Thực trạng dạy và học ở Đại học Xây dựng
(Dân trí) - Là một giáo viên trẻ của trường ĐH Xây dựng, tôi đã học ở đây và sau đó được ở lại trường công tác. Thật lòng tôi không thích chút nào khi phải nói lên thực trạng không vui về mái trường mà tôi đã thân quen từ nhỏ.
Gia đình của tôi có nhiều người theo học trường ĐH Xây dựng và cũng có những người thân công tác tại trường. Suốt những năm học ở trường do học ở lớp toàn bạn học khá nên tôi không hề biết được những vấn đề trong việc học của các sinh viên khác trong trường. Nhưng sau gần 3 năm giảng dạy tôi thấy có quá nhiều điều cần phải nói.
1- Về chất lượng đầu vào của sinh viên: Phải nói rằng giảm sút nghiêm trọng. Khoảng 10 năm trước thì điểm để vào trường bao giờ cũng nằm trong top đầu các trường đại học, không thua kém trường Bách khoa là bao. Thậm chí như năm đầu tiên thực hiện thi ba chung cả nước có 2 thủ khoa 30 điểm đều là của trường Xây dựng. Nhưng những năm gần đây thì điểm chuẩn vào trường đã tụt xuống và không còn nằm trong top đầu nữa.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
2. Về các lớp chính quy: Khi tôi học thì trường chưa áp dụng quy chế 43 về việc tính điểm nên nếu ai thi trượt thì phải thi lại, thi lại không qua thì phải học lại. Tuy nhiên 2 năm gần đây trường áp dụng quy chế 43 nên sinh viên chỉ được thi một lần và tôi thấy một số điều sau đây:
- Điểm kết thúc môn gồm điểm quá trình tính hệ số 0,4 và điểm thi hết môn.tính hệ số 0,6. Việc chấm điểm quá trình do không thống nhất và không được quản lý nghiêm nên có tình trạng rất nhiều giáo viên do bận việc hoặc do ngại chấm nên đã cho điểm quá trình rất cao, nhiều lớp sinh viên toàn trên 8 điểm. Điều đáng nói là rất nhiều sinh viên tuy được điểm 10 quá trình nhưng khi thi chỉ được 1-2 điểm.
- Do việc chấm điểm quá trình hoàn toàn do giáo viên quyết định nên nảy sinh việc sinh viên chạy điểm. Nếu một sinh viên được 10 điểm quá trình thì điểm thi chỉ cần 2,5 thì điểm kết thúc môn là trung bình còn nếu được 5 thì điểm kết thúc môn là khá. Ngoài ra do nhiều bộ môn không quy định giáo viên phải nộp bài thi để lưu nên còn xảy ra tình trạng chạy điểm thi.
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
- Do việc quy định một lớp môn học sĩ số chỉ có 60 dẫn đến nhiều sinh viên không thể đăng ký học. Vì vậy dẫn đến tình trạng phải mở thêm rất nhiều lớp học vào buổi tối. Các lớp này sinh viên theo học phần lớn là các sinh viên phải học lại nên mỗi buổi học số sinh viên đến lớp thường không đầy đủ, thậm chí có lớp chưa đủ 10 sinh viên. Các giáo viên khi dạy các lớp này cũng xuê xoa hơn và nếu thời lượng 15 buổi thì có khi chỉ dạy chưa đến 10 buổi. Tuy nhiên cuối cùng phần lớn sinh viên lại thi đạt, và nhiều người được điểm cao.
3. Về các lớp tại chức: Đối với các lớp tại chức ở Hà Nội khi tôi dạy theo lịch học từ 18h đến 21h20 nhưng chưa đến 21h sinh viên đã đề nghị cho nghỉ và tôi được biết là sinh viên thường chỉ học đến 20h30. Mỗi buổi học nếu giáo viên nào dễ tính, không điểm danh thì thường chỉ có chưa đến nửa lớp đi học. Thời gian học ít hơn, nghỉ học nhiều nên đến trước buổi phụ đạo thì lớp trưởng lại đến xin thầy để thầy nương nhẹ cho.
- Đối với các lớp tại chức ngoài Hà Nội thì theo bố trí một ngày sinh viên chỉ học 1 buổi 5 tiết. Tuy nhiên phần lớn giáo viên đi dạy đều không tuân thủ và thường dạy 8 đến 10 tiết một ngày. Có những môn sinh viên học cả ngày trong vài ba hôm rồi thi luôn. Do đó sinh viên phần lớn đều không hiểu bài nhưng đến khi thi vẫn đạt.
- Các lớp tại chức ngoài Hà Nội đều cố gắng chiều giáo viên hết lòng để mong được nương nhẹ khi thi. Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối lúc nào cũng có sinh viên túc trực để đưa thầy đi. Nếu địa phương có danh lam thắng cảnh nào hay thầy cô muốn đi đâu là sinh viên lại đưa đi. Khi giáo viên về lại có phong bì của lớp, có quà đặc sản của địa phương và nếu có điều kiện là lấy xe đưa thầy về đến tận nhà. Tất cả những điều này GS.Nguyễn Đình Cống đã viết trong tâm thư của thầy gửi Bộ trưởng GD-ĐT cách đây mấy năm nhưng đến giờ vẫn chưa có gì thay đổi.
- Trong năm nay còn có rất nhiều lớp học lại được mở ra cho sinh viên học lại. Những lớp này thường được cắt gọn, thời lượng 45 tiết thường chỉ học 2-3 ngày rồi thi và gần như không sinh viên nào phải thi lại mặc dù có những sinh viên đã học rất nhiều lần mà vẫn không qua được. Theo quy định một lớp mở ra thì tổng chi phí chưa đến 5 triệu nhưng có những lớp sinh viên phải đóng lên tới hàng chục triệu.
4. Về các lớp cao học: Do tôi cũng đã theo học nên tôi thấy việc học cao học còn dễ hơn nhiều so với khi tôi học đại học. Nhiều môn học gần như y nguyên như lúc học đại học. Lớp hơn 20 người thì nhiều buổi chưa đến 10 người đi học. Thầy bận, sinh viên cũng bận đi làm nên nhiều khi học hành xuê xoa và có những môn thầy còn cho trước đề thi để về làm. Đồ án tốt nghiệp không hơn so với đồ án tốt nghiệp đại học. Lớp tôi có anh gần như không đến lớp buổi nào vẫn tốt nghiệp loại khá và đang có ý định học tiếp tiến sĩ.
Khi viết lên những dòng này tôi đã đắn đo rất nhiều nhưng sau khi dự lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường tôi thấy mình cần phải làm gì thiết thực, ít nhất là nói lên những suy nghĩ trung thực và có trách nhiệm để góp phần đưa hoạt động của nhà trường trở lại đúng quỹ đạo, lấy lại uy tín của một trong các trường ĐH hàng đầu của Việt Nam, để sinh viên khi ra trường có thể tự hào là mình đã học trường ĐH Xây dựng.
Trần Tấn Bình
LTS Dân trí - Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) vốn có truyền thống trong công tác đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, đáp ứng đúng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn chiến đấu cũng như xây dựng và phát triển đất nước sau này.
Tiếc rằng những năm gần đây, chất lượng dạy và học của trường có nhiều sa sút như bài viết trên đây của một cán bộ giảng dạy trẻ có tâm huyết đã phản ảnh thực trạng đó.
Nguyên nhân của tình trạng này trước hết do sự buông lỏng quản lý của nhà trường; mặt khác, do sự thiếu trách nhiệm của không ít cán bộ giảng dạy cũng như tinh thần học tập không nghiêm túc của sinh viên. Nhiều người học, nhất là học tại chức, chỉ cần có tấm bằng chứ không phải học để có kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
Tình trạng không bảo đảm chất lượng đào tạo đại học hiện nay không chỉ phổ biến ở loại hình trường tư thục mà còn xuất hiện ở trường công lập. Đấy thật sự là điều đáng báo động mà Bộ GD-ĐT cũng như các trường ĐH cần đặc biệt quan tâm và kịp thời lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đào tạo.