“Áp thu phí ngay lập tức là ép chúng tôi chết”

(Dân trí) - Đồng ý nộp phí bảo trì đường bộ, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng mức phí đề xuất hiện nay quá cao và phải có lộ trình để thực hiện. “Nếu áp thu phí ngay lập tức là ép chúng tôi chết” - Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà cho biết.

Câu chuyện về hàng loạt các loại phí Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xúc tiến hoàn tất để thực hiện thu đối với các phương tiện sử dụng đường bộ và nhằm chống ùn tắc đang mắc phải sự phản ứng dữ dội từ phía các doanh nghiệp vận tải, họ cho rằng các khoản phí, mức phí mà Bộ GTVT đề ra là bất hợp lí và làm khó doanh nghiệp.

 

Tại cuộc họp bàn giữa về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Hiệp hội Vận tải Hà Nội tổ chức sáng nay (22/3), hàng loạt ý kiến về phí bảo trì đường bộ và phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm chống ùn tắc trong nội đô đã được nêu ra với những phản ứng đầy bức xúc của các chủ doanh nghiệp.
 
“Áp thu phí ngay lập tức là ép chúng tôi chết”
Doanh nghiệp vận tải đang than phiền về quá nhiều loại phí đổ lên đầu

 

“Trăm dâu đổ đầu tằm”

 

Các doanh nghiệp vận tải đồng thời nêu lên quá nhiều loại phí họ đang phải nộp như: phí trước bạ (nay đã tăng lên 20%), phí cấp biển xe, phí xăng dầu, phí môi trường, phí qua trạm, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí kiểm định… Ngoài ra là 2 loại phí mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ duyệt thu trong thời gian tới đây là phí bảo trì đường bộ và phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Kết thúc cuộc họp sáng nay, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thể hiện sự thất vọng khi đã gửi giấy mời Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, UBND TP.Hà Nội nhưng các tổ chức này không đến, thậm chí không cử chuyên viên đến nghe.

 

“Có thể vị thế của Hiệp hội vận tải chúng tôi không lớn với xã hội chăng? Tôi nói thẳng trách nhiệm ùn tắc giao thông là của Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội qua các thời kỳ. Tại sao người Pháp thiết kế giao thông khu vực Hoàn Kiếm không tắc mà các khu vực mới lại ách tắc? Đó là vì tầm nhìn của lãnh đạo chỉ làm cho hết nhiệm kỳ là xong. Bây giờ cần các giải pháp cấp bách thì phải bàn với dân, cháy nhà thì phải xúm vào mà chữa chứ không phải lúc đó ngồi đợi trang bị tập huấn và chờ lực lượng cứu hỏa đến chữa cháy” - ông Liên nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công ty Taxi Hùng Vương cho đồng ý nộp phí bảo trì đường bộ, nhưng ông cho rằng mức phí mà Bộ GTVT đưa ra hiện nay là quá cao và cần phải xây dựng 1 lộ trình để thực hiện. Doanh nghiệp phải chịu nhiều loại phí quá rồi, nay áp thêm mấy khoản phí nữa thì không khác gì đang gây khó khăn.

 

Riêng phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì ông Tùng tỏ rõ không đồng tình, bởi theo ông Tùng: “Taxi là phương tiện vận tải công cộng nên đừng đưa vào danh mục doanh nghiệp cá thể kinh doanh. Hiện ở Hà Nội có hơn 100 hãng taxi, mỗi ngày vận chuyển hàng vạn lượn khách, chỉ có phương tiện vận tải công cộng thì mới hoạt động năng suất đến vậy, còn lại thử hỏi có phương tiện cá nhân nào đủ sức vận chuyển như thế?”.

 

Cùng quan điểm trên, ông Đinh Xuân Nhật - Giám đốc Công ty Vận tải hàng hóa bằng container cũng kiến nghị giảm 40% mức thu phí bảo trì và lùi thời gian thu đến năm 2013 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

 

Bộc bạch những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải cáng đáng, cộng với những lo lắng về những khoản phí cao mà Bộ GTVT sắp tiến hành cho thu từ 1/6 tới đây, ông Nguyễn Việt Anh - Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Bắc Nam nhìn nhận việc thu phí bảo trì đường bộ là đúng, nhưng do hiện đang có nhiều loại phí chồng chéo nhau mà doanh nghiệp phải chịu nên cần thiết phải gộp phí lại, trong phí bảo trì sẽ bao gồm cả phí xăng dầu, phí qua trạm, đồng thời nên tổ chức thu theo thẻ từ hoặc chíp điện tử kiểm tra để đảm bảo công bằng.

 

“Tôi lấy ví dụ như xe bị hỏng phải đi sửa mấy tháng không chạy mà vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ thì thật không công bằng. Còn nữa, nên thu phí theo tháng, mỗi tháng 1 lần chứ không nên thu qua đăng kiểm 6 tháng/lần, vì xe kể cả không chạy vẫn phải đăng kiểm định kỳ, nhưng mỗi lần đăng kiểm lại thêm 1 lần nộp phí thì là làm khó cho chủ xe” - ông Việt Anh đề xuất.

 

“Công nhân bỏ việc, doanh nghiệp giải thể”

 

Lo ngại này được ông Trần Quốc Khải - Ủy viên Ủy ban Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Chủ nhiệm Hợp tác xã taxi Nội Bài đặt ra trong cuộc họp bàn và kiến nghị Nhà nước xem xét lại các khoản phí sắp thu.

 

“Hiện nay các nước phát triển trên thế giới vận tải công cộng còn được ưu tiên nhiều, thậm chí bù giá, trợ giá tới 40%, còn ta vừa rồi lại tăng phí. Các nước châu Âu hay hay Trung Quốc, tại sao cước vận tải nước ngoài rẻ vì giá xe của họ thấp, còn ở ta giá xe đã đắt lại nhiều phí và thuế nên cước bắt buộc phải cao. Ở Việt Nam, xe buýt được trợ giá rất nhiều, ưu tiên rất nhiều mà không phải đóng thêm phí, trong khi taxi cũng là phương tiện vận tải công cộng nhưng lại phải đóng thuế vào ngân sách Nhà nước.” - ông Khải cho hay.

 

Theo ông Khải, các quy định đưa ra lúc nào cũng đặt vấn đề là quan tâm đến người lao động nhưng nếu buộc doanh nghiệp vận tải phải đóng phí kiểu này thì lái xe, lao động sẽ bỏ việc, hàng loạt doanh nghiệp phải giải thể.

 

Dẫn lại nhiều quyết định trước đây của ngành giao thông vận tải như bằng lái FC, thiết bị giám sát hành trình… ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà cho rằng có nhiều bất cập nhưng chưa được rút kinh nghiệm, nay lại ban hành thêm khoản phí sắp áp thu là phí bảo trì đường bộ, cuối cùng thì chịu thiệt, chịu khổ là các doanh nghiệp vận tải.

 

“Với các xe container, chúng tôi sẽ phải mất 1,4 triệu đồng/tháng phí bảo trì đường bộ, và phải nộp 6 tháng 1 lần qua đăng kiểm. Như vậy, 50 đầu xe của chúng tôi đều đi đăng kiểm một lần và phải nộp phí 6 tháng, thì số tiền đã lên tới vài trăm triệu, một số tiền quá lớn. Nếu áp thu phí ngay lập tức là ép chúng tôi chết. Bộ GTVT không hiểu doanh nghiệp, không hiểu nỗi khổ của doanh nghiệp.” - ông Ngọc bức xúc.

 

Vị giám đốc công ty vận tải này đề nghị nới thời gian thu phí bảo trì đường bộ và tách biệt rõ ràng đâu là xe cá nhân, đâu là xe vận tải công cộng để áp thu cho hợp lí, không thể đánh đồng và cào bằng các loại phí và đổ lên đầu doanh nghiệp.

 

Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa có văn bản chính thức kiến nghị lên Bộ GTVT và các ngành chức năng xem xét lại các khoản phí bảo trì đường bộ. Theo đó, kiến nghị giảm 40% mức phí đã được Bộ GTVT đề xuất và lùi thời gian thu phí đến 1/1/2013.

 

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm