“Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử” !?
(Dân trí) - Gần đây, nếu có sai phạm, kể cả những cán bộ về hưu cũng không thoát được án kỷ luật được dư luận rất đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên, với cách trả lời “Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử” của vị lãnh đạo bị “đến mức phải thi hành kỷ luật” khiến dư luận ngạc nhiên
Đó là câu trả lời TTO của ông Phạm Thế Dũng– nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - khi ông bị UBKT TƯ đánh giá là “nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.” Đây là người duy nhất dám trả lời báo chí một cách thẳng thắn và thật nhất, nhưng dư luận cũng cảm nhận, trong sâu thẳm, đó cũng là suy nghĩ của không ít quan chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn bị thi hành kỷ luật. Bởi với họ, dù có mất chút cái danh, nhưng tất cả của cải kiếm được và con cháu của họ được các vị này nâng đỡ trên đường thăng quan tiến chức hầu hết vẫn yên vị. Và như các cụ nói, “có tiền mua tiên cũng được”. Mà họ lại rất nhiều tiền.
Điều khiến dư luận băn khoăn là, những sai phạm của ông Phạm Thế Dũng là quá rõ ràng, nhưng sao bao nhiêu cơ quan chức năng, đảng bộ nơi ông công tác lại không sớm ngăn chặn? Chẳng hạn, cũng như bao quan chức mắc sai phạm bị lôi ra ánh sáng, ông Dũng cũng nâng đỡ để những người thân của mình thăng tiến một cách kỳ lạ, từ em gái (cùng cha khác mẹ), em rể cho đến con trai đẻ…Mặt khác, ông Dũng cho phép mở đường nhập khẩu gỗ qua biên giới sai quy định, khi có thắc mắc, ông không ngại ngần phê “Nếu có bàn thì bên họ cũng không đồng ý đâu”; Hoặc như ông Dũng chỉ đạo, quyết định giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá. Tất nhiên, những sai phạm này chỉ có lợi cho các nhóm lợi ích, còn Nhà nước chẳng thu được bao nhiêu. Dù rằng, mỗi khi đưa ra những quyết định sai trái này, họ luôn đưa ra chiêu bài: Vì quyền lợi của địa phương!! Và những sai phạm này không chỉ ở ông Dũng.
Nhìn lại một loạt quan chức vừa qua bị đưa ra kỷ luật, từ nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho đến nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng, không chỉ có những sai phạm tương tự, mức độ lớn hơn mà còn những sai phạm khác khủng hơn nhiều: Hàng nghìn tỉ đồng Nhà nước không cánh mà bay. Một câu hỏi tiếp tục được đặt ra: Sao, vì sao những sai phạm khủng đó không sớm bị phát hiện mà để đến lúc nghỉ hưu, thậm chí còn thăng tiến lên những vị trí cao như ông Đinh La Thăng? Điều đáng nói là trong thời kỳ các vị này đang tại vị, rất nhiều các cuộc thanh tra, kiểm toán nhưng không hề nhắc đến những sai phạm khủng của các vị này. Đâu là lý do? Chỉ biết rằng, các vị có trách nhiệm của các đoàn thanh kiểm tra này vẫn vô tư như không có gì xảy ra và không có trách nhiệm của mình. Không, đã đến lúc không thể nhắm mắt làm ngơ và Nhà nước còn thất thoát cả tiền bạc lẫn uy tín.
Điều đó cho thấy, các sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng này có lỗi rất lớn từ cơ chế kiểm soát quyền lực, dẫn đến các nhóm lợi ích từ nhỏ đến lớn không chỉ tìm mọi cách đục khoét ngân khố, mà nguy hiểm hơn, cản trở sự phát triển của đất nước và làm tan nát lòng tin của người dân.
Hiện, “lò” đã và đang rất nóng, có thể thiêu đốt cả những cành cây dù còn rất xanh nhưng có những bầy sâu. không thể để những ổ sâu này lây lan khiến hỏng cả rừng cây.
Vương Hà