Tình người trong hoạn nạn

(Dân trí) - Mỗi khi có sự cố xảy ra, từ phía bên kia của nỗi đau thương mất mát, có một điều chúng tôi nhận thấy rất đáng quý - đó là tình người đâu phải đã trở thành “của hiếm” như thường bị chê trách, mà ở nơi này nơi khác cái tình càng tỏa sáng…

Tình người trong hoạn nạn
Công tác sơ cứu, cấp cứu được tiến hành khẩn trương (ảnh: Viết Hảo)

 

Thương người như thể thương thân

 

Dường như nhịp sống gấp gáp nơi đô hội cho tới nay vẫn chưa gây ảnh hưởng lớn tới những vùng xa xôi, nơi người dân vẫn còn gìn giữ được những nếp sống tình nghĩa, trên nền tảng những truyền thống có gốc rễ từ lâu đời: tối lửa tắt đèn có nhau, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ…

 

Trong một chuyến công tác đi cùng anh em Kiểm lâm, xe chúng tôi bị sa lầy trên tuyến đường độc đạo dẫn vào 1 bản của bà con người Mông ở Mộc Châu. Lập tức có một người đàn ông nhà cạnh đường chạy tới hỏi han, rồi nói: Cứ vào nhà mình dỡ mấy tấm ván ra lót đường… Xong việc anh còn mời “các cán bộ” khi ra ghé nhà chơi uống nước, và nhất định từ chối món quà nhỏ chúng tôi muốn gửi tặng thay cho lời cảm ơn.

 

Cuộc sống luôn đa dạng, cũng vẫn còn đó những vụ việc chứng tỏ sự vô cảm trong con người VN hiện nay nhiều khi lấn át ý thức trách nhiệm với cộng đồng, cái xấu nhiều hơn cái tốt… Nhưng niềm tin vào những mặt tốt trong con người nói chung, có lẽ với nhiều người không vì thế mà trở nên lạc hướng.

 

Và đây, tình người ấm áp lại một lần nữa được thể hiện rất thuyết phục và đầy xúc động qua vụ tai nạn xe khách vừa xảy ra trên cầu Sêrêpốc. Chính bạn đọc lại là những người bày tỏ sự cảm phục, quý mến, tin yêu của mình với những con người tử tế có lẽ chưa mấy ai biết mặt ấy:

 

“Tôi đọc bài từ sáng sớm nay mà không thể nghĩ được chuyện này xảy ra. Đọc bài mà tôi thấy nước mắt mình cứ tuôn rơi. Tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ xin gửi lời chia buồn tới toàn thể bà con có người thân gặp nạn. Cầu mong những linh hồn sớm được siêu thoát và phù hộ cho những người còn sống mau bình phục. Tôi xin cảm ơn bà con nhân dân nơi xảy ra tai nạn. Bà con đã kịp thời cứu những người bị thương. Nếu chậm hơn chút nữa có lẽ không phải là con số 35 người đâu… Thế mới biết tình cảm giữa con người với con người đáng quý trọng. Xin được nghe ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng về những con người này” - Tạ Thanh Giang:  jangta_tn@yahoo.com.vn

 

“Mấy bữa nay đều theo dõi vụ tai nạn này, thật cảm ơn những người dũng cảm như sinh viên Tuấn cùng người dân sống gần đó và các y bác sĩ bệnh viện địa phương. Nhờ họ mà số người chết không tăng lên. Xin gởi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân. Mong Bộ GTVT thay vì dự kiến dùng nhiều tỷ để xây trụ sở,  hãy ưu tiên trước số tiền đó làm lại QL 14 và các QL khác đang bị xuống cấp trầm trọng sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn…Cảm ơn” - Bảo Phan:  baophnnt@yahoo.com
 

“Đọc báo mà thấy mình rớt nước mắt!  Bầu ơi thương lấy Bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Tôi rất khâm phục tấm lòng nhân ái của những người dân địa phương đã không ngại ĐÊM KHUYA,  VỰC SÂU mà vẫn ra sức cứu người. Đây là hành động mang đậm bản chất của dân tộc VN ta. Là 1 người dân địa phương sống gần nơi xảy ra tai nạn kinh hoàng trên, tôi nghe tin dữ rất muốn giúp một tay. Nhưng rất tiếc tôi đang ở trên TP HCM, nên chỉ có thể gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến với những gia đình có người thân đi trên chiếc xe định mệnh trên, đặc biệt là những gia đình có người thân bị tử vong. Hi vọng vong hồn của những người tử nạn sớm siêu thoát, và mong những người may mắn thoát khỏi lưới hái tử thần nhanh chóng hồi phục sức khỏe để trở về với gia đình và xã hội.

 

Mong các cấp cơ quan ban ngành sớm điều tra nguyên nhân tai nạn. Hơn nữa tôi nghĩ rất cần phải chấn chỉnh lại đoạn đường từ BMT - TP HCM vì đường rất hẹp + thêm rất nhiều phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Cũng cần thường xuyên kiểm tra các bác tài xế nữa. Vì tôi là 1 người cũng hay đi xe khách lên Tp HCM, mà về đêm khuya tôi thấy các bác tài chạy với tốc độ rất cao. Nếu tốc độ trung bình ở đường bằng khoảng 80km/h, thì trên những đoạn đường dốc có xe có thể đạt tốc độ lên tới 100km/h. Mà nơi xảy ra tai nạn là trên là 1 đoạn đường dốc có chiều dài khoảng 600 - 800m” – M. Toàn:  nguyenmanhtoan14@yahoo.com

 

“Thành thật chia buồn cùng gia quyến các nạn nhân tử nạn. Mong những linh hồn không may mắn ở nơi suối vàng nhanh thành chính quả, phù hộ cho những người thân luôn bình an. Mong những người may mắn hơn sớm bình phục. Cũng mong các nhà hảo tâm, các cơ quan nhà nước hãy giúp đỡ chi phí điều trị cho các nạn nhân bị thương…

 

Qua đây tôi thấy ngành GTVT và các cơ quan liên quan nên kiểm tra chặt chẽ chất lượng xe khách chạy tuyến đường dài, đảm bảo các tài xế phải hội đủ các yếu tố: bằng lái, độ tuổi và tư cách phù hợp. Vì sự bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân cũng là 1 mắt xích tạo nên an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy đà phát triển vững mạnh của đất nước” - Nguyen Van Tuan:  quangcaotuanphat@yahoo.cm.vn
 
Tình người trong hoạn nạn
Xem xét hiện trường nơi chiếc xe khách lao xuống (ảnh: T.P)

 

Ý thức trách nhiệm 

 

Vấn đề trách nhiệm luôn được dư luận đặc biệt nhấn mạnh sau mỗi sự việc đáng tiếc xảy ra, song song với những câu hỏi về nơi/người nào cũng như cách thức nhận trách nhiệm… Nhưng xem ra chuyện đương nhiên lẽ ra phải có trong bất kỳ lĩnh vực nào, thì ở nước ta cái gọi là “văn hóa nhận trách nhiệm” vẫn có mà cũng lại rất “vô hình” đó.

 

Nhấn mạnh một lần nữa “văn hóa từ chức” cần được thực thi để chứng tỏ ý thức nhận trách nhiệm một cách rõ ràng và cụ thể trước nhà nước, trước nhân dân, - Quẩn ddtuphuxuan@gmail.com nêu rõ:

 

“Tai nạn liên tiếp xảy ra và càng ngày càng trầm trọng, thảm thương. Lỗi do kiểm định xe thiếu nghiêm túc. Lỗi do cầu đường chưa được quản lý bảo dưỡng cẩn thận. Lỗi do ý thức người tham gia giao thông… Cứ sau mỗi vụ tai nạn lại nghe thấy câu: Sẽ khởi tố lái, phụ xe. Bây giờ lái, phụ xe đều chết rồi, theo tôi là cần xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý xe là HTX Quyết Thắng, sau nữa là các đơn vị liên quan (cầu đường, kiểm định) và cao hơn nữa là các đơn vị quản lý họ.

 

VN ta hình như vẫn chưa có văn hóa từ chức, mà ngược lại người ta thường vẫn tham quyền cố vị bám lấy "ghế" mà hưởng bổng lộc, lẩn trốn trách nhiệm…”

 

Đức Lê ducleinh.2008@yahoo.com.vn nhắn gửi tiếp tới các tài xế hiện nay: 

 

“Tai nạn thảm khốc quá… Xin chia buồn cùng toàn thể các gia đình nạn nhân xấu số. Tôi cũng là một người lái xe đường dài, tôi không hiểu sao lái xe nhiều năm kinh nghiệm như anh Lâm lại đi xử lý tình huống như vậy. "Tránh cẩu tặc"để xẩy ra hậu quả quá nghiêm trọng vậy sao? Xin nhắc nhở các bác tài xế: Hãy lái xe bằng cả trái tim mình!”

 

Bạn đọc có email cogai_dentu_homqua89@yahoo.com có ý kiến tương tự: 

 

“Chia buồn cùng thân nhân nạn nhân. Nhân đây cũng muốn nói thêm rằng, người dân đi trên những chiếc xe mà người điều khiển phương tiện không nắm được luật giao thông, hoặc cố tình phớt lờ luật giao thông đường bộ, thì chẳng khác gì đi trên những chiếc quan tài di động. Đang đi trên cầu mà cố tình tránh 2 xe máy lưu thông phía trước, thì có lẽ chỉ có thể hiểu là tài xế xe khách đang cố tình cho xe của mình vượt 2 xe máy ngay trên cầu. Trong khi bất luận thế nào thì mọi phương tiện tham gia giao thông đều không được vượt nhau trên cầu. Đó là quy định bắt buộc. Và cái giá phải trả khi phạm luật thì rất có thể như ta vừa biết”.

 

Minh Hien minhhy75@yahoo.ca lưu ý: 

 

“Xin chia buồn cùng với các thân nhân người bị nạn. Cũng xin nói với tất cả những ai cầm lái (các anh, các chị) là những người được tin tưởng và được giao trọng trách đảm bảo an toàn cho nhiều người đi đến nơi, về đến nhà an toàn. Các anh, các chị đừng biến chuyến đi trên xe của mình cầm lái trở thành ĐỊNH MỆNH với  các sinh linh vô tội!

 

Tôi cũng từng đi du lịch, ngồi trên xe qua những đoạn đường dài... Thật tình lên xe chỉ dám im lặng và chờ đợi khi nào về đến nhà thì biết rằng mình được an toàn. Có nhiều bác tài chạy xe an toàn, không phóng nhanh vượt ẩu. Nhưng cũng có những bác tài cứ như lúc nào cũng muốn vượt lên chính mình, thử tài nghệ quẹo cua ở tốc độ cao, vượt mặt xe bạn một cách “ngoạn mục” như những tay đua. Bởi vậy mới dẫn đến những tai nạn khôn lường. Trong những tình huống như thế này thì những bài học đầu tiên khi học lái xe hoặc khẩu hiệu  “Không phóng nhanh, vượt ẩu” bay đi hết cả rồi”.

 

Trần Đình Hùng congchungbinhlong@gmail.com đề nghị:

 

“Nên cấm xe 02 tầng đi đường dài vì độ an toàn cũng như đường Việt Nam của ta chưa đạt. Nếu ai có dịp đi 01 lần xe giường nằm lên Tây Nguyên sẽ thấy độ nguy hiển như thế nào”.

 

Trần Việt Hùng bhlddongha@yahoo.com.vn cũng cho rằng: 

 

“Bộ GTVT  nên xem xét có văn bản cấm các loại xe khách chạy đêm từ 0 giờ đến 03 giờ sáng. Vì vào thời điểm này tâm sinh lý của con người không phù hợp cho việc lái xe nữa. Nhất là khi lái xe cứ phải làm việc ban đêm ngày này qua ngày khách dẫn đến thiếu ngủ,  (hay rối loạn suy nghĩ do ít được nghỉ ngơi ngày này chồng lên ngày khác), khiến mắt người lái xe có khi vẫn mở nhưng thực ra là đã ngủ trong khi họ vẫn tiếp tục lái xe… Cũng có khi do lái xe uống chất kích thích thần kinh làm cho mình không ngủ gật, nhưng sử dụng thời gian dài sẽ không còn tác dụng nữa…  Bởi vậy, cách như tôi nêu ở trên có thể coi là 1 biện pháp chống tai nạn cho xe khách…”

 

Nguyen Nam ndgnam@yahoo.com nhắc lại 1 yếu tố cần và đủ với các xe chở khách:

 

“Ở nước ngoài, các loại xe chở khách hoặc xe bus luôn có gắn 1 cây búa nhỏ ngay tấm kính mỗi hàng ghế ngồi. Nếu có gì bất trắc, mọi người có thể dùng búa đập kính để có cơ hội thoát ra ngoài nhanh chóng, giảm thiểu chết người và thương vong trong điều kiện cứu hộ chậm trễ. Nhân tiện đây, tôi xin đề nghị cơ quan chức năng nên ứng dụng biện pháp này và xem đây là 1 tiêu chuẩn để cấp phép kinh doanh với tất cả loại xe chở khách”.

 

Đã bao lần chúng ta nhắc nhở nhau: Đừng vì nhanh một giây mà có thể chậm cả đời! Tất nhiên tai nạn có thể còn do những nguyên nhân khác, nhưng dù ít dù nhiều đều có vai trò xử lý của người cầm lái… Cẩn thận, cẩn trọng hơn chút nữa, mỗi chúng ta đều có thể bớt đi cho mình và người khác nguy cơ nguy hiểm!

 

Kiều Anh