Tỉ lệ đau lòng
“Tổng số tài sản nhà nước thiệt hại là hơn 2.000 tỉ đồng, các bị cáo tự nguyện khắc phục hơn 5 tỉ đồng. Cơ quan điều tra thu hồi 650 triệu đồng và kê biên một căn nhà, số tiền còn lại chưa thu hồi được” - ông Dương Ngọc Hải - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM - đã thông tin về việc thu hồi tài sản tham nhũng từ 4 vụ án lớn được đem ra xét xử tại TPHCM năm 2015.
Số tiền thu hồi đạt một tỉ lệ thấp đến mức không thể tin nổi.
Khi đưa ra xét xử 4 vụ trọng án trên, người dân căm phẫn vì số tài sản nhà nước bị thất thoát hay nói đúng hơn là bị một số quan chức chiếm đoạt tiêu xài và bỏ túi riêng quá lớn. Chỉ với 4 vụ án, tham nhũng ăn và phá lên tới 2.000 tỉ đồng, thì thử hỏi tất cả các vụ án tham nhũng khắp cả nước, cùng với những vụ chưa phát hiện và chưa thành án, thì tổng số thiệt hại là bao nhiêu?
Một đống nợ công đang chồng lên vai, ai biết được bao nhiêu đồng trong đống nợ công đó đang ở trong két sắt của những kẻ tham nhũng.
Điều đáng sợ là ở chỗ, tham nhũng nhiều nhưng bắt được rất ít. Đáng sợ hơn, bắt được rất ít và thu hồi tài sản cũng rất ít.
Thế thì Nhà nước được gì, nhân dân được gì trong công cuộc phòng, chống tham nhũng này.
Ngay cả đối với những vụ án đã phát hiện và đưa ra xét xử, cho dù tuyên án tử hình hay bỏ tù chung thân những kẻ tham nhũng, thì đó cũng không phải là sự thành công trọn vẹn của việc phá một vụ án tham nhũng.
Không thu được tài sản nhà nước thì phá bao nhiêu án cũng không triệt hạ được tham nhũng, phải nhận thức rằng chỉ triệt hạ được tham nhũng khi thu hồi được tài sản.
Tài sản nhà nước còn trong túi của kẻ tham nhũng, của gia đình họ thì thực tế là tham nhũng vẫn còn cho dù án bị phá. Nhân dân thỏa mãn với các bản án tuyên phạt kẻ phạm tội, nhưng nhân dân mong muốn lấy lại đồng tiền xương máu của mình.
Cái phải làm không chỉ là ai bị tử hình, ai bị chung thân, mà còn là tài sản tham nhũng được thu hồi.
Nhân dân nghĩ gì về những kết quả: TP.Hà Nội không phát hiện ra tham nhũng, TP.Hồ Chí Minh không phát hiện ra tham nhũng.
Và nhân dân nghĩ gì khi chỉ thu hồi được hơn 5 tỉ đồng từ 2.000 tỉ đồng bị tham nhũng ăn và phá.
Ngoài tỉ lệ 5/2.000, còn có một tỉ lệ khác: 5/1.000.000, đó là 5 người không trung thực trên 1 triệu người kê khai tài sản. Những tỉ lệ đau lòng như ai cắt vào ruột.
Lê Thanh Phong
Theo báo Lao động