Toán “xạo” và đồng dao phản cảm

(Dân trí) - Một số bài toán, bài đồng dao gây sốc mới đây tác động xấu đến cả tư tưởng, tình cảm của con người. Nếu chúng ta không kịp thời dẹp bỏ, chấn chỉnh thì hậu quả thật khôn lường đối với việc giáo dục nhân cách và lẽ sống cho tuổi trẻ hiện nay.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Gần đây, cộng đồng mạng hết sức bức xúc trước những sai sót không đáng có của sách giáo khoa, sách tham khảo mà điển hình là hai bài tập Toán sau đây: Nam năm nay 4 tuổi. Bố Nam gấp 3 lần tuổi của Nam. Hỏi bố Nam năm nay bao nhiêu tuổi? Đáp án được đưa ra là bố Nam... 12 tuổi. Và: Em có 5 ngón tay, chặt đi 2 ngón hỏi còn mấy ngón?

 

Độc giả chưa hết bàng hoàng bởi những bài toán phi lí, phản giáo dục ấy thì trên báo Lao động, tác giả Đặng Bá Tiến lại phát hiện một bài Đồng dao gây sốc trong cuốn sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 2012 (số đăng ký KHXB: QĐ.87-2011/CXB/36-04/MT ngày 12.10.2011): “Ở với ai/ Với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại/  Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng... Ao gì/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm.”

 

Không thể tưởng tượng nổi một nhà xuất bản danh tiếng lại có thể cho ra lò cái thứ đồng dao bệnh hoạn, đầu độc tâm hồn trẻ em như thế. Kết thúc bài đồng dao là “Quả đấm” kèm theo hình ảnh minh họa cũng là… quả đấm !!!

 

Ở trang 17 cuốn sách nói trên còn có bài Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng, nội dung đúng là “nhăng cuội” và đầy bạo lực:

 

“Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng

Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi

Ông Nhăng bảo để mà nuôi

Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro

Ông Nhăng bảo để bà kho

Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng”

 

Làm sao mà phụ huynh và cả xã hội có thể yên tâm trước những bài học dạy cho trẻ lại  phi giáo dục, phi nhân tính như vậy ? Đừng nghĩ đây chỉ là một vài sơ suất nhỏ, một vài lỗi kĩ thuật như cái cách mà người ta vẫn thường ngụy biện cho những sai lầm chết người được phát hiện gần đây trong nhiều cuốn sách dành cho lứa tuổi học đường.

 

Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1 tối 24/11, khi trả lời câu hỏi của khán giả về những bài học được dạy cho học sinh nêu trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ: đây là một biểu hiện tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục. Cũng theo nhận định của Bộ trưởng, những tài liệu kiểu này do những người viết không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, thiếu trách nhiệm. Nhưng lại được nhà xuất bản, nhà in chạy theo những đồng tiền đơn thuần đưa ra thị trường và xâm nhập nhất định vào nhà trường.

 

Chúng ta đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng nhưng cũng không khỏi băn khoăn, trăn trở: Liệu có phải những người viết sách không đủ trình độ và thiếu trách nhiệm khi những bài học vô lối như thế ai cũng có thể nhận ra? Liệu có phải một số nhà xuất bản, nhà in quá vì chạy theo đồng tiền và trên tất cả, như Bộ trưởng khẳng định đấy là biểu hiện tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục?

 

Những bài toán, bài đồng dao nói trên không còn dừng lại ở phạm vi một bài học cụ thể nữa. Nó vượt lên trên sự nhận thức thông thường, tác động xấu đến tư tưởng, tình cảm của con người. Nếu chúng ta không kịp thời dẹp bỏ, chấn chỉnh thì hậu quả thật khôn lường đối với việc giáo dục nhân cách và lẽ sống cho tuổi trẻ hiện nay.

 

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm