Kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10:

Trải lòng của một Luật sư

Nhận thức và đánh giá của xã hội về nghề LS đã hẳn là đúng hay chưa; chất lượng LS tại Việt Nam như thế nào; Nguyện vọng của LS là gì

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

"... Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần phát triển kinh tế, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” (Trích Lời nói đầu – Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam). Tuy nhiên, nhận thức và đánh giá của xã hội về nghề LS đã hẳn là đúng hay chưa; chất lượng LS tại Việt Nam như thế nào; Nguyện vọng của LS là gì…

Nhân kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) từ thực tiễn, trải lòng về những vấn đề này:

Nhận thức của xã hội về nghề LS đã tương xứng với tốc độ phát triển của đất nước chưa?

Nghề Luật sư có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, từ khoảng cuối thế kỷ 19. Mặc dù đã phát triển từ lâu nhưng do Việt Nam phải trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nên có thời gian bị gián đoạn. Năm 1987 nhà nước cho ra đời Pháp lệnh Luật sư, các đoàn Luật sư được thành lập hầu hết trên cả nước nhưng hoạt động còn yếu. Những thành phần Luật sư giỏi đã già yếu hoặc di cư ở nước ngoài, chỉ còn lại một số rất ít LS còn hoạt động tại Việt Nam. Mãi sau này, nghề luật phát triển trở lại nhưng cũng rất chậm chạp. Bước ngoặc lớn nhất là vào năm 2001 (sau này là Luật Luật sư năm 2006) là năm ra đời pháp lệnh luật sư. Lúc này LS được hoạt động độc lập, không phụ thuộc bất cứ tổ chức nào. Pháp lệnh này chính là niềm cảm hứng cho những lớp thanh niên theo nghề, điều này cũng phù hợp với thời kỳ đổi mới, cải cách kinh tế xã hội, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Như vậy, nhìn vào sự phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam, thực tế người dân mới được tiếp cận trở lại với nghề Luật sư và người Luật sư. Do đó, các cá nhân, tổ chức, bao gồm cả nhà nước và doanh nghiệp chưa có điều kiện hiểu biết chính xác và rõ ràng về nghề Luật sư. Có thể nói đó là sự khó khăn lớn nhất của những người làm nghề luật.

Mặc dù vậy, xã hội chưa có cái nhìn khách quan và đầy đủ về nghề Luật sư, nhưng tôi tin là không còn bao lâu nữa tình trạng này sẽ được cải thiện một cách triệt để. Nghề Luật sư tại Việt Nam có thể ví như “đang trong cơn ngái ngủ trong một giấc ngủ dài” và sẽ không còn bao lâu nữa sẽ “tỉnh táo hoàn toàn”.

Trong những năm gần đây, nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày một gia tăng và tương lai sẽ còn tiếp tục gia tăng, theo anh số lượng Luật sư ở Việt Nam liệu đã đủ đáp ứng với nhu cầu này hay chưa?

Cùng với sự phát triển của đất nước, nghề Luật sư tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, ngày càng tăng trưởng và lớn mạnh không ngừng. Trong những năm gần đây, số lượng Luật sư đã tăng rất nhiều so với trước khi Pháp lệnh Luật sư 2001 có hiệu lực.

Mặc dầu hiện đã có sự tăng trương vượt bậc trong nghề LS (hiện nay cả nước hơn 9000 Luật sư), tuy nhiên với số dân trên 90 triệu, số lượng này còn tương đối thiếu nếu so sánh với các quốc gia khác. Với tỷ lệ 1Luật sư/1vạn dân là rất  thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Các nước trên thế giới có thể tính theo tỷ lệ 1LS/1000 người (ở Singapore là 1/1.000, ở Mỹ là 1/250 v.v…). Vì vậy, con số này chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của xã hội. Nhận thức được như vậy, Đảng và nhà nước cùng với Liên đoàn Luật sư  đang tìm giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt này.

Giới LS tại Việt Nam đã hết mình nỗ lực hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ, tạo uy tín, đạo đức nghề nghiệp hay chưa? Chất lượng của LS Việt Nam hiện nay như thế nào?

Như đã nói ở trên, nghề LS hiện đã và đang phát triển không ngừng và để có được kết quả này thực sự không dễ dàng khi nhận thức của xã hội về nghề LS chưa tương xứng với tốc độ phát triển. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng của bản thân giới LS trong quá trình hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ và xây dựng vị trí trên cơ sở uy tín, đạo đức nghề nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải khách quan mà nói rằng: chất lượng Luật sư Việt Nam hiện nay chưa được hoàn chỉnh, cần phải nỗ lực rất nhiều thì mới đáp ứng được nhu cầu xã hội. Do các thế hệ Luật sư xuất phát từ những môi trường đào tạo khác nhau như lớp Luật sư tiêu biểu (Phan Văn Trường…) đào tạo tại Pháp; một làn sóng Luât sư khác là các cử nhân học ở trường Đại học luật Đông Dương như Luật Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Manh Tường, Nguyễn Hữu Thọ, Trương Đình Dzu…, thế hệ tiếp theo là những người miền Nam Việt Nam học luật ở các nước Anh, Mỹ nhưng nay hầu hết không còn hoạt động và sau này là làn sóng những người được đào tạo ở khối các nước Đông Âu. Những thế hệ khác biệt này đã tạo ra những luồng tư tưởng, trường phái luật pháp không thống nhất. Các quan điểm, hệ thống pháp luật vì thế thiếu tính xuyên suốt.

Hơn nữa, nghề Luật sư ở Việt Nam thiệt thòi bởi trải qua quá trình “ngủ đông” dài, dẫn đến tình trạng thiếu hụt về số lượng và yếu về chất lượng khi trở lại là điều đương nhiên. Chính vì thế, giới Luật sư cần phải hoàn thiện và hoàn thiện hơn nữa về kỹ năng. Tuy nhiên, tôi cũng nhìn thấy điểm sáng của Luật sư Việt Nam. Đó là Luât sư Việt Nam đang lĩnh hội rất nhanh các quan điểm tư tưởng luật pháp tiên tiến trên thế giới, có sự miệt mài, say mê trong nghề nghiệp. Hiện đã và đang có một thế hệ trẻ được đào tạo luật một cách bài bản ở những nước hàng đầu trên thế giới.

Người LS có mong muốn, nguyện vọng gì đặt ra với xã hội, với công chúng 

Luật sư Trương Anh Tú
Luật sư Trương Anh Tú

 

Trong một xã hội “khó sống” đối với nghề Luật sư, từ chủ quan đến khách quan dẫn đến quá trình tác nghiệp rất vất vả, nhưng thực tế Luật sư Việt Nam đã biết vượt lên muôn vàn khó khăn. “Trong cái khó, ló cái khôn”, Liên Đoàn Luật sư hàng ngày vẫn phải gồng mình với bao thách thức và đã dần tự khẳng định được mình. Giới Luật sư nói chung  đã và đang tiếp tục vững vàng, sáng tạo để phát triển.

Tố chất của người Việt ta là thông minh điều đó đã được những người Luật sư phát huy rất tốt, ngoài ra nhìn chung các Luật sư thường giỏi suy luận logic, cần cù, chịu khó, đặt chữ “tâm” lên hàng đầu và tôi tin rằng cùng với thời gian và sự ủng hộ của nhà nước, giới Luật sư Việt Nam sẽ không thua kém bất cứ Luật sư nào trên trường quốc tế.

Nhân ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, tôi có nguyện vọng là mong sao chính quyền và người dân tiếp tục hỗ trợ cho nghề Luật sư, tăng cường sự hiểu biết đối với nghề luật bằng nhiều hình thức khác nhau vì mục tiêu chung dân giàu, nước mạnh, công bằng của đất nước. Là Luật sư - chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để hỗ trợ cho người dân, doanh  nghiệp, nhà nước để cùng nhau hướng tới mục tiêu đó.

 

Cảm nhận của Đàm Thuận Thao - Người thanh niên đã được LS Trương Anh Tú minh oan trong vụ án “Chiếc dùi đục tưởng tượng”: “Thú thật, là đàn ông mà lúc tòa tuyên bố tôi được tự do như muốn vỡ òa trong tôi. Tôi như muốn trào nước mắt. Giọt nước mắt của sự minh oan, của sự biết ơn sâu sắc đến LS. Trương Anh Tú - người LS cương trực, sắc sảo đã không quản khó ngại tìm ra công lý cho tôi. Có lẽ mãi sau này không bao giờ tôi quên được ánh mắt của chú ấy cùng với những câu nói ân cần dành cho tôi, động viên tôi vững tin vào chú ấy những ngày chưa được minh oan. Cuộc sống đẹp biết bao khi có những người LS như vậy”.

Vũ Văn Tiến