Bạn đọc viết:

"Thương hiệu" trường học

(Dân trí) - Khi nói đến "thương hiệu" của một ngôi trường, người ta thường nói nhiều đến bề dày thành tích. Nhưng mẹ nghĩ "thương hiệu" của một ngôi trường trước hết là ở sự yêu thích, quý mến của mỗi học sinh với ngôi trường mình học…

Thương hiệu trường học
Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) háo hức đón chào năm học mới (ảnh minh họa: X.T) 
 

Bộ đồng phục trắng tinh, thơm phức treo ngay ngắn trong tủ quần áo… Tiếng trống khai trường rộn rã sắp vang lên, con của mẹ sẽ bước vào cánh cổng trường đang rộng mở, bắt đầu năm học đầu tiên của bậc tiểu học. Người đi học là con, nhưng háo hức xen lẫn hồi hộp, lo lắng lại chất đầy trong lòng mẹ.
 

Bởi vì con không được như các bạn bình thường, dù những khuyết tật của con so với các bạn cùng tuổi đang “tập tành”học nói, học nhai là rất nhỏ, nhưng con vẫn là một vầng trăng khuyết.

 

Trước đây, mẹ từng nghĩ rằng việc quyết định lấy một ai đó để chung sống với mình cả cuộc đời là quyết định khó khăn nhất. Thế nhưng giờ mẹ lại nhận ra rằng, trong cuộc đời thứ mà mẹ phải suy nghĩ, đắn đo nhiều nhất, lo lắng đến mất ăn mất ngủ đó là việc chọn trường cho con: Không phải trường điểm cũng không phải là ngôi trường có mác quốc tế, mà chỉ là một ngôi trường phù hợp với con, bởi vì con là một vầng trăng khuyết.

 

Mẹ đã mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin, mẹ cũng đã  từng đến nhiều ngôi trường để tìm hiểu, mẹ cũng đã kiên nhẫn ngồi hàng giờ chỉ để chờ nghe những lời tư vấn từ những người có kinh nghiệm... Nhưng mỗi trường lại có những cái hay, cái dở riêng, để rồi mẹ lại rối bời với câu hỏi: trường nào sẽ tốt cho con mẹ đây?

 

Và rồi một ngày mẹ giật mình khi đi ngang qua ngôi trường gần nhà mình. Ngôi trường mới xây khang trang, sạch đẹp ở một ví trí hết sức thông thoáng. Đường từ nhà đến trường rộng và thẳng tắp, lại không có nhiều xe cộ. Đường làng mà, và cả ngôi trường ấy cũng là “trường làng”.

 

Mẹ đã đứng rất lâu trước cổng trường còn thơm mùi vôi vữa, trong lòng lại gợn lên những âu lo. “Trường làng” lại là trường mới, không biết giáo viên có kinh nghiệm dạy trẻ khuyết tật không đây? Nhưng rồi mẹ cũng mạnh dạn bước vào với ý nghĩ: Nếu không vào, biết đâu mình đang bỏ qua một cơ hội tốt cho con thì sao?

 

Những người đầu tiên mẹ gặp là các cô giáo trong ban tuyển sinh đang tất bật, bận bịu với những chồng hồ sơ, nhưng vẫn tươi cười chào hỏi và tiếp chuyện mẹ. Mẹ đề nghị được gặp Ban Giám hiệu và nhận được lịch hẹn từ một cô giáo trẻ: “4h chiều mai, mời chị quay lại đây. Ban Giám hiệu sẽ có người tiếp đón chị”.

 

Đúng hẹn mẹ đến. Ngồi đối diện với mẹ là cô Hiệu phó, nụ cười hiền, ánh mắt chăm chú sẵn sàng lắng nghe mẹ giãi bày. Cô ngồi yên nghe mẹ nói và khi mẹ kết thúc câu chuyện của mình, mẹ đã nhận được ở cô sự thông cảm, sẻ chia hết sức chân thành, sự tiếp nhận bằng cả cái tâm và trách nhiệm của một người làm công tác giáo dục. Sau này khi gặp được cô Hiệu trưởng, mẹ lại thêm một lần xúc động vì sự cởi mở, chân tình mà có lẽ suốt đời mẹ không quên được:

 

-  Tất cả học sinh nhà trường đều được hưởng nền giáo dục như nhau. Thế nhưng với những trẻ khuyết tật, bản thân các em đã phải chịu thiệt thòi nên cần được quan tâm nhiều hơn…

 

Và mẹ đã nhìn thấy điều đó khi nguyện vọng của mẹ được Ban Giám hiệu xem xét để bố trí cho con một giáo viên phù hợp.

 

Con đã có một tháng học hè, mẹ vẫn theo sát con mỗi buổi đến trường. Mỗi lần vào lớp, nhìn thấy con khoanh tay lễ phép chào cô giáo, cô giáo mỉm cười xoa đầu con. Hàng tuần cô vẫn trao đổi với mẹ tình hình của con, những lúc không gặp mẹ thì cô nhắn tin, điện thoại. Lòng mẹ ấm lên vì mẹ tin những khi ở trường, không có mẹ bên cạnh, con của mẹ sẽ không đơn độc.

 

Khi nói đến thương hiệu của một ngôi trường, người ta thường nói nhiều đến bề dày thành tích. Nhưng mẹ nghĩ thương hiệu của một ngôi trường trước hết là ở sự yêu thích, quý mến của mỗi học sinh với ngôi trường mình học. Và nếu theo cách nghĩ của mẹ thì trường của con dù là ngôi trường không nổi tiếng nhưng đã có thương hiệu. Đơn giản mỗi ngày mẹ hỏi con có thích đi học không. Con đáp: Có. Mỗi buổi sáng, con lại trèo lên xe mẹ, vai đeo cặp, khuôn mặt vui tươi đến trường.

 

Con của mẹ. Mẹ viết những dòng này cho con trước thềm năm học mới với biết bao cảm xúc. Mẹ biết với những vầng trăng khuyết như con việc hòa nhập sẽ gặp khó khăn và sẽ có những vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập. Nhưng mẹ tin khi cánh cổng trường mở ra, không chỉ mở ra cho con tri thức mà còn mở ra cả lòng nhân ái, tình yêu thương mà con sẽ nhận được từ thầy cô, bạn bè… từ mái trường mà con sẽ gắn bó để sống tự tin, hòa đồng và cũng học được cách “cho” và “nhận” trong cuộc đời.

 

Khi con đã bước ra khỏi những điều có thể gọi là “nhà tù của chính mình”, mẹ tin rồi con cũng sẽ bước lên những cấp học cao hơn. Viết và giữ lại cho con về những ngày đầu tiên đi học, mẹ mong sau này lớn lên, con đừng bao giờ quên mái trường thơ bé này. Đừng quên những đôi bàn tay thân ái đã chìa ra để nắm lấy tay con! Đừng quên sự tận tụy, yêu thương của những người đã cùng bố mẹ dắt tay con bước đi trên quãng đường tuổi thơ nhọc nhằn, con nhé!

 

Mẹ của con (viết tặng con và tập thể giáo viên trường tiểu học Thanh Am)

 

T.H