Thủy điện Thác Bà: 50 năm vẫn... lỗi hẹn

(Dân trí) - Hầu hết các bài phóng sự được viết theo kiểu “ngậm ngải tìm trầm” rất “độc” của Đỗ Doãn Hoàng đều khiến người đọc rưng rưng nước mắt, trái tim như bị vò xé, lương tâm bị dằn vặt, tâm can nhức nhối bởi những chuyện không thể tưởng được vẫn có thật trong đời.

Thủy điện Thác Bà: 50 năm vẫn còn... lỗi hẹn
Hàng ngày sống trên mặt hồ Thác Bà, người dân Ngòi Ngần chưa bao giờ được sử dụng điện lưới quốc gia (ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

 

Robinson trên hoang đảo thời nay

 

Phóng sự mới nhất có tựa đề “Tối đèn ở “trái tim thủy điện” Việt Nam" của nhà báo “phiêu bạt giang hồ” có mặt trên đường nhiều hơn ở nhà này, cũng không ngoài mạch luôn gây ấn tượng mạnh bởi những số phận bi thương, thậm chí đến mức khó tin giữa thế kỷ 21 hiện đại hôm nay.

 

Chỉ gián tiếp chứng kiến bi kịch qua bài viết thôi, nhưng nhiều người trong số bạn đọc chắc chắn cũng phần nào hiểu được cảm nhận đớn đau mà tác giả đã trải qua , để cùng chia sẻ nỗi lòng quặn thắt vì xót thương cho số phận của  những con người tự ví mình như “hạt thóc rơi trong kẽ hòm cũ”:

 

Nếu tính mốc là năm 1962, từ đợt người dân bỏ nhà, bỏ cửa lên rừng hoang núi thẳm chặt cây san đất đá xây dựng quê hương mới ấy, thì đến năm 2012 này, đúng vừa tròn nửa thế kỷ. 50 năm rồi, bây giờ, chúng tôi lại vẫn run rẩy, chết lặng, rơi nước mắt nghe tâm sự của đồng bào ly hương “vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc… Trong số khoảng 5,3 vạn người ra đi năm đó, giờ quá nhiều người đã chết. Nhiều cụ già tóc bạc da mồi ngồi khóc, rồi quay ra bất bình: “Chúng tôi bị bỏ quên trong xó rừng này. Chúng tôi như hạt thóc rơi trong kẽ cái hòm cũ”.

 

Mà những con người đó đâu phải ở quá xa xôi, cách biển cách cả vùng trời gì cho cam…Chỉ là “cách Hà Nội chừng 150km”, ở địa danh có 1 cái tên rất nổi tiếng: “Thủy điện Thác Bà được xem như thành tựu vĩ đại của chúng ta, nhất là khi mà nó được xây ngay trong thời kỳ bom Mỹ oanh tạc cực kỳ ác liệt. Nó là một trong ba cái hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với chiều dài mặt nước là 80km, chiều rộng khoảng 10-15km, tùy theo mùa”.

 

Bao nhiều phản hồi của bạn đọc là bấy nhiêu sự bày tỏ nỗi day dứt, nỗi bức xúc và thậm chí cả phẫn uất thay cho những phận đời gợi lên trong ta hình ảnh người mẹ trong thơ Tố Hữu: “… Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng/ Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng... Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”. 

Đó là những con người hiện lên bằng xương bằng thịt, là những người lẽ ra phải được công nhận là “có công” với đất nước, với nhân dân. Nhưng trớ trêu thay đã sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 rồi mà họ vẫn phải sống trong cảnh Robinxon trên hoang đảo như cách ví von của Nguyễn Thanh Hương thanhhuongnguyen61@yahoo.com.vn

 

“Tôi được biết có người dân ở đó đến tận bây giờ còn chưa biết gì đến các thông tin thời sự, họ sống như Robinson trên hoang đảo vậy. Tôi đã trực tiếp chứng kiến chuyện này”.

 

Cũng về vùng đất ấy với những con người "bị bỏ quên" ấy, trước hết hãy nghe trải lòng rất có tình, có lý của chính những người con nơi đây:

 

“Tôi không cầm được nước mắt khi đọc vì bài viết phản ánh hiện thực cuộc sống của người dân quê tôi - họ đã đợi chờ quá lâu trong mòn mỏi! Dẫu biết rằng tinh thần hi sinh phục vụ Tổ quốc trong thời điểm lịch  sử trọng đại đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân, nhưng 50 năm là con số đủ lâu để mọi đóng góp hi sinh được ghi nhận, trước khi bụi thời gian xóa nhòa các nhân chứng lịch sử.

 

Thủ đô ơi, không biết có ai tưởng tượng được đèn hoa rực rỡ của phố phường, những tiện nghi chạy điện một phần cũng là được sản sinh từ đóng góp của những con người dám hi sinh cả quê hương, mồ mả tổ tiên, tâm hồn, cơ nghiệp này không? Vậy mà những con người đó đến giờ vẫn hàng ngày phải đối mặt với bùn đất cùng nỗi ám ảnh, sự xót xa và những băn khoăn về sự tụt hậu về mọi mặt…

 

Bao giờ dân quê tôi có điện và các chính sách hỗ trợ góp phần bù đắp những thiệt thòi? Giá điện nào là phù hợp với họ? Một vùng Phủ Bình đất đai màu mỡ giàu có về sản vật, giàu có về mặt văn hóa, một vùng Chợ Ngọc mãi còn trong tâm tưởng người dân Yên Bái…. Cảm ơn bài viết!” - Bảo Tân:  Baotan87@gmail.com

 

“Tôi cũng là người con của vùng hồ Thác Bà này, tổ tiên tôi bây giờ vẫn đang nằm dưới lòng hồ ấy. Nghe bà tôi kể lại cái ngày cụ tôi gánh bà và các con lên rừng khai hoang, nhường đất cho thủy điện mà tôi thấy thật bất công. Quê tôi giờ vẫn nghèo lắm...” - Hà Nguyễn:  thuha_8yb@yahoo.com

 

“Gia đình tôi cũng là "nạn nhân" của nhà máy này. Đến nay chúng tôi đã có điện dùng nhưng phải tự mua dây kéo điện từ trung tâm xã về khu xóm rồi chia nhau, chiều tối phải thay bóng 110v mới đủ sáng, tiền điện thì không được thiếu một xu... Người dân thấp cổ bé họng phải chịu thôi!” - Vo Vi:  binh1271@yahoo.com

 

“Gia đình tôi cũng có mộ cụ bà hiện đang nằm lại dưới lòng hồ tại Chợ Ngọc xưa. Ông cha chúng tôi cũng khăn gói ra đi mà chẳng được ai đoái hoài gì, nay gia đình chỉ có ước nguyện được đưa cụ lên. Nếu ai là dân Chợ Ngọc mà có thông tin gì có thể giúp được chúng tôi thì hồi âm cho tôi nhé! Tôi xin chân thành cảm ơn!” - Vũ Anh Tuấn:  anhtuan2571@gmail.com

 

Và những lời “chứng thực” nhói lòng của những con người ít nhiều đã trực tiếp chứng kiến cảnh tái định cư cho thủy điện, mà cho tới tận hôm nay vẫn gây ra bao lời ca thán:

 

“Mình ở trên Lai Châu, đợt vừa rồi cũng tham gia di dân tái định cư cho thủy điện Sơn La. Cũng thấy bà con tái định cư khổ quá!” – Nguyen Dinh Tuyen:  tuyen.kntu@gmail.com

 

“Tôi cũng làm thủy điện. Tôi đã được đi nhiều nơi. Thấy dân mình khổ quá. Các bác lên lòng hồ thủy điện Hòa Bình mà xem. Thấy mà rớt nước mắt” - Ngoc Nguyen:  thgiang_pecc1@yahoo.com
 
Thủy điện Thác Bà: 50 năm vẫn còn... lỗi hẹn
Ông lão ngoài bảy mươi tuổi ở thôn Ngòi Ngần vẫn chưa một lần được sử dụng điện lưới, cho dù đã hiến nhà cửa cho thuỷ điện Thác Bà
 

Sự thật “trần trụi”

 

Đúng là xưa nay vẫn có chuyện nhiều sự việc được “tô hồng” lên để báo cáo thành tích. Tương tự như vậy có những sự việc bị ỉm sự thật đi hoặc đơn giản chỉ là do thấy quá khó khăn, rồi “để lâu…” và qua nhiều cấp chính quyền với bao lần thay đổi nhân sự… cũng có chung số phận như những hạt thóc rơi trong kẽ hòm cũ. 
 

Bức xúc quá nên có thể phản hồi của một số người dân có phần cực đoan, nhưng không thể vì thế mà viện cớ này cớ khác để bỏ qua những sự thật dù có “trần trụi” đến đâu.

 

“Sự thật luôn mất lòng! Năm nào tôi cũng thấy báo cáo lên Quốc hội là công tác chăm lo cho đồng bào thiểu số thực hiện tốt. Vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ đã rót về đâu mà ngân sách Quốc gia vẫn chi ra từ tiền thuế của nhân dân để lo cho cuộc sống đồng bào  các dân tộc thiểu số anh em… Sự thật có đúng như vậy chăng? Năm 2008, tôi sống với người Phù Lá, Phò Chài ở Mường Khương, Lào Cai, tận mắt thấy cuộc sống của người dân nơi đây vẫn quá cực khổ. Đi bộ 5 - 10 km gùi về được vài lít nước sạch để uống… Nước quá hiếm hoi khiến người ta  không dám tắm rửa nói gì tới đánh răng, súc miệng… Chúng tôi phải căng bạt ra hứng nước mưa và sương để đánh răng và nấu ăn đấy.  Nhớ lại ...Ôi, thật là kinh khủng!” - Nguyễn Xuân Thịnh:  nguyenxuanthinh.545@gmail.com

 

“Thật quá bất bình, họ đã hi sinh tất cả để đổi lại là 50 năm vẫn không được biết đến dòng điện. Sự lơ là của cán bộ địa phương thật đáng trách trước tiên. Cũng rất mong Đảng, Nhà nước ta sớm bù đắp những thiệt thòi đó cho người dân. Cảm ơn Dân trí đưa tiếp thông tin. Cảm ơn PV báo Lao Động đã tìm đến tận nơi và thông tin giúp người dân! Cảm ơn những con người đầy đức tính hi sinh của Ngòi Ngần! Rất mong người dân Ngòi Ngần sớm có điện, sớm có sơ sở vật chất xứng đáng với 50 năm và tất cả những điều họ đã hi sinh vì dòng điện quốc gia” - Nguyễn Ngọc: gem_bichngoc@yahoo.com.vn

 

“Người dân huyện Yên Bình quả là có nghị lực phi thường. Họ hy sinh tất cả mong có được chút ánh sáng của  điện lưới quốc gia, nhưng hình như họ đã bị quên lãng??? 50 năm - nửa thế kỷ trôi qua, họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi, vậy mà họ đã được bù đắp những gì? Sống ngay cạnh lòng hồ thuỷ điện Thác Bà mà vẫn ngọn đèn dầu leo lét? Đường dân sinh thì lầy lội, cả thôn mới có một trường hợp tốt nghiệp cấp 3?

 

Qua bài  này kính mong những doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích,  các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc nhằm giảm bớt khó khăn cho thế hệ cháu của những người đầu tiên đi khai hoang đã nhường đất cho thuỷ điện này” - Lê Thị Duyên Hải:  haiduyentnmt@gmail.com

 

“Theo tôi nghĩ, không chỉ riêng phần điện dành cho dân, mà vấn đề ở đây là cả hệ thống: Điện - Đường - Trường - Trạm. Người dân ở đây đã thiệt thòi đủ đường !!!! Ngân sách tỉnh, huyện để làm gì? Làm sao có chuyện lãnh đạo tỉnh, huyện không biết về việc này? Nếu trường hợp đã biết (vì người dân và UBND xã đã trình vấn đề này lên tỉnh, huyện và các đoàn đại biểu Quốc hội) thì vì sao không có hướng giải quyết mà để đến những nửa thế kỷ qua vẫn chưa làm được??? Đọc bài viết xong thấy bực mình, bức xúc quá !!!! (nếu sự thực là hoàn toàn như vậy)” - Trung Hiếu:  hieunt.ho@gmail.com

 

“Mới đọc xong phần 1 của bài viết, mà không biết nước mắt mình đã rơi tự khi nào. Có lẽ bởi tại một sự thật quá "trần trụi" đã và đang diễn ra trên đất nước là niềm tự hào của bao thế hệ. Tại sao lại có thể như thế?” - Nguyễn Thị Thu Nga: thungakthb@yahoo.com.vn
 
Đường vào xã Bảo Ái thì như thế này đây
Đường vào xã Bảo Ái thì như thế này đây
 

Thịt da ai cũng là người

 

Cũng là người con đất Việt, ai có thể dửng dưng trước những cảnh đời quá đỗi cực khổ, thiệt thòi một cách đầy oan uổng như vậy... “Thịt da ai chẳng là người”, lẽ nào tiếng nói của những người dân nơi đây gần nửa thế kỷ qua vẫn chưa vượt được chặng đường chỉ cách Thủ đô có trăm rưởi cây số đó để tới được những địa chỉ cần thiết???

 

Từ phía dư luận, với tư cách người dân thì cũng chẳng biết làm gì hơn là bày tỏ sự sẻ chia, đồng thời góp thêm những tiếng nói với hy vọng sẽ “đẩy” vấn đề tới gần hơn cánh cửa các bộ, ngành chức năng. Bởi như Ngô Thu Hương ngothuhuong2011@gmail.com nêu rõ: “Tôi không thể tin vào sự thật phũ phàng này. Làm như vậy làm sao dân còn có lòng tin vào chính sách được nữa chứ? Thật xót thương cho người dân nơi đây, nhưng chúng ta có thể giúp họ được bằng cách nào đây?”

 

Và tầm nghiêm trọng của sự việc qua nhận xét của nick Lại một lời hứa bị bỏ quên  thanhnhcs@yahoo.com.vn xem ra cũng không phải là quá:

 

“Tôi nghĩ, nếu phải kiểm điểm lại những lời hứa thì có lẽ đây là lời hứa cụ thể nhất và tệ hại nhất. Và tôi nghĩ, có lẽ phải nói tới 2 từ "lừa dối" cũng không quá chút nào. Thật tội nghiệp và đau xót cho những con người chỉ luôn biết hy sinh thầm lặng thế này...”

 

Nhưng liệu rồi có được câu trả lời cho những câu hỏi dư luận nêu ra với vấn đề cũng rất nóng bỏng này không?

 

 “Quá bất công! Đáng lẽ ra những con người này phải là người đầu tiên được dùng điện mới đúng, để bù đắp phần nào cho cho những hy sinh mà họ phải từ bỏ nhà cửa, đất đai ra đi.....Vậy mà họ lại phải chịu khổ như thế này sao?” - Ngân ngất:  kimngan_12a2@yahoo.com.vn

 

“Nhìn thấy mà đau lòng quá. Đây đâu phải là chuyện cái kim, con kiến mà người ta có thể lờ đi trong suốt 50 năm được? Có lẽ nhiều người trong chúng ta hiện nay sống cho bản thân mình nhiều quá, mà quên đi gốc rễ của những thứ ta đang có hôm nay. Thật khó có thể hình dung được, có lẽ tôi phải dùng từ Lầm Than để nói về họ. Tôi cảm thấy xót xa cho niềm tin của họ. Thế này thì còn gì là truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây mà ta vẫn nói, vẫn nghe từ thuở mới học vỡ lòng? Không thể hiểu nổi” - Xuyen:  tongxuyen@yahoo.com.vn

 

“Nghị quyết 30a thực hiện đến đâu rồi? Chương trình 34,35 của Chính phủ về xoá đói giảm nghèo đã thực hiện ra sao? Vấn đề này không phải là do chế độ chính sách, vì thực tế ai cũng hiểu là Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đời sống của nhân dân, nhưng cấp thực hiện còn nhiều sai sót quá. Để thực hiện tốt NQTW4 khoá XI, mong các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Bí thư Huyện uỷ Yên Bình cũng cần xem xét lại xem các công bộc ở đây làm làm việc thế nào mà để cho dân khổ đến vậy?” - Trương Quang Tuyến:  quangtuyen686@gmail.com

 

“Tầm nhìn và qui hoạch là của những người có trách nhiệm trong dự án thủy điện đầu tiên của cả nước, nhưng họ đã quên lời hứa với những người dân nghèo vùng sơn cước. Không nên trách cán bộ xã, thôn địa phương, họ không thể làm được gì cả đâu....” - Ngô Hoành:  ngohoanh12@gmail.com

 

Vâng dẫu là sai sót ở cấp nào và từ bao lâu, nhưng muộn mà có hành động tích cực ngay thì vẫn còn hơn không rất nhiều. Trong khi hy vọng và trông chờ vào phản hồi của các cấp chính quyền và ban ngành hữu quan, với truyền thống “lá lành đùm lá rách” bạn đọc Dân trí một lần nữa kêu gọi tinh thần Nhân ái trong cộng đồng:

 

“Trời! Sao mà bất công quá vậy! Ở nơi gọi là hy sinh vì dòng điện quốc gia mà để người dân chịu cảnh như vậy sao? Không lẽ họ bị bỏ rơi 1 cách đáng thương vậy sao? Mong các cấp hữu quan xem bài báo này và có những hành động cụ thể giúp đỡ họ càng sớm càng tốt. Nếu cần mong DÂN TRÍ hãy kêu sự giúp đỡ của cả DÂN TỘC MÌNH!” - Vũ Lan:  mamaoi66@zing.vn
 

Thanh Nguyễn