Thứ trưởng Bộ Xây dựng lý giải về cách tính diện tích căn hộ

(Dân trí) - “Nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường, đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống và ngược lại, tính theo kích thước thông thủy thì đơn giá sẽ tăng lên nhưng tổng giá bán căn hộ đều không thay đổi” – Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam giải thích.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Hàng loạt lãnh đạo chủ chốt luân chuyển về địa phương

Sản xuất 2 tháng đầu năm vẫn "chưa thấy mùa xuân"

Chung cư trước vống lên 40 triệu/m2, giờ 14 triệu vẫn ế

Có thể sẽ bán tới 70% vốn Vinalines!

Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều nay, 28/2, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam được mời đến để phúc đáp về câu chuyện Thông tư 16 (do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010) đưa ra cách tính diện tích nhà chung cư gồm cả diện tích tường ngăn chia căn hộ, cột chịu lực, hộp kỹ thuật… bị UB Pháp luật của Quốc hội kết luận là ban hành trái luật, không đúng thẩm quyền trong phiên giải trình 2 ngày trước. Bác bỏ nhận định này, Thứ trưởng Nam cho rằng, nội dung thông tư hoàn toàn đúng luật.

Ông Nam dẫn Luật Nhà ở năm 2005 hiện đang có hiệu lực có điều khoản giao Chính phủ quy định, hướng dẫn thi hành. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về nội dung, hình thức hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể các nội dung. Việc Bộ ký ban hành Thông tư 16, theo đó, Thứ trưởng Xây dựng khẳng định, đúng quy trình, đúng trách nhiệm và thẩm quyền được giao.

Thông tư 16 hướng dẫn 2 cách tính diện tích căn hộ chung cư, một cách tính diện tích phủ bì (bao gồm cả phần từ tim tường phân chia các căn hộ, cột chịu lực, hộp kỹ thuật), một cách tính diện tích thông thủy (diện tích sàn sử dụng thực tế). Việc áp dụng cách tính nào là tùy thỏa thuận giữa các bên mua và bán căn hộ, không bị buộc áp dụng lựa chọn phương pháp cụ thể nào.

Thực tế giao dịch mua bán căn hộ chung cư trước khi có Luật Nhà ở 2005, có Thông tư 16 cũng đều tính diện tích tính từ tim tường.
 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng lý giải nhũng băn khoăn về tính diện tích căn hộ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên (đứng) cùng Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam (phải) chủ trì buổi họp báo.

“Như vậy Thông tư ban hành hoàn toàn hợp lý. Do đó không thể có chuyện Bộ Xây dựng phải xin lỗi. Còn nói trách nhiệm của Bộ, chúng tôi thấy việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích làm chưa tốt nên không loại trừ trong quá tình thực thi pháp luật cũng có DN thực hiện không minh bạch, gây bức xúc”.

Nhắc lại một lần nữa khẳng định Thông tư 16 không sai luật, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam giải thích việc mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03 để sửa quy định hướng dẫn tính diện tích căn hộ chung cư theo hướng chỉ giữ một cách tính duy nhất - tính diện tích thông thủy là để thống nhất cách làm. “Thực tế, việc đưa ra 2 cách tính để người dân lựa chọn như trong Thông tư 16 cũng tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, nhiều khi không có lợi so với việc quy định một cách tính duy nhất. Vậy nên việc sửa quy định chỉ là để thống nhất cho chuẩn hơn nhưng điều đó không có nghĩa Thông tư 16 sai” - ông Nam quả quyết.

Trong tài liệu giải trình gửi tới báo chí, đại diện Bộ Xây dựng cũng phân tích, việc tính diện tích sàn căn hộ theo một trong hai phương pháp nêu tại Thông tư 16 đều không gây thiệt hại về quyền lợi cho người mua căn hộ hay mang thêm lợi nhuận cho người bán nhà.

Thứ trưởng Nam đặc biệt nhấn mạnh, không hề xảy ra việc khi tính giá theo kích thước thông thủy thì căn hộ mua sẽ rẻ tiền hơn so với giá mua căn hộ được tính theo kích thước từ tim tường. Bởi vì, về nguyên tắc, toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư (bao gồm phần móng, khung, cột, tường chịu lực, phần căn hộ, hành lang, cầu thang, thang máy, mái, thiết bị,…) là những phần sở hữu chung và cả phần sở hữu riêng của căn hộ đều được tính vào giá bán các căn hộ. Vì vậy, nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường thì đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống và ngược lại nếu tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước thông thủy thì đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ tăng lên nhưng tổng giá bán căn hộ của 2 trường hợp này đều không thay đổi.

“Như vậy, dù tính theo cách nào thì người mua căn hộ cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi. Trên thực tế, nhiều hợp đồng mua bán căn hộ trong thời gian qua, các bên chỉ thỏa thuận tổng giá bán căn hộ mà không có đơn giá bán 1m2 sàn trong hợp đồng mua bán” - đại diện Bộ Xây dựng nói chắc.

Về vấn đề đặt ra là cách tính diện tích từ tim tường khiến người mua nhà thiệt về lâu dài khi phí vận hành, quản lý nhà chung cư được tính theo diện tích, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, tới đây Bộ sẽ sửa thêm Thông tư 08 quy định về vấn đề này để áp dụng chung cách tính diện tích thông thủy cho thống nhất, từ đó người dân cũng sẽ có lợi hơn đôi chút.
 

Thêm giải pháp “kích” nhà giá thấp, tăng giải ngân gói 30.000 tỷ

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2, Chính phủ dành thời gian bàn về hướng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Theo báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, tín hiệu thị trường tiếp tục khởi sắc tích cực mà các chuyên gia trong ngoài nước đều đánh giá, ghi nhận từ thực tế. Điều đó khẳng định các chính sách Chính phủ đã đề ra là đúng hướng. Các giải pháp tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, hướng BĐS đến với người dân, để người có nhu cầu thực mua được nhà, không phải BĐS làm ra để đầu cơ, chuyển đổi.

Giá cả BĐS sau một thời gian giảm mạnh, gần đây hầu như không giảm, có thời điểm còn tăng nhẹ. Bộ trưởng Xây dựng dẫn chứng ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, An Hưng, Hà Đông giá tăng 1-2%. Giá không giảm chứng tỏ BĐS bắt đầu ổn định.

Giao dịch mua bán nhà cũng tiếp tục tăng. Hà Nội trong 2 tháng có 1294 giao dịch thành công, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ 2013. TPHCM cũng đã tăng tương tự dù mức tăng thấp hơn Hà Nội một chút. Giao dịch thành công nhiều nhất là ở những dự án có vị trí thuận lợi, căn hộ cho người có nhu cầu ở thực. Đặc biệt, phân khúc nhà trung bình và thấp tiêu thụ rất tốt, ra đâu hết đó.

Tồn kho BĐS tiếp tục giảm, hiện còn 92.690 tỷ, giảm 1,7% so với năm ngoái. Cung tăng nhưng tồn kho giảm, tức giao dịch tốt.

Về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết vẫn tiếp tục giải ngân nhưng còn chậm. Quan điểm Bộ Xây dựng là gói tín dụng này để hỗ trợ người nghèo, chứ không phải gói cứu BĐS. Gói tín dụng có tính chất lâu dài mà muốn tăng lượng giải ngân thì cần nhiều nhà XH, nhà giá rẻ hơn nữa.

“Mỗi hộ được vay tối đa 500 triệu đồng khi mua nhà thì phải 40.000 hộ vay thì mới giải ngân được 20.000 tỷ. Trong khi đó, thời gian qua chúng ta mới xây được vài nghìn căn nhà ở xã hội thì sao đẩy nhanh giải ngân được. Nếu vội đẩy, tiền hỗ trợ có thể sẽ rơi vào đối tượng khác, không đúng với mục tiêu ban đầu” – Bô trưởng Xây dựng phân tích.

Tán thành quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở, hiện nay, ngay cả một số chuyên gia cũng chưa rõ mục tiêu của chính sách này, vẫn gọi đây là gói giải cứu BĐS trị giá 30.000 tỷ đồng. Ngay từ đầu Chính phủ đã khẳng định không phải thế. Cần hiểu rất rõ vấn đề.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trình bày, thời gian tới, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ có thể nghiên cứu, báo cáo tiếp một số giải pháp để tăng cường thúc đẩy nhà ở xã hội cũng như mở rộng thêm điều kiện, đối tượng để giải ngân gói tín dụng, để nhiều người dân có cơ hội cải thiện chỗ ở hơn.

Tuấn Anh

P.Thảo

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước