Tôi không tin, không dám tin dù đó là sự thật kinh khủng

(Dân trí) - Chuyện nhân viên y tế “ăn bớt” vắc xin của những đứa trẻ còn quá non nớt tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh), tôi không tin, không dám tin, nhưng rất đau đớn là có thật. Và tôi nghĩ ai làm sai đều gặt luật nhân quả.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Đó là một sự thật đáng ghê tởm,  thế nên tôi thấy thật là có lỗi, nếu không kể lại 2 trong số rất nhiều câu chuyện về y đức thời nay với các bạn.
 

1. Một hôm, tôi có việc vào bệnh viện, gặp một lão nông là người nhà của bệnh nhân vừa khóc vừa nói: “Tổ cha chúng nó, đời bố mẹ, cụ nội nhà chúng bay cũng là nông dân như tao. Có gì hơn đâu mà bay xỉa xói chê tao là nông dân cù lần. Không có tao lam lũ ngoài ruộng đồng, chúng bay ở thành phố lấy … mà ăn à?"

 

Được một lúc, bình tĩnh hơn, lão nông kể với tôi: - Thằng cháu nhà bác nó bị bỏng nước sôi nặng, bác đưa vào cấp cứu. Hôm qua, bác sĩ gọi vào phòng, bảo là cháu nhà bác nặng lắm, phải phẫu thuật gấp, nhưng khả năng sống sót còn… hên xui lắm. Nghe đến cái từ hên xui là bác thấy xui nhiều hơn hên rồi, chỉ biết lạy lục ổng cứu giúp đứa cháu đáng thương.

 

Rồi lão bảo, khi về phòng thì các bệnh nhân cùng phòng xúm lại hỏi lão đã “làm thủ tục” chưa. Lão đáp làm hết thủ tục ký tá giấy tờ, nộp bảo hiểm, tất tần tật đã xong xuôi. Thế là họ cười ồ lên:  - Cái thủ tục đầu tiên là tiền đâu cho bác sĩ, lão đã làm chưa ? - Nhà nông quê mùa, làm gì có biết cái “đầu tiên” là cái gì. Nói thật với chú, vào đây bác sĩ, y tá bảo gì là làm nấy. Cứ bảo là lão làm tất…

 

Nhưng nghe mọi người tư vấn, lão nông rón rén lên phòng bác sĩ nhờ giúp đỡ... Lại rón rén đặt cái phong bì lên bàn, ông bác sĩ thản nhiên cầm, mở ra xem, rồi trố mắt hỏi:  - Hai trăm nghìn à? Tôi là bác sĩ, bao năm tu nghiệp để có được cái bằng tiến sĩ. Vậy mà ông cho tôi hai trăm nghìn như đi mua bó rau, mớ cá thế à? Ông ở quê nhưng lên thành phố thì phải tập làm quen với cách chi tiêu ở thành phố. Thôi ông cầm hai trăm nghìn này về mà mua sữa cho cháu nó đi. Mai nó phẫu thuật rồi đó, hên xui lắm!!!

 

Cực chẳng đã, lão nông phải đi vay mượn khắp nơi để cho cái phong bì dày lên, là hai triệu đồng. Chưa kể hoa quả cho các y tá bồi dưỡng sau ca phẫu thuật đầy tính “hên xui”. Kết quả là đứa cháu của lão qua được ca phẫu thuật, nhưng thương tích vẫn đầy mình.

 

2. Một lần cũng chỉ là tình cờ, tôi được nghe một cô gái tầm 20 tuổi, bị bỏng toàn thân kể về những tháng ngày “điều trị thể xác, phá hoại tinh thần” - kinh hoàng nhất trong đời ở viện. Bị bỏng thì phải thay băng hàng ngày để tránh nhiễm trùng. Bệnh nhân phải thay băng hàng ngày ở viện này nhiều vô kể, ai cũng đau, ai cũng lo lắng. Chỉ có các y tá là thản nhiên, bởi hình như họ quá quen với việc nhìn nỗi đau của người khác rồi.
 
Cô kể, theo quy luật giản đơn thì ở đâu người đông là phải xếp hàng, ai đến sớm được thay băng sớm, ai đến sau thay băng sau, theo thứ tự hồ sơ mà làm. - Nhưng  ở đây đã có luật bất thành văn, mỗi lần thay băng mất 100.000 đồng kẹp vào hồ sơ đưa cho y tá. Không có cái đó, kể cả bệnh nhân xếp hàng từ 5h sáng có khi đến 11h trưa vẫn chưa được y tá gọi vào.

 

- Em sợ lắm, cô nói tiếp - Vào viện này em bảo mẹ có thể nhịn ăn một tý, chịu đói 1 tý, chứ đừng để thiếu 100.000 đồng trong cái hồ sơ đó. Mấy lần không có tiền luật, các y tá thay băng giật tung hết băng trong người em ra, đau đến chảy máu mắt. Nói xin lỗi anh là tè cả ra quần. Thế mà mình kêu một tiếng là bị mắng nhiếc liên hồi ngay (!!!???)

 

3. Vào bệnh viện, bạn có nghĩ mình không cần “đút lót”, “hối lộ”, kính biếu phong bì cho các bác sĩ, y tá trực tiếp chăm sóc, giúp đỡ cho người nhà hay bản thân mình đang mắc bệnh không ? Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bạn trả lời CÓ, trừ phi bạn đã phải đóng một núi tiền điều trị tại bệnh viện cao cấp.

 

Có phải các bác sĩ, y tá vì nghèo mới phải cầm đến phong bì của bệnh nhân hay không? Bạn đừng vội trả lời là PHẢI. Bởi tôi biết có hàng trăm, hàng ngàn bác sĩ, y tá đang rất giàu có, nhưng hàng ngày vẫn thản nhiên cầm những tờ bạc của những con người bần cùng, khốn khổ cầu cạnh họ để mong được cứu giúp.

 

Nếu chẳng may phải đi bệnh viện, nỗi sợ hãi nhất của bạn là gì ngoại trừ bệnh tật mà mình đang mắc phải? Tôi không biết các bạn sợ nhất là gì, nhưng với tôi, sợ hãi lớn nhất chính là sự  VÔ CẢM, hay thái độ LẠNH LÙNG của những người vẫn được trân trọng gọi là “từ mẫu”.

 

Lại bàn về câu chuyện về việc một nhân viên y tế “ăn bớt” vắc xin của những đứa trẻ non nớt ở 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), tôi không tin, không dám tin, dù biết đó là sự thật. Không biết các bạn có cảm giác thế nào, tôi chỉ nghĩ ở trên đời ai làm sai đều phải gặt luật nhân quả.

 

Sông Lam