Bạn đọc viết:

Tính xã hội, tính khoa học trong đề thi và đáp án môn Ngữ văn

(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra. Đề thi Ngữ văn được đánh giá là vừa sức và khá hay, nhất là khi có câu hỏi nghị luận xã hội về tấm gương Nguyễn Văn Nam. Nhưng có nhiều ý kiến trái chiều về cách chấm điểm câu nghị luận xã hội này.

(ảnh minh họa: Hoài Nam)
(ảnh minh họa: Hoài Nam)

 

Bài viết của tôi xin được bàn thêm về đề thi và đáp án của môn Ngữ văn.

 

Vẫn mang tính học thuộc và giáo điều

 

Là một người đã từng tham dự  kỳ thi môn ngữ văn tốt nghiệp TPHP cách đây 15 năm, tới nay tôi vẫn cảm thấy giống 15 năm trước, đó là đề thi yêu cầu học sinh phải học thuộc quá nhiều. Ví dụ, để phân tích tâm lý nhân vật Mị, các em phải nhớ toàn bộ diễn biến tâm lý của nhân vật. Đó là chưa kể đến việc để có dẫn chứng cho lập luận của mình, các em phải thuộc lòng những đoạn trích. Thuộc thơ đã khó, việc thuộc văn xuôi càng khó hơn. Học văn vốn là để rèn luyện tư duy và sự tinh tế trong cảm nhận, nhưng với việc phải học thuộc thì các em còn thời gian đâu để cảm nhận và suy nghĩ?

 

Trong câu hỏi thứ 2 về tấm gương Nguyễn Văn Nam, điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong hướng dẫn chấm thi là không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Ở đây, xin không bàn thêm về  thế nào là suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Tôi chỉ có thắc mắc rằng rõ ràng trong hướng dẫn chấm thi có 2 yêu cầu cơ bản: Yêu cầu về kĩ năng và yêu cầu về kiến thức. Nhưng toàn bộ số điểm lại chỉ dành cho yêu cầu về kiến thức, phần yêu cầu kĩ năng không được điểm. Vấn đề ở đây là nếu học sinh đó dù có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực đến thế nào nhưng “biết cách làm bài văn nghị luận xã hội” (trích nguyên văn trong hướng dẫn chấm thi) thì có được điểm không?

 

Mặt khác, việc học sinh chỉ vì  có suy nghĩ biu coi là "lệch lạc, tiêu cực" mà không được điểm, liệu có nên?

 

Thứ nhất, việc thế nào là “lệch lạc, tiêu cực” rất khó xác định. Có những thứ ngay cả khi có kiến thức và trải nghiệm bằng cả cuộc đời còn chưa biết đó có phải là “lệch lạc, tiêu cực” hay không, chứ chưa nói đến việc đánh giá suy nghĩ của một con nguời chỉ qua một bài viết.

 

Thứ hai, nếu chỉ vì học sinh có suy nghĩ bị coi là “lệch lạc, tiêu cực” mà không được điểm nào thì làm sao có thể khuyến khích các em có suy nghĩ riêng? Hay chỉ vì được điểm, các em nên nói dối về những suy nghĩ của mình? Như vậy, có phải chúng ta đã dạy các em nên biết cách nói dối?

 

Một điều thú vị là trong đề thi ngữ văn dành cho hệ Giáo dục thường xuyên năm nay cũng có một câu nghị luận xã hội, nhưng là về lòng bao dung. Trong hướng dẫn chấm thi của đề thi này có yêu cầu về kiến thức là phải thể hiện được lòng bao dung bao gồm “biết chấp nhận những khác biệt”. Với việc áp đặt cho rằng suy nghĩ của các em là “lệch lạc, tiêu cực” mà không cho điểm nào thì phải chăng chúng ta đã không có sự bao dung cần thiết?

 

Đâu là giải pháp

 

Đọc đề thi năm nay, tôi rất thích cách diễn đạt của câu hỏi yêu cầu phân tích đoạn thơ trong bài Đất nước. Trong câu hỏi này, các em không bị yêu cầu học thuộc đoạn thơ mà là cảm nhận và suy nghĩ để phân tích. Nên chăng trong các kỳ thi tới, khi yêu cầu các em học sinh phân tích các bài văn xuôi, hãy có hẳn một phụ lục trong đề thi ghi lại toàn bộ phần tác phẩm yêu cầu phân tích, để môn văn thực sự là môn học mang tính cảm thụ chứ không phải là một môn học thuộc.

 

Tính xã hội trong một đề văn không phải ở chỗ có câu hỏi nghị  luận xã hội hay không, mà ở cách cảm nhận về chính các tác phẩm văn học mà các em đang được học. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện Người Mỹ dạy bài học Cô bé lọ lem như thế nào, được nhiều tờ báo đăng tải cách đây vài năm.

 

Ai dám bảo những hoàn cảnh như của Mị, những vấn đề liên quan đến đất nước không còn mang tính thời sự? Nhưng ngay cả trong hướng dẫn chấm thi cũng không có một điểm cộng nào nào cho những học sinh có sự liên hệ giữa tác phẩm văn học và cuộc sống. Tất nhiên ở lứa tuổi các em, việc có những liên hệ như vậy là không dễ. Do đó, cần sự giúp đỡ của các thầy cô giáo ngay từ khi học.

 

Hãy để các hình ảnh văn học thực sự mang lại những bài học giá trị trong cuộc sống, chứ không chỉ là để phân tích về một thời đã qua hay phân tích về các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong tác phẩm.

 

Xin chúc cho nền Giáo dục Việt Nam sẽ  ngày càng có nhiều đề thi ngữ văn hay và  khoa học.

 

Duy Dang Khanh