôi xin được trích trả lời phỏng vấn  của ông Brian Hall - Chủ tịch HĐQT Cty MegaStar - đơn vị hiện dẫn đầu trong lượng phim nhập ngoại về Việt Nam, đăng trên báo Lao Động ngày 30/8: Các đạo diễn nói chung trên toàn thế giới đều có thể mắc những lỗi mà đạo diễn VN mắc phải. Và điều khó khăn nhất mà đạo diễn VN gặp phải đó là vấn đề vốn làm phim, khả năng và sức sáng tạo của họ có thể bị hạn chế bởi kinh phí thấp…Tôi muốn nhắn nhủ đến các đạo diễn VN rằng, khi làm phim các bạn đừng quá chú ý đến kỹ xảo, hành động mà lãng quên nội dung đích thực của bộ phim.
 
Tựu trung lại, điều đó xem ra cũng gắn với những gì được nhiều bạn đọc nhắn nhủ tới các nghệ sĩ VN thể hiện qua các phản hồi: Đừng quên hồn Việt trong phim Việt! Và quan trọng nhất là yếu tố "ba chữ T" cần được thể hiện ở cả các nhà quản lý và nghệ sĩ điện ảnh...
 
Thanh Nguyễn