Bạn đọc viết:

Thu phí bảo trì đường bộ: Mất nhiều hơn được!

(Dân trí) - Nếu không tin các vị thử thăm dò ý kiến người dân đi, trên mạng cũng được. Tôi chắc rằng nếu chỉ có 5% người dân đồng ý với các vị thôi thì đó cũng là số nhiều rồi (mà có lẽ trong đó toàn “đại gia” không liên quan gì đến vận tải).

Thu phí bảo trì đường bộ: Mất nhiều hơn được!
Thu thêm phí, người dân sẽ không còn phải đi trên những con đường "đau khổ" như thế này?

 

Đảng và nhà nước ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một nhà nước của dân - do dân và vì dân. Phấn đấu mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng và văn minh. Vậy mà tôi thấy việc triển khai áp thu phí bảo trì đường bộ như đề án đã nêu là thực sự chưa hợp lý, đi ngược lại tinh thần đó vì:

 

+ Không công bằng (đối với từng đối tượng sử dụng xe).
 
+ Không văn minh vì một thủ đô mà lại toàn phương tiện xe máy, xe ba bánh, xích lô ... Ôtô mà với 12 loại phí gánh trên đầu thì sống làm sao?

 

+ Không do dân, vì dân vì không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
 
+ Không phù hợp bởi chúng ta phải thực hiện các cam kết với WTO.
 
+  (và hơn hết là) Không khách quan.

 

Các vị cần nhìn nhận sự việc theo đúng bản chất khách quan của vấn đề. Các vị lý luận rằng chúng ta cần hạn chế phương tiện cá nhân nên phải làm ư? Nhưng chúng tôi lại thấy các vị quyết định vậy mà không ngó ngàng gì đến suy nghĩ của người dân, doanh nghiệp, thì hỏi "lấy dân làm gốc" ở đâu?

 

Khi kinh tế thì ngày càng khó khăn, người dân ngày càng vất vả hơn thì các vị lại làm thế khác gì gây thêm khó khăn cho mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp… Riêng ngành công nghiệp ôtô còn non trẻ của VN gặp cơn "động đất" này thì không nói các vị cũng biết kết quả rồi. Vì vậy, tôi và chắc là gần như tất cả người dân đều cho rằng: đề án này buộc phải xem lại cho thấu đáo.

 

Nếu không tin thì các vị  thử thăm dò ý kiến người dân đi, ở trên mạng cũng được. Tôi chắc rằng nếu chỉ có được 5% người dân đồng ý với các vị thôi thì đó cũng là số nhiều rồi (mà có lẽ trong đó toàn “đại gia” không liên quan gì đến vận tải).

 

Các vị biết rằng thu phí như thế thì chi phí sản xuất tăng, giá cả sản phẩm tăng và .....lại tăng lạm phát, lại kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng giá nữa. Hệ thống ngân hàng của ta thì còn đang bấp bênh, thị trường vàng bạc, ngoại tệ thì không ổn định ... Vậy người dân sẽ sống như thế nào? Ôi, người dân khổ lắm rồi các vị ạ!

 

Các vị muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì tôi thấy cũng đâu thiếu gì cách, xin đề xuất  một số cách để các vị tham khảo nhé:

 

- Hạn chế phương tiện mới bằng cách tiếp tục tăng phí đăng ký xe ôtô có thể lên 50% cũng được, lấy tiền này đi đầu tư cho giao thông là ổn.

 

- Xem xét thời gian sử dụng xe theo thời gian. Xe nào lâu quá rồi thì  thu hồi, không cho lưu hành nữa. Vừa an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông, kích cầu sản xuất xe ôtô, xe máy mà văn minh cho đất nước, lại vừa có tiền tái đầu tư cho giao thông.
 

-Thuế xe nhập khẩu ở VN đã cao nhất thế giới, tôi nghĩ tiền đầu tư cho giao thông không thiếu đâu.

 

Tóm lại, là công dân VN, tôi rất thấu hiểu cho các vị với áp lực quản lý xã hội, trước rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải đáp ứng được nhiều mục tiêu, trong khi nguồn lực hạn chế. Nhưng đề án này thực sự không ổn, khi cái mất nhiều hơn rất nhiều cái được. Các vị cứ đổ vào người dân quá mức như thế thì không biết chúng tôi sẽ làm sao để sống?

 

Xin để thời gian cho các vị trả lời. Tôi tin là các vị sẽ lắng nghe và quyết định sao cho phù hợp. Xin có một đôi lời tâm huyết kính gửi!

 

Thế Anh 

email:  theanhqlkt@yahoo.com