Bạn đọc viết:

Tiêu cực thi cử: Làm “căng” lo "bị lộ" nhiều?

(Dân trí) - Thực ra vấn nạn này trong ngành giáo dục đã từ rất lâu rồi. Thậm chí có lúc học sinh đã tự nói ra, nhưng các cơ quan quản lí giáo dục làm ngơ (hay đúng hơn là không muốn làm căng, có lẽ vì lo còn lộ ra nhiều chuyện tệ hơn?)

... Sử dụng các sản phẩm công nghệ cao để hỗ trợ quay bài (ảnh minh họa, nguồn: báo Đất Việt)
... Sử dụng các sản phẩm công nghệ cao để hỗ trợ "quay" bài (ảnh minh họa, nguồn: báo Đất Việt)

 

Nói Không với bệnh thành tích và tiêu cực ư? Theo tôi, đó chỉ là những khẩu hiệu rất hoành tráng treo trước cửa văn phòng cho oai là chính, còn thì "đâu lại vào đấy"cả thôi.

 

Và tôi cũng thấy một điều rất rõ là: tất cả mọi trường hợp tố cáo, phản ánh, phê bình, thậm chí là góp ý thì cấp quản lí, những người có nhiệm vụ điều tra, xem xét đều không chịu tìm ra nguyên nhân hoặc xem những vấn đề người tố cáo nêu là đúng hay sai để có cách giải quyết. Mà luôn tìm mọi cách hù dọa người tố cáo theo kiểu "rung cây dọa khỉ”.

 

Tôi nghĩ, sao chúng ta không làm theo cách như một số nước khác thường làm. Đó là trước tiên cần thẩm tra người bị tố cáo để rõ trắng – đen ra sao. Nếu tố cáo sai thì người tố cáo phải chịu trách nhiệm, nếu tố cáo đúng thì phải có biện pháp xử lý ngay với người bị tố cáo như cách chức, miễm nhiệm, tịch thu tài chính ...

 

Muốn xã hội trong sạch trước hết cần những cán bộ trong sạch, mà muốn cán bộ trong sạch cần bắt đầu từ giáo dục bởi nơi này là môi trường đào tạo ra những con người trong sạch...

 

Tại sao vừa đưa ra một đề văn bàn về sự dối trá, ngay tức thì một học sinh đã "thực tế hóa" biện pháp chống lại thói dối trá thì lại bị cho là "dùng tiêu cực chống tiêu cực”? Theo ý kiến của cá nhân tôi, nên cộng thêm điểm văn cho em này thì đúng hơn bởi em đã chứng minh đề văn đó bằng thực tế rất rõ ràng và đúng kiểu hiện thực phê phán. 
 
Tôi cũng như nhiều người khác chắc cùng chung ý nghĩ: Đã đến lúc ngành giáo dục VN nên thẳng thắn nhìn lại mình và sửa chữa, dù muộn còn hơn không. Có lẽ cũng chính vì cách giáo dục của chúng ta hiện nay có nhiều bất cập, nên mới có cảnh cũng một con người đó nhưng ra nước ngoài thì biết sống quy củ, chấp hành luật lệ rất nghiêm túc. Nhưng khi về Việt Nam lại cũng có thể sống theo kiểu lừa dối, thậm chí gian lận và cả rất cơ hội...
 

Theo tôi, để đổi mới và cải tiến thực sự,  có lẽ ngành giáo dục nên phân ra 2 loại hình học tập:

 

Một là những đối tượng có khả năng tức là học sinh có tố chất, có khả năng thì cho sau khi học xong THPT tiếp tục thi đại học để đảm bảo chất lượng.

 

Hai là những học sinh học lực trung bình thì sau khi học xong THPT nên được cấp chứng chỉ để các em có thể tiếp tục học nghề, học trung cấp hoặc cao đẳng nghề.

 

Như vậy, tự khắc xã hội sẽ phân làm 2 loại hình lao động  và thầy sẽ ra thầy, thợ cũng ra thợ. Chứ còn như hiện nay các trường đại học mọc lên nhan nhản làm gì, chỉ càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thợ thừa thầy. Mà nhiều khi thầy thật thì thừa, thầy “dỏm” lại đã yên vị ở những nơi tốt nhất.

 

Ban 

email:  ban@65yahoo.com