Bạn đọc viết

Thư ngỏ gửi các chú phi công “Việt Nam e lai”

(Dân trí) - Thấy mấy cô mấy cậu than ra trường gần cả năm rồi mà chưa kiếm được việc làm, còn phải ăn bám cha mẹ. Đứa có việc thì lương chẳng đủ trang trải, chả bù cho mấy chú, lương ngất ngưỡng thế mà còn chê ỏng chê eo?

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Trước hết tôi xin lỗi các chú về sự đường đột khi viết thư ngỏ này và cái sự kém cỏi của mình về tiếng Anh nên đành phải viết theo cách mọi người đọc tên cơ quan nơi các chú đang công tác là “Việt Nam e lai”.

Tôi xin tự giới thiệu: Tôi là một người dân bình thường, rất bình thường. Các chú cứ gọi tôi là “cô Hai bún riêu” như mọi người ở khu phố này vẫn gọi thế từ bao năm nay. Biết đâu, một ngày nào đó, trên đường bay trở về nhà, các chú lại chả thèm một tô bún riêu vỉa hè đậm đà hương vị của quê hương xứ sở, nhỉ?

Cái nghề của tôi nó vất vả lắm. Suốt ngày rong ruổi trên phố mà đâu có được yên. Lúc nào cũng nơm nớp lo bị “hốt” vì chúng tôi vẫn bị cho là làm mất mĩ quan đường phố. Khuya về lại tất bật chuẩn bị hàng cho ngày mai… Chẳng đâu thời gian rỗi để mà xem ti vi, mà tán chuyện thế sự. Dông dài một tí để các chú hiểu, những người dân như tôi mải lo kiếm sống, đâu có thảnh thơi để quan tâm đến chuyện đông tây kim cổ. Vả có biết, chúng tôi cũng chẳng hiểu mô tê gì.

Dưng mà, hôm qua, ừ tối hôm qua có mấy người khách ý chừng là mấy cô cậu sinh viên thì phải, ngồi ăn bún tán chuyện mấy chú lãn công, nghỉ ốm hàng loạt vì chê lương thấp gì đó. Thấy mấy cô mấy cậu than ra trường gần cả năm rồi mà chưa kiếm được việc làm, còn phải ăn bám cha mẹ. Đứa có việc thì lương chẳng đủ trang trải, gặp vài đám cưới hay đám sinh nhật là coi như tháng đó bị “viêm màng túi”. Họ chép miệng, sao chả bù cho mấy chú, lương ngất ngưỡng thế mà còn chê ỏng chê eo?

Các chú phi công “Việt Nam e lai” thân mến!

Nghe chuyện sắp nhỏ, tôi cũng hiểu lõm bõm được ít nhiều. Các chú làm cái nghề đặc biệt, cả nước giỏi lắm chỉ ngàn người được hưởng vinh dự đó, thế có nghĩa là 100 ngàn dân mới có một người là phi công. Có những nghề hót, không cần tài giỏi gì, cứ có tiền là vào được. Nhưng nghề của các chú thì khác, tiền tỉ cũng đừng mơ nếu không đủ tiêu chuẩn sức khỏe, trí tuệ. Ấy là tôi nói theo đường đường chánh chánh, chứ nghe người ta bảo cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Lạy trời, chuyện đó chỉ là mơ đối với nghề bay của các chú.

Nghề của các chú là đặc biệt nên lương cũng rất đặc biệt, ngót vài trăm triệu một tháng. Một ngày các chú kiếm tiền gấp đôi lương tháng thằng con tôi làm công nhân ở khu công nghiệp. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng quả thực, mức lương của các chú, tỉ tỉ người trong thiên hạ có mà mơ!

Tui không dám bàn đúng sai, hay giở chuyện các chú lãn công, chuyện cung cầu, chuyện luật lệ này kia. Một người bán bún riêu dạo như tôi thì biết gì ngoài gánh hàng cõm cõi của mình? Cũng chẳng dám “lên lớp” dạy người vì tự biết thân biết phận mình thôi.

Tôi chỉ tâm tình với các chú, như một người quen mà chưa gặp mặt. Các chú ơi, nhìn lên thì các chú chưa bằng người ta, những đồng nghiệp ngoại quốc ấy. Nhưng số đó ít ỏi lắm, chỉ vài ba trăm thôi. Tiếng là phi công ngoại nhưng suy cho cùng họ cũng chỉ là anh làm thuê, khác chi mấy cầu thủ tận trời Phi xa xôi sang xứ mình đá bóng?

Các chú hãy chịu khó nhìn xuống một chút. Nhìn xuống hàng triệu triệu người đang vất vả trong cuộc mưu sinh hằng ngày mà trong số đó có lẽ có cả người thân, họ hàng của các chú. Hàng vạn sinh viên ra trường đang thất nghiệp. Hàng vạn công nhân làm việc quần quật suốt ngày ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng đồng lương chỉ đủ mua rau. Hàng triệu nông dân làm ra lúa gạo để xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng thu nhập chia ra mỗi tháng cũng chỉ dăm bảy trăm ngàn mà còn bấp bênh… Các chú hãy nhìn xuống để thấy mình đang đứng ở một đẳng cấp rất cao về thu nhập.

Đất nước còn khó khăn, đồng bào cũng đang kham khổ. Liệu các chú đòi hỏi lương cao hơn nữa có hợp lòng người chăng khi mà xã hội ta đang phấn đấu cho sự công bằng, dân chủ, văn minh? Đành rằng xã hội phân công mỗi người một nghề, lương bổng do đó cũng tùy nghề và tùy vào sự cống hiến của mỗi người. Nhưng sự chênh lệch mức lương một trời một vực giữa các ngành nghề trong một đất nước là điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Tôi cũng đã từng nghe dư luận bàn tán rất nhiều về chuyện lương hàng trăm triệu một tháng của các ông tổng giám đốc. Điều đó là hợp lí và nhân văn chăng? Người Việt mình từ xa xưa cho đến ngày nay vẫn luôn coi trọng cái tình mà các chú, tình người ấy. Bạc tiền thì quí đấy, nhưng ông cha ta không coi đó là lẽ sống của mình.

Các chú phi công “Việt Nam e lai” thân mến!

Tôi nói hơi dông dài một tí, có gì không phải mong các chú thông cảm. Âu cũng là do cái sự hiểu biết còn nông cạn mà thôi.

Hồi niên thiếu, hơn ba chục năm về trước, tôi và mấy nhỏ bạn mỗi khi ca: “Anh phi công ơi/anh bay trên trời/anh nghiêng đôi cánh/bóng như gương soi…” mà lòng đầy xúc động, tự hào về những cánh én sắt ngày đêm bay lượn bảo vệ bầu trời xanh quê hương.

Bây giờ, nghe chuyện các chú - thế hệ con cháu của những “anh phi công” ngày ấy, tôi thầm nhẩm lại bài hát cũ mà lòng những băn khoăn. Hình như những “đôi cánh” ấy không còn “bóng như gương soi” nữa mà lấp lánh… ánh kim???

Mong các chú thứ lỗi!

Chúc các chú khỏe mạnh, tâm sáng trí ngời và tinh thần thật thoải mái để mỗi chuyến bay là một niềm vui, niềm vui không chỉ riêng cho các chú mà còn cho hàng triệu người yêu “Việt Nam e lai”, yêu hàng không Việt Nam.

Phần tôi, tôi cũng sẽ cố gắng dành dụm để mong một ngày nào đó may mắn được “cất cánh” cùng các chú trên bầu trời quê hương.

Gửi các chú lời chào trân trọng.

Cô Hai bún riêu

Nguyn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm