Trách nhiệm của người lớn!

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không là chuyện của riêng ai. Bảo vệ sinh mạng trẻ em cũng không thể nói nhiều làm ít, mà cần hành động quyết liệt.

Trách nhiệm của người lớn! - 1
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: Bá Phương)

Theo thống kê, hằng năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Con số này đã khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong đó, 70% trẻ đuối nước ở lứa tuổi dưới 15. Có 53% trường hợp đuối nước xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, hồ, sông, suối, kênh mương không có sự bảo vệ của người lớn.

Những con số trên là một nỗi đau, lời cảnh báo sâu sắc cho mỗi bậc cha mẹ và toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ tai nạn đuối nước ở học sinh cũng đã ở mức báo động. Đặc biệt, mùa hè chỉ mới bắt đầu, nhưng những ngày gần đây, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh các vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở khắp các tỉnh, thành.

Theo thống kê, chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 23 đến 29/5), trên địa bàn tỉnh Quảng Bình liên tiếp xảy ra 4 vụ đuối nước, làm 9 em nhỏ tử vong. Cũng liên tiếp trong vòng một tuần (20-27/5), Khánh Hòa xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm khiến 7 học sinh tử vong.

Theo phân tích, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như: sông, suối, ao, hồ.

Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.

Bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh.

Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng, đó là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên...

Thực trạng trên nhắc nhở chúng ta rằng, công tác phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của tất cả mọi người. Song phải khẳng định, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trước hết thuộc về gia đình, chứ không phải ở đâu khác. Những người lớn trong gia đình cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ. Cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác; đồng thời tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…

Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ; đồng thời chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè.

Ngoài việc dạy bơi cho trẻ cũng cần phải tạo nên được môi trường an toàn cho trẻ. Do đó, các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi. Cụ thể như: Làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... Đồng thời, tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn,” “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn” để phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Một vấn đề khác là việc tạo dựng sân chơi bổ ích, lý thú và an toàn cho trẻ em trong ngày hè, phù hợp với điều kiện từng địa phương cũng góp phần hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Nước ta có nhiều sông, suối, ao, hồ, bờ biển dài. Hằng năm, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra nhiều tháng trời. Miền Trung và miền Bắc xuất hiện thiên tai, lũ quét, mưa bão nhiều... Điều này có nghĩa tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước với trẻ em. Thế nhưng, tình trạng đuối nước có thể giảm thiểu hoặc phòng ngừa nếu nước ta có chiến lược hỗ trợ kịp thời và có giải pháp can thiệp hiệu quả.

Nói gì đi chăng nữa, bảo vệ sinh mạng trẻ em không thể nói nhiều làm ít. Nỗi đau của gia đình, của xã hội sẽ chỉ bớt đi nếu từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng cùng chung tay vào cuộc, cùng thực sự sâu sát hơn và hành động quyết liệt hơn!./.

TheoTG

Báo điên tử Đảng Cộng sản Việt Nam